TP.HCM lên phương án chuyển đổi 400.000 xe xăng sang xe điện như thế nào?!
TPHCM lên kế hoạch chuyển đổi 400.000 xe máy xăng sang xe điện – bước đi quan trọng nhằm xây dựng “giao thông xanh”, hiện thực hóa mục tiêu giảm ô nhiễm trong khuôn khổ Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ bảo vệ môi trường, về lộ trình chuyển đổi toàn bộ 400.000 xe máy sử dụng xăng sang xe điện, trước hết tập trung vào nhóm tài xế công nghệ, giao hàng – những đối tượng có tần suất di chuyển cao và phát thải lớn trong nội đô.

Theo đề xuất của Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM (HIDS), kế hoạch chuyển đổi sẽ được triển khai từ năm 2026 đến cuối năm 2029 với lộ trình bốn giai đoạn cụ thể. Đến cuối năm 2029, toàn bộ xe máy chạy dịch vụ công nghệ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ không được phép hoạt động tại TPHCM.
Bốn giai đoạn chuyển đổi
Giai đoạn 1 (2026): Dừng cấp mới phù hiệu cho xe xăng, khuyến khích chuyển đổi sớm sang xe điện, kết hợp các chính sách hỗ trợ vay mua và ưu đãi thuế, lệ phí. Giai đoạn 2 (2027): Thí điểm cấm xe xăng dịch vụ công nghệ lưu thông vào khung giờ cao điểm tại các vùng phát thải cao như trung tâm Quận 1, Quận 3. Giai đoạn 3 (2028): Tăng cường kiểm soát khí thải xe xăng; mở rộng phạm vi hạn chế tại nhiều quận nội thành khác. Giai đoạn 4 (2029): Cấm hoàn toàn xe xăng chạy dịch vụ trong nội đô.
Tỷ lệ chuyển đổi dự kiến theo từng năm là 30% (2026), 50% (2027), 80% (2028) và 100% (2029).
Chính sách hỗ trợ: Không để người dân đơn độc
Điểm đáng chú ý trong kế hoạch là hệ thống hỗ trợ toàn diện về tài chính và hạ tầng nhằm đảm bảo người dân, đặc biệt là người lao động thu nhập thấp, không bị bỏ lại trong quá trình chuyển đổi.
TPHCM kiến nghị miễn lệ phí trước bạ, VAT cho xe máy điện trong giai đoạn chuyển đổi; đồng thời phối hợp với các ngân hàng triển khai gói vay lãi suất thấp (dưới 6%/năm), hỗ trợ trả góp, đổi xe cũ lấy xe điện. Các hãng xe điện lớn cũng được khuyến khích mở rộng mạng lưới đổi pin, sạc nhanh và bảo hành để đảm bảo tiện lợi.
Ngoài ra, thành phố dự kiến phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ như Grab, ShopeeFood, Be… để triển khai chương trình thưởng cuốc xe, cộng điểm hoặc hoàn tiền cho tài xế dùng xe điện. HIDS khẳng định: “Tài xế chuyển đổi sẽ không bị thiệt hại thu nhập mà còn có cơ hội gia tăng lợi nhuận”.

Để đáp ứng nhu cầu năng lượng và an toàn cháy nổ, ngành điện TPHCM đang được yêu cầu nâng cấp hệ thống phân phối tại các chung cư, bãi đỗ xe, tòa nhà văn phòng. Sở Xây dựng và Sở Giao thông Vận tải cũng sẽ phối hợp để lắp đặt trạm sạc công cộng, xây dựng bản đồ sạc xe điện thành phố, tích hợp vào ứng dụng giao thông đô thị thông minh.
Vì một TP.HCM xanh – sạch – bền vững
Lộ trình chuyển đổi xe máy sang xe điện không chỉ là biện pháp giảm ô nhiễm không khí, mà còn thể hiện quyết tâm cụ thể hóa các cam kết tại COP26 về trung hòa carbon. Đây cũng là bước đi tiên phong thực hiện chuyển đổi xanh theo định hướng của Chính phủ trong giai đoạn 2025–2030, đưa môi trường trở thành trụ cột an sinh và phát triển bền vững.
Quan trọng hơn, chính sách này cho thấy sự dịch chuyển trong tư duy quản trị: không chỉ là áp đặt cấm đoán, mà là tạo điều kiện để người dân chuyển đổi thuận lợi. Đúng như tinh thần mà Tổng Bí thư Tô Lâm từng nhấn mạnh: “Chuyển đổi xanh không phải là khẩu hiệu, mà là trách nhiệm cụ thể, phải đến được từng người dân”.
Ngọc Lâm