TP.HCM nên đặt tên gì cho thành phố mới?
Nhiều ý kiến góp ý tiếp tục tập trung vào vấn đề tại sao chọn tên gọi cho đơn vị hành chính mới và mong muốn việc sáp nhập phường, quận phải tránh xáo trộn cho người dân quận 2, quận 9 và Thủ Đức, TP.HCM.
Việc quản lý đô thị ở các quận, huyện đang đô thị hóa mạnh phức tạp hơn nhiều so với khu vực đô thị ổn định. Trong khi bộ máy hành chính bị tinh giản thì có đảm bảo công tác phục vụ nhân dân?
Ông VÕ KIM CƯƠNG (nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM)
Hôm qua 6-10, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức hội nghị phản biện đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc TP.HCM giai đoạn 2019 – 2021. Song song đó, các đại biểu Quốc hội cũng tổ chức tiếp xúc cử tri tại quận 9, Thủ Đức.
Tại các hội nghị, đa số ý kiến đồng thuận về chủ trương sáp nhập để phát triển, các ý kiến phản biện tập trung mổ xẻ những hệ lụy có thể đối mặt hậu sáp nhập và đề xuất giải pháp và tên gọi các địa phương thế nào cho hợp lý, thuyết phục.
Việc sáp nhập phường, quận đã có trong các đề án nhưng đi vào thực tế cũng có không ít băn khoăn của người dân trong các địa phương liên quan. Ai cũng mong muốn chính quyền có sự chuẩn bị chắc chắn, làm sao để TP mới thực sự trở thành một cực tăng trưởng mới cho TP.HCM.
Vì sao tên này, không phải tên khác?
Tại hội nghị phản biện, các ý kiến góp ý tiếp tục tập trung vào vấn đề tại sao chọn tên gọi cho đơn vị hành chính mới và mong muốn việc sáp nhập phường, quận phải tránh xáo trộn cho người dân.
Trước đó, kết quả lấy ý kiến cử tri ở ba quận 2, 9, Thủ Đức về tên của đơn vị hành chính trong tương lai, đa số người dân đồng ý với tên gọi Thủ Đức cho TP mới. Tỉ lệ đồng ý rất cao: quận 2 có 76,8% số cử tri đồng ý, quận 9 có 96% và quận Thủ Đức là 97,5%.
Tuy vậy, ở ba quận vẫn có hơn 1.800 cử tri có ý kiến khác cho tên của đơn vị mới. Trong đó, nhiều cái tên được đề xuất nhiều như TP Đông, TP Thủ Đức Mới, TP Sài Gòn Gia Định, TP Thủ Thiêm…
Cụ thể theo kết quả lấy ý kiến cử tri về việc lập đơn vị hành chính mới tại TP.HCM, trong hơn 72.100 cử tri quận 2 đi bỏ phiếu, có gần 14.600 cử tri không đồng ý (tổng ba quận thì có hơn 21.300 cử tri không đồng ý) đặt tên TP Thủ Đức cho đơn vị hành chính sáp nhập từ quận 2, 9 và Thủ Đức.
Số cử tri không đồng ý của quận 2 chiếm tỉ lệ 20,3% tổng số cử tri trên toàn quận 2, cao nhất trong ba quận (quận 9: 3,1%, quận Thủ Đức: 1,1%).
Ông Nguyễn Huy Thoại, người dân phường Bình An, cho rằng qua hơn 20 năm phát triển giờ vùng đất này trở lại lấy tên Thủ Đức, nghe có vẻ hợp lý nhưng chưa thể hiện được xu thế phát triển mới.
“Tôi thấy lấy tên TP Thủ Thiêm hay hơn. Tên này không những gắn liền với trung tâm tài chính của TP.HCM trong tương lai mà còn mang trong nó mục tiêu phát triển mới như lâu nay người dân TP.HCM hay nghĩ về” – ông Thoại phân tích.
Tuy nhiên, ông Lê Thanh Tùng, cử tri quận 9, lại cho rằng tên TP Thủ Đức là hợp lý nhất. Vùng đất này xưa nay vốn tên là Thủ Đức, giờ trở lại tên xưa sẽ thể hiện được truyền thống và sự nối tiếp của thế hệ hiện tại.
“Từ huyện Thủ Đức xưa, một phần thành quận Thủ Đức rồi sau đó là TP Thủ Đức, đó là một mạch phát triển đô thị tiến về phía trước, tiến tới hiện đại và hội nhập” – ông Tùng lập luận.
Đề án, chủ trương có thành công hay không thì điều quyết định là phải có cán bộ có tâm, có tầm. Vì nhập lại thì bộ máy gọn hơn, công việc lại nhiều gấp đôi, gấp ba lên. Cán bộ yếu thì không thể làm nổi.
Kỹ sư TRẦN THIỆN TỨ
Tìm cách có lợi tốt nhất cho dân
Tại buổi tiếp xúc cử tri ở hai quận Thủ Đức và quận 9 ngày 6-10, nhiều cử tri bày tỏ lo lắng về việc sáp nhập quận sẽ gây khó khăn cho người dân trong việc thay đổi các giấy tờ và thủ tục liên quan đến địa chỉ.
“Thủ tục đổi các loại giấy tờ như chứng minh nhân dân, hộ khẩu… nhanh hay chậm, chi phí bao nhiêu… các cơ quan chức năng cần phải quy định rõ và có hỗ trợ cho dân” – một cử tri quận 9 đề nghị.
Trao đổi lại, đại biểu Quốc hội Phan Nguyễn Như Khuê (trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy) cho biết đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và xã ở TP.HCM đang tiếp tục được lấy ý kiến để nâng cao. Bên cạnh đề án chính bao trùm, các sở, ngành nghiên cứu nhiều đề án nhánh trong đó có nội dung cần xem xét yếu tố gì giảm phiền hà cho dân.
Đó là việc thay đổi chứng minh nhân dân, hộ khẩu như thế nào, có đặt lại tên đường, sắp xếp lại số nhà hay không… Việc này được các cơ quan liên quan nghiên cứu thấu đáo với mục tiêu phục vụ người dân.
Bên cạnh đó, theo ông Khuê, đề án cũng dự báo một số tác động tiêu cực của việc sáp nhập quận là việc thay đổi địa chỉ ảnh hưởng đến các loại giấy tờ của người dân, chi phí điều chỉnh các loại giấy tờ có liên quan đến địa chỉ, bảng hiệu.
Vì vậy, trong phân công nhiệm vụ, đề án cũng phân công cho lực lượng công an TP có nhiệm vụ hướng dẫn, triển khai, đôn đốc công an cấp huyện, cấp xã trong việc chuyển đổi các loại giấy tờ có liên quan.
Đề cập vấn đề này, ông Phan Anh Minh – nguyên phó giám đốc Công an TP.HCM – khẳng định chủ trương sắp xếp sáp nhập đã được thông qua, vấn đề quan trọng bây giờ là bàn cách làm thế nào cho tốt và có lợi nhất cho người dân và các hoạt động điều hành của TP.
Bàn sâu thêm về bộ máy sau sáp nhập, ông Minh cho rằng muốn giải quyết nhanh các loại thủ tục, giấy tờ, giảm phiền hà cho dân thì thời gian đầu sau sáp nhập thậm chí phải tăng cường nhân lực chứ đâu thể duy ý chí theo kiểu “nhập lại ắt phải tinh giản bộ máy” rồi nói là tạo được thuận lợi cho dân.
Cần thiết tăng thẩm quyền cho TP mới
Ông Võ Kim Cương – nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM – cũng nhận xét dự thảo đề án còn thiếu sự đánh giá các bất cập hiện nay của các đơn vị hành chính. Ông Cương đề nghị cần có những đánh giá cụ thể về hiệu lực, hiệu quả và cả những hệ lụy có thể đối mặt sau khi sáp nhập với những số liệu cụ thể thì mới có cơ sở tìm giải pháp phù hợp.
Để TP Thủ Đức phát triển, ông Phan Anh Minh cho rằng cần tăng thẩm quyền cho đơn vị hành chính đặc biệt này.
Cụ thể, theo ông Minh, TP Thủ Đức được sáp nhập từ ba quận nhưng nếu thẩm quyền vẫn chỉ như một đơn vị hành chính cấp huyện, trong khi giao cho một khối lượng quản lý rất lớn, thu ngân sách và dân số thậm chí còn lớn hơn một số tỉnh thì rất khó thực hiện.
“Hiện nay chiếc áo đang mặc là rất chật, bây giờ ba người lại mặc chung cái áo thì liệu có giải quyết được không?” – ông Minh nói.
Theo ông Minh, thẩm quyền của các đơn vị hành chính cấp huyện vẫn bị trói buộc về các luật, như Luật đất đai, đầu tư, ngân sách… nếu giao quản lý rất rộng nhưng thẩm quyền phải xin ý kiến ba tầng nấc thì không giải quyết được vấn đề gì.
“Do đó cần thiết phải có nghị quyết của Quốc hội để tăng thẩm quyền cho đơn vị hành chính đặc biệt này (TP Thủ Đức), kể cả thẩm quyền về xử phạt hành chính” – ông Minh đề xuất.
Đặt tên Thủ Đức là tiếp nối mạch nguồn Gia Định – Sài Gòn xưa
Địa danh Thủ Đức đã có từ trước năm 1772, với sự xuất hiện trong cuốn Tự vị Annam-Latinh của Pierre Pigneaux de Béhaine. Ban đầu đó là địa danh vùng, sau trở thành địa danh chỉ các đơn vị hành chính các cấp: hạt Thủ Đức (1868), quận Thủ Đức (1918), thị trấn Thủ Đức (sau 1975), quận Thủ Đức (1997).
Sách Gia Định thành thông chí cho biết chức năng của loại hình “thủ” này: thủ sở, thủ ngự sở, gọi trại thành thủ ngự là nơi đóng đồn trên bộ để đề phòng giặc kiêm luôn thu thuế khóa như Thủ Thiêm, Thủ Đức, Thủ Đoàn, Thủ Dầu Một, Thủ Thừa… Địa danh Thủ Đức được cấu tạo theo kiểu: Thủ là chức vị và Đức là tên người.
Không chỉ là nơi quần cư sinh sống của người dân Sài Gòn từ lâu đời, Thủ Đức còn sớm hình thành phố chợ với dấu mốc là nhân vật Tạ Dương Minh lập chợ Thủ Đức ở làng Linh Chiểu Đông. Khoảng năm 1890, hương chức trong làng xuất 350 đồng cùng nhân dân địa phương cải táng xây lại mộ phần và lập đền thờ ông.
Nguyễn Liên Phong trong Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca (1909) đã mô tả đó là ngôi chợ rất sung mậu và không kém phần văn minh ở buổi đầu thế kỷ XX: …Thủ Đức chợ nhóm rất đông / Hai bên phố xá chánh trung nhà làng / Đình thần vén khéo nghiêm trang / Thường niên tế tự kỷ cang kỉnh thành.
Do vậy, việc ngày nay lấy tên Thủ Đức đặt cho thành phố mới ở phía đông có ý nghĩa là sự tiếp nối mạch nguồn truyền thống lịch sử – văn hóa lâu đời của một vùng đất ở Sài Gòn – Gia Định xưa, trong sự chuyển mình mạnh mẽ ở hiện tại.
NGUYỄN THANH LỢI (nhà nghiên cứu)
Nếu không làm nhanh phải chờ 5 năm nữa
Ông Huỳnh Thanh Nhân – giám đốc Sở Nội vụ – cho biết trên cơ sở các ý kiến của cử tri và phản biện của chuyên gia, nhà khoa học, TP sẽ tiếp tục hoàn chỉnh đề án với đầy đủ cơ sở pháp lý, bản đồ hành chính các đơn vị sắp xếp cũng như các ý kiến góp ý.
Lý giải về tiến độ, ông Huỳnh Thanh Nhân cho biết đến giữa năm 2021 phải tiến hành bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp khóa mới. Việc sắp xếp đơn vị hành chính phải hoàn thành trong năm 2020.
“Trong TP Thủ Đức có HĐND, nếu chúng ta không làm xong thì khi bầu HĐND các cấp xong chúng ta phải chờ 5 năm sau mới có thể thực hiện đề án” – ông Nhân thông tin.
Cũng theo ông Nhân, các ý kiến góp ý về tên gọi mới, địa điểm đặt trụ sở mới, TP xin tiếp thu. Còn về vấn đề giải quyết các thủ tục hành chính hậu sáp nhập làm sao có lợi nhất cho người dân – đây là chuyện cả người dân và cán bộ đều rất quan tâm.
Tới đây, tại kỳ họp HĐND các cấp, đại biểu cũng sẽ có ý kiến để tìm giải pháp sao cho hợp lý nhất.
“Chúng ta cũng phải xác định bộ máy mới không thể chạy nhanh ngay được mà phải có giai đoạn đầu tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc, thậm chí chậm trễ. Chúng tôi sẽ tham mưu để thúc đẩy trách nhiệm của từng cấp, từng ngành giải quyết nhanh nhất việc của dân” – ông Nhân khẳng định.
Thành phố Thủ Đức có 8 trung tâm
Trung tâm tài chính gắn với khu đô thị mới Thủ Thiêm
Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc
Trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao
Trung tâm giáo dục đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học công nghệ cao
Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam
Trung tâm công nghệ sinh thái – khu Tam Đa và đại học Long Phước
Trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ và cảng container Cát Lái
Khu đô thị cảng Trường Thọ
Sau hội nghị ngày 6-10, Sở Nội vụ TP và các đơn vị liên quan sẽ tổng hợp báo cáo UBND TP trình HĐND TP.
* Ngày 7-10: Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm định đề án.
* Ngày 8 và 9-10-2020: HĐND cấp phường họp để cho ý kiến về đề án.
* Ngày 10-10: HĐND các quận liên quan họp để cho ý kiến về đề án.
* Ngày 12-10: HĐND TP họp để xem xét thông qua.
M.HƯƠNG – N.HÀ – T.LÊ/ TTO