+
Aa
-
like
comment

TP.HCM: Kỳ vọng đột phá từ hợp tác công tư

Bích Vân - 23/05/2023 15:48

Khởi động lại dự án BT, áp dụng BOT với công trình giao thông hiện hữu… là những chính sách được kỳ vọng giúp thu hút đầu tư để TP HCM phát triển.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, nhận định thời gian qua do TP HCM chưa thu hút doanh nghiệp lớn hoạt động trong những ngành nghề, lĩnh vực mới nên sự phát triển chưa như mong đợi. Dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội như một lời giải cho vấn đề trên.

Tăng thu hút đầu tư

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, dự thảo đặt trọng tâm thu hút đầu tư nguồn vốn xã hội hóa từ các thành phần kinh tế với điểm nhấn là đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Điều này có ý nghĩa quan trọng khi nhu cầu của thành phố lớn nhưng nguồn vốn đầu tư công không đáp ứng.

Dự thảo nghị quyết mới cho phép thực hiện dự án BT (xây dựng – chuyển giao) thanh toán bằng ngân sách và dự án BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) đối với các dự án giao thông đường bộ hiện hữu. Trong đó, các cơ chế kiểm soát dự án BOT bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, người dân, xã hội. Với BT, hình thức giúp đáp ứng ngay nhu cầu của thành phố này sẽ khắc phục được những hạn chế của dự án BT trước đây.

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, các đại biểu Quốc hội từng đặt vấn đề tại sao thành phố quay lại hình thức BT trong khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư không có hình thức này. Bà Mai lý giải bản thân hình thức đầu tư BT không có lỗi. Tuy nhiên khi thực hiện có những vướng mắc. Sự chưa thống nhất giữa các luật liên quan làm cho quá trình triển khai xảy ra một số vấn đề chưa trôi chảy, thuận lợi.

“Do đó, sau khi ban hành nghị quyết thì sẽ có những cơ chế, quy định và các bộ, ngành sẽ phối hợp với thành phố để khắc phục những hạn chế của BT trước đây giúp thành phố triển khai hình thức đầu tư này hiệu quả. Đây cũng là cơ chế thí điểm để các tỉnh, thành khác rút ra bài học kinh nghiệm và có thể áp dụng lại hình thức BT trên cả nước” – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM nói.

Cơ sở hạ tầng kết nối tốt và hệ thống là yếu tố “then chốt” giúp Việt Nam hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư

Đóng góp nhiều hơn cho cả nước

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho hay nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 với trên 40 nội dung về cơ chế, chính sách và được chia ở 4 nhóm. Thứ nhất, các cơ chế, chính sách đã được quy định tại Nghị quyết 54. Thứ hai, những nội dung tương tự đã được quy định tại các nghị quyết đặc thù của các địa phương và phù hợp với thành phố. Thứ ba, những nội dung đang được đưa vào các dự thảo luật sửa đổi. Cuối cùng là các cơ chế, chính sách mới. “Những cơ chế, chính sách này sẽ giúp thành phố tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, đặc biệt là huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển” – ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Nói về dự án BT, BOT, theo ông Phan Văn Mãi, dự thảo nghị quyết mới quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý các dự án, chi phí đầu tư… rất chi tiết, chặt chẽ theo hướng minh bạch, bảo đảm lợi nhuận nhất định để nhà đầu tư có lãi nhưng giám sát được. Cùng với đó, ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý. “Chẳng hạn như thu phí tự động để giám sát số lượng và tính toán thời gian thực hiện dự án. Những vấn đề này ở từng dự án cụ thể sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo đảm đúng bản chất dự án BOT và huy động được nguồn lực xã hội” – ông Phan Văn Mãi nêu ví dụ và tin tưởng BOT sẽ được triển khai thực sự hiệu quả, minh bạch.

Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh thành phố đã tích cực chuẩn bị tâm thế, lực lượng, điều kiện để tổ chức thực hiện nghị quyết mới. “Thành phố cũng đã có phân công chuẩn bị một số nội dung để chuẩn bị triển khai nghị quyết mới chủ động nhất với tinh thần thành phố xin thí điểm các cơ chế để phát triển nhanh hơn, mạnh hơn và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của cả nước” – Chủ tịch UBND TP HCM nói.

Bích Vân

Bài mới
Đọc nhiều