TP.HCM muốn nhận lại 6.000 m2 đất tại khu Ba Son
UBND TPHCM kiến nghị Bộ Quốc phòng bàn giao khu đất di tích lịch sử quốc gia (địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng) tại khu vực Ba Son, Quận 1 để quản lý và đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích.
Trong công văn gửi Bộ Quốc phòng, UBND TPHCM cho biết, tại hội nghị vào tháng 6/2019 giữa Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương và Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, các bên đã đồng ý chủ trương trên.
Di tích lịch sử địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại khu vực Ba Son gồm ụ tàu nhỏ. Khu bảo vệ di tích gồm hai khu vực với tổng diện tích hơn 6.000m2. Phương án bảo tồn được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch thống nhất vào năm 2015.
Hiện tại, khu đất này do Tổng công ty Ba Son quản lý và đã được chính quyền thành phố cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đất quốc phòng).
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt, tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) có hướng tuyến đi ngang khu vực này.
Hiện, công trình đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện với yêu cầu bố trí hệ thống kỹ thuật và thi công đặc thù, phương án xử lý về mặt bằng không gian kiến trúc cảnh quan nhằm hạn chế phát sinh các tác động tiêu cực đến khu di tích.
UBND TP cho biết, sau khi có ý kiến đồng ý của Bộ Quốc phòng, sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với Tổng công ty Ba Son thực hiện các thủ tục để tiếp nhận, quản lý đối với khu đất di tích lịch sử quốc gia này.
Bên cạnh việc bảo tồn và phát huy tốt giá trị lịch sử địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Thành phố sẽ tiến hành lập phương án thiết kế quy hoạch tổng thể khu di tích hài hòa về không gian kiến trúc cảnh quan khu vực.
Theo đồ án quy hoạch, khu vực TP.HCM muốn nhận lại là đất thuộc lĩnh vực văn hóa, cần được bảo tồn. UBND TP.HCM đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đất quốc phòng) cho Tổng công ty Ba Son quản lý.
Di tích lịch sử địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại khu vực Ba Son gồm ụ tàu nhỏ và triền nề, phường Bến Nghé. Khu bảo vệ di tích gồm hai khu vực với tổng diện tích hơn 6.000 m2.
Trước đó, Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương và TP.HCM đã cùng đồng ý chủ trương kiến nghị lên Bộ Quốc phòng để TP.HCM tiếp nhận khu đất trên và quản lý, đầu tư, tu bổ, tôn tạo di tích.
Hoài Nam (t.h)