+
Aa
-
like
comment

TP.HCM ơi, sao không kiên quyết và mạnh tay hơn?

27/06/2021 20:39

Trong đợt bùng dịch lần thứ 4 này, TP.HCM có số ca nhiễm rất cao, có ngày đạt kỷ lục với 670 ca nhiễm. Và điều mà hàng triệu người dân đang sống ở TP.HCM hiện nay quan tâm vào mỗi buổi sáng tỉnh giấc, không phải là ngày nay ăn gì mà là lên mạng kiểm tra xem số ca nhiễm ở TP.HCM như thế nào, tăng hay giảm so với ngày hôm qua.

Hình ảnh bé gái 5 tuổi, một mình lên xe cấp cứu của Bệnh viện H.Bình Chánh để đến Bệnh viện Trưng Vương điều trị Covid-19.

Có thể thấy, nỗi lo hàng ngày của người dân đang sống tại TP.HCM là rất lớn, áp lực và đầy thứ lo toang. Trong đợt dịch thứ 4 này, TP.HCM áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch, chỉ thị 15 của Chính phủ, giãn cách xã hội đợt một, rồi đến đợt hai, khuyến cáo 5K và khuyến khích chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết … được đưa ra. Tuy nhiên chỉ trong thời gian chưa đến 14 ngày giãn cách, hết ổ dịch liên quan chợ đầu mối Hóc Môn, chợ Bình Điền, khu dân cư Ehome 3, khu tái định cư phường 16, quận 8 được phát hiện, đến hàng loạt công ty bị nêu tên.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM báo động: “Dịch Covid-19 lây lan rất nhanh tại các công ty”, nhưng đâu đó công tác chống dịch vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc.

Vừa mới đây, thông tin từ HCDC cho biết về 50 ca nghi mắc COVID-19 trong khu vực phong tỏa tại hẻm 76 đường Tôn Thất Thuyết, phường 16, quận 4, người dân trong khu vực phong tỏa còn chủ quan, khai báo chưa đầy đủ các thông tin dịch tễ. Và mặc dù nằm trong khu vực có ca bệnh, được phong tỏa nhưng người dân chưa tuân thủ các biện pháp phòng dịch, vẫn thường qua lại, nói chuyện với nhau. HCDC cũng nói rõ: “Điều này là nguyên nhân chính góp phần dẫn đến lây lan dịch bệnh cho cộng đồng”.

Những hình ảnh nao lòng người…

Chỉ còn 2 ngày nữa là TP.HCM kết thúc 14 ngày giãn cách xã hội, với tình hình dịch bệnh có quá nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, số lượng ca nhiễm trong cộng đồng và chưa xác định được nguồn lây không phải là ở con số 1, hay 2. Thiết nghĩ lãnh đạo TP.HCM cần quyết liệt hơn, mạnh tay hơn nữa trong công tác phòng chống dịch, cần xác định nơi nào là điểm dịch, ổ dịch để chống dịch phù hợp.

Những nơi có nguy cơ nhiễm cao cần áp dụng chỉ thị 16 của Chính phủ, cần phong tỏa luôn 1 tháng, thậm chí cách ly từng nhà. Những nơi nguy cơ lây nhiễm thấp thì siết chặt chỉ thị 15 và phạt thật nặng những cá nhân không tuân thủ công tác phòng chống dịch.

Biết rằng phong tỏa sẽ làm thiệt hại nhiều về kinh tế, ảnh hưởng nhiều đến đời sống, nhưng chỉ có quyết liệt hơn thì TP.HCM mới mong kiểm soát được dịch bệnh. Biết rằng có thể sẽ rất khó khăn, nhưng dập được dịch, rồi sẽ tạo dựng lại được, chứ như vầy dịch bệnh chắc chắn sẽ kéo dài, sẽ kiệt quệ, lay lắt, lấy đâu sức tái tạo?

Người dân TPHCM tiêm vaccine Covid-19

Hiện nay, TP.HCM đẩy mạnh, tăng tốc tiêm vaccine cho người dân, đó là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên số lượng được tiêm và chưa được tiêm còn chênh lệch khá lớn. Điều đó cho thấy, nguy cơ nhiễm dịch trong cộng đồng vẫn còn rất cao. Thành phần có tuổi đời ngoài 65, thuộc đối tượng lao động nghèo, buôn gánh bán bưng, người vô gia cư chưa được tiêm vaccine không phải là ít – nguy cơ lây nhiễm trong nhóm này là đáng báo động.

Đó là lý do lãnh đạo các cơ quan chức năng TP.HCM cần quản lý siết chặt hơn nữa, không chỉ đóng cửa chợ tự phát, mà còn giãn cách luôn các chợ truyền thống. Siêu thị tùy vào diện tích cũng cần quy định mỗi lượt vào mua thì 5-10 người. Công sở cũng cần giãn cách, đến giờ phút này không thể chậm trễ hơn nữa.

Tin chắc rằng, người dân sẽ thà chấp nhận phong tỏa một thời gian, kể cả là 1 tháng để dập dịch một lần, cho dứt, để cuộc sống yên bình trở lại. Bởi, suy cho cùng, tất cả kịch bản tăng trưởng, mọi kế hoạch làm ăn, hay hoạch định đều sẽ thất bại, chẳng có nghĩa lý gì nếu như dịch bệnh không kiểm soát, không được dập thành công.

Cát Tường

Bài mới
Đọc nhiều