TP.HCM lồng ghép đề án thành lập TP phía Đông cùng với sáp nhập 19 phường
TP.HCM yêu cầu việc lồng ghép đề án thành lập TP phía Đông với việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính phải có căn cứ, lý giải thuyết phục về tính hiệu quả.
Văn phòng UBND TP.HCM vừa thông báo kết luận của Chủ tịch Nguyễn Thành Phong về đề án không tổ chức HĐND quận, phường; đề án thành lập TP phía Đông và dự thảo Nghị định của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TP.HCM.
Nếu thành lập, thành phố phía Đông trực thuộc TP.HCM sẽ như thế nào?
Theo đó, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cơ bản thống nhất nội dung đề án không tổ chức HĐND quận, phường và giao Sở Nội vụ tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh, tham mưu cho TP lấy ý kiến góp ý của Đoàn đại biểu Quốc hội TP đối với đề án. Dự kiến trong đầu tháng 6, Ban Cán sự Đảng UBND TP sẽ trình đề án để Thường trực Thành ủy xem xét.
Đối với Đề án thành lập TP phía Đông và chuyển một số huyện thành quận giai đoạn 2021 – 2030, Chủ tịch TP.HCM đồng ý tách thành 2 nội dung thành phần gồm thành lập TP phía Đông, và chuyển một số huyện thành quận giai đoạn 2021 – 2030.
Đáng chú ý, TP giao Sở Nội vụ cập nhật lồng ghép nội dung thành lập TP phía Đông trong phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021. TP yêu cầu việc lồng ghép phải có căn cứ, lý giải thuyết phục về tính hiệu quả của việc sáp nhập 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức thành TP trực thuộc TP.HCM thay vì thành một quận.
Theo phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, dự kiến có 19 phường ở khu vực trung tâm TP.HCM sáp nhập còn 9 phường.
Đối với đề án chuyển một số huyện thành quận giai đoạn 2021 – 2030, Sở Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, thu thập đủ dữ liệu, đảm bảo tính khả thi khi đề án hoàn thành, trình UBND TP trong quý 4/2020.
Đối với dự thảo Nghị định về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TP.HCM, TP yêu cầu các sở, ngành cần thay đổi nhận thức, xem đây là cơ hội để TP được phân cấp mạnh mẽ hơn, chủ động thực hiện các nội dung công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố mà Nghị định 93/2001 đã không còn phù hợp.
Do dự thảo nghị định đòi hỏi sự kỹ lưỡng, toàn diện, có hiệu lực, hiệu quả lâu dài nên Sở Nội vụ làm việc lại với tất cả các sở, ngành, rà soát chặt chẽ để bổ sung, đề xuất đầy đủ, tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của 24 quận, huyện.
Tuấn Anh/TN