+
Aa
-
like
comment

TP.HCM lên kế hoạch ứng phó ô nhiễm không khí

26/12/2019 07:04

Sở GTVT TP sẽ tiếp tục xịt rửa hàng chục tuyến đường, thí điểm kiểm tra khí thải đối với xe máy nhằm ứng phó ô nhiễm không khí đang ngày một nghiêm trọng.

Nhiều xe cà tàng hoành hành

Theo đánh giá của Sở TN&MT TP.HCM, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trên địa bàn TP chủ yếu từ ba yếu tố: Do hoạt động giao thông; các hoạt động công nghiệp; các hoạt động xây dựng. Đồng thời Sở TN&MT cũng khẳng định các hoạt động giao thông là nguồn phát thải lớn nhất, chiếm khoảng 50% tổng lượng phát thải tại TP.HCM. Trước thực trạng này, Sở TN&MT sẽ phối hợp với Sở GTVT kiểm tra, giám sát nồng độ khí thải của các phương tiện giao thông.

TP.HCM lên kế hoạch ứng phó ô nhiễm không khí
Trước thực trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, Sở GTVT đang rốt ráo đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng này.

Thống kê của Sở GTVT tính đến giữa năm 2019, toàn TP có hơn 8,1 triệu xe máy đang lưu hành. Số lượng xe máy gấp gần 10 lần ô tô.

Ghi nhận của PV, nhiều tuyến đường chính ở TP như Điện Biên Phủ, Hải Thượng Lãn Ông, Trường Sa, Hoàng Sa luôn có nhiều xe cà tàng, xe tự chế và xe máy cũ lưu thông. Thoạt nhìn các xe máy này phải có tuổi đời trên 20 năm. Nhiều xe không đèn, không còi, không gương…, thậm chí có xe chỉ còn trơ bộ khung. Các loại xe này thường chở hàng cồng kềnh như gạo, nước đá, nước giải khát và hoạt động cả ngày lẫn đêm.

Một CSGT cho biết xe cà tàng không còi, không đèn, thậm chí không biển số vẫn còn hoạt động rất nhiều ở TP.HCM. Quá trình xử lý các loại xe này gặp nhiều khó khăn bởi xe không có niên hạn sử dụng và không có quy chuẩn kiểm định. “Khi tiến hành kiểm tra đời xe mới phát hiện số khung, số sườn lẫn lộn với nhau. Thậm chí khi bị kiểm tra, xử phạt thì tài xế sẵn sàng bỏ của chạy lấy người” – vị này nói.

Thí điểm kiểm tra khí thải xe máy

Trước các vấn đề trên, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết đơn vị đang lên kế hoạch ứng phó ô nhiễm không khí. Cụ thể, sở sẽ kiến nghị TP cho thực hiện xịt rửa một số tuyến đường mà sở được giao công tác duy tu, số còn lại sẽ giao về cho các quận, huyện. Thời gian qua quận 1 cũng đã xịt rửa một số tuyến đường trung tâm.

Theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP, đơn vị cũng yêu cầu các công trình đang thi công ở trung tâm TP khi tập kết vật liệu phải để trong bao khi vận chuyển. Không chỉ vậy, các xe ra vào công trường cũng phải tiến hành xịt rửa để đảm bảo và sở cũng sẽ có văn bản nhắc nhở các quận, huyện về vấn đề này.

Đại diện Sở GTVT cho biết số lượng xe gắn máy tăng đều qua các năm song việc kiểm soát việc xả thải của xe máy thì cần thực hiện từng bước, có lộ trình. Hiện sở đang phối hợp với Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam nhằm kiểm tra thí điểm xe máy trên địa bàn TP. Từ đó sở sẽ đề xuất, tham mưu với TP xây dựng chính sách kiểm tra xe máy trên địa bàn.

TP.HCM lên kế hoạch ứng phó ô nhiễm không khí - ảnh 1
Xe máy cũ có nguy cơ gây ô nhiễm cao còn di chuyển nhiều trên đường.

Về vấn đề này, ông Trần Quang Lâm cho biết hiện ô tô được đăng kiểm theo định kỳ, siết tiêu chuẩn khí thải theo từng phương tiện, trong khi đó xe máy chưa có quy định cụ thể. Hiện sở vẫn đang chờ Bộ GTVT chỉnh sửa, bổ sung vào Luật Giao thông đường bộ các quy định về tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy. Do vậy, TP.HCM và các địa phương khác vẫn chưa thể tiến hành kiểm định và ra chế tài cụ thể đối với xe máy cũ. Trước mắt Sở GTVT đã ban hành kế hoạch thí điểm kiểm tra khí thải xe máy, dự kiến sẽ triển khai từ tháng 1-2020.

Theo ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Đức, Trường ĐH Việt Đức, kiểm tra khí thải đối với các phương tiện là việc cần thiết và trên thế giới đã làm, chỉ riêng ở Việt Nam còn buông lỏng. TP.HCM và Hà Nội đang gặp vấn đề ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí. Nồng độ bụi PM 2.5 đang vượt quá mức độ cho phép, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, vì vậy cần có biện pháp kiểm tra khí thải đối với các phương tiện.

Ngoài ra cần phải kiểm soát xe máy, người đi xe máy nhiều phải trả phí nhiều. Từ đó có nguồn ngân sách để xây dựng hạ tầng, phát triển giao thông công cộng để giảm ùn tắc giao thông. Khi có hạ tầng cho người đi bộ, người đi xe đạp sẽ chuyển dần từ xe máy sang các phương tiện công cộng. Vì vậy, định hướng của Sở GTVT là hoàn toàn phù hợp trong thời điểm hiện nay.

Chủ tịch Hà Nội ra chỉ thị kêu gọi người dân chống ô nhiễm bụi

Ngày 25-12, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ban hành chỉ thị về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn TP Hà Nội. Chủ tịch TP Hà Nội kêu gọi các cơ quan, đơn vị, toàn thể nhân dân thủ đô tham gia và ủng hộ các biện pháp của chính quyền TP.

Cụ thể, chủ tịch Hà Nội yêu cầu Sở TN&MT chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội vận hành liên tục, ổn định hệ thống quan trắc môi trường không khí và thông báo công khai các số liệu ô nhiễm không khí để người dân có kế hoạch phòng tránh. Trường hợp ô nhiễm không khí chạm mức nguy hại (chỉ số AQI >300), Sở TN&MT có trách nhiệm thông báo tới Sở GD&ĐT để chỉ đạo các trường mầm non, tiểu học cho học sinh sắp xếp lịch học phù hợp.

Chủ tịch Hà Nội cũng giao Sở Y tế xây dựng phương án, kịp thời hướng dẫn người dân các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo sức khỏe trong những ngày chất lượng không khí ở mức xấu, rất xấu và nguy hại.

Đồng thời, yêu cầu Sở Xây dựng chỉ đạo các công ty môi trường đô thị, các quận, huyện rà soát, kiểm tra, tăng cường tần suất sử dụng xe hút bụi, hút rác và dùng xe tưới nước rửa đường trong các ngày chất lượng không khí ở mức kém trở lên.

Yêu cầu Sở GTVT và Công an TP tăng cường lực lượng điều tiết giao thông tránh ùn tắc trong giờ cao điểm, yêu cầu tất cả xe tải có trọng tải từ 1,5 tấn trở lên chỉ được đi vào TP từ vành đai 3 trở vào từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau…

Đào Trang/ PLO

Bài mới
Đọc nhiều