TP.HCM: Người lao động chỉ nhận 1 mức hỗ trợ
Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, mỗi người dân chỉ nhận 1 mức hỗ trợ, trên tinh thần chia sẻ, chứ không phải nhận hỗ trợ theo NQ09 rồi thì sẽ được nhận thêm hỗ trợ theo NQ68.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho hay với gói an sinh xã hội 26.000 tỉ đồng theo NQ68 quy định các tỉnh, TP có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách T.Ư trên 60%, thì tự bảo đảm kinh phí thực hiện.
Theo ông Tấn, tại TP.HCM khi triển khai gói hỗ trợ, chế độ hỗ trợ nào mà NQ09 không bằng mức trong NQ68 thì TP sẽ bù vào cho bằng. Đồng thời, mỗi người dân chỉ nhận 1 mức hỗ trợ, trên tinh thần chia sẻ, chứ không phải nhận hỗ trợ theo NQ09 rồi thì sẽ được nhận thêm hỗ trợ theo NQ68.
Lao động tự do tại TP.HCM được chi hỗ trợ đợt 1 phải đảm bảo cư trú hợp pháp trên địa bàn bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 4 triệu đồng/tháng; đồng thời phải thuộc một trong 2 nhóm sau:
Nhóm 1, bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, chuyển hàng bằng xe ba gác, xe thô sơ; bán lẻ vé số lưu động; tự làm trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe. Đối tượng này sẽ do chính quyền xã, phường lập danh sách, xét duyệt và chi trả.
Nhóm 2, làm thuê tại hộ kinh doanh, cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ), một số lĩnh vực ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND TP.HCM ngày 30.5.2021. Đối tượng này sẽ do chủ sử dụng lao động thống kê, lập danh sách gửi UBND xã, phường nơi đặt cơ sở, điểm hoạt động để UBND xã, phường thực hiện chi trả.
Ông Tấn cho biết thêm trong tháng 7 này, TP.HCM sẽ tiếp tục chi hỗ trợ 2 đối tượng còn lại trong NQ09, gồm nhóm lao động ở các khu chế xuất và khu công nghiệp, các doanh nghiệp… trú đóng trên địa bàn các quận, huyện, TP.Thủ Đức bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; và nhóm lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp của các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động do yêu cầu của các cấp có thẩm quyền, các hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn TP.HCM. Các đối tượng này sẽ do chủ sử dụng lao động lập danh sách.
Ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP.HCM, cho biết để việc thực hiện gói hỗ trợ được nhanh chóng, BHXH TP.HCM đã điều chỉnh thời gian giải quyết hồ sơ xuống còn 1 ngày làm việc đối với các chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; chính sách xác nhận danh sách người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, ngừng việc. Đến nay, BHXH TP.HCM đã xác nhận hồ sơ cho 5.893 doanh nghiệp với 51.500 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, lao động nghỉ việc không hưởng lương để UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức xem xét giải quyết chế độ hỗ trợ.
Ngọc Anh