+
Aa
-
like
comment

TP.HCM kiểm soát thẻ xanh Covid sẽ như thế nào ?

12/09/2021 08:06

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, TP.HCM sẽ sử dụng thẻ xanh/thẻ vàng Covid làm công cụ thống nhất và chủ yếu để kiểm soát các thành phần dân cư trong quá trình mở cửa phục hồi kinh tế sau ngày 15.9.

TP.HCM đang tính toán quy định thẻ xanh Covid đối với người đã tiêm 2 mũi, thẻ vàng Covid với người đã tiêm 1 mũi vắc xin phòng Covid-19, dự kiến áp dụng trong việc kiểm soát giãn cách xã hội cho giai đoạn phục hồi kinh tế từ sau ngày 15.9.

Hơn 7,4 triệu người được cấp thẻ xanh/thẻ vàng Covid ?

Theo kế hoạch dự kiến mà UBND TP.HCM vừa công bố, tính đến ngày 11.9, nếu căn cứ vào dữ liệu phủ sóng vắc xin phòng Covid-19 của TP.HCM, có hơn 1 triệu người tiêm mũi 2 sẽ được cấp thẻ xanh Covid, hơn 6,4 triệu người sẽ được cấp thẻ vàng Covid để đi lại theo nguyên tắc 5K. Tiến độ phủ sóng vắc xin vẫn đang tiếp tục, như vậy từ nay đến 15.9 số người được tiêm mũi 1 và mũi 2 sẽ còn tăng (F0 khỏi bệnh cũng sẽ tăng), đồng nghĩa số thẻ xanh/thẻ vàng cần phải cấp cũng sẽ tăng. 

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, TP.HCM sẽ sử dụng thẻ xanh/thẻ vàng Covid (chứng nhận điện tử dưới dạng mã QR – QR code) làm công cụ thống nhất và chủ yếu để kiểm soát các thành phần dân cư trong quá trình mở cửa phục hồi kinh tế sau ngày 15.9. Chứng nhận điện tử dưới dạng mã QR sẽ liên thông, và định hướng của TP.HCM là người dân sử dụng một ứng dụng trên điện thoại thông minh để thực hiện các công việc như: lấy mã QR để tham gia lưu thông, tới nơi công cộng, tham gia làm việc tập trung; khai báo y tế, đăng ký tiêm vắc xin, xét nghiệm; “check-in” tại các địa điểm… Trong trường hợp người dân không dùng điện thoại thông minh thì sẽ được cấp mã số (qua tin nhắn điện thoại) hoặc được cơ quan nhà nước in mã QR ra thẻ.

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường.

Ngày 11.9, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều ý kiến đồng tình với kế hoạch dự kiến của UBND TP.HCM về việc kiểm soát an toàn dịch tễ bằng thẻ xanh/thẻ vàng Covid khi nới giãn cách để từng bước mở cửa phục hồi kinh tế, sau khoảng 3 tháng rưỡi “ai ở đâu ở yên đó” với các cấp độ khác nhau.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều ý kiến băn khoăn về phương cách kiểm tra thẻ xanh/thẻ vàng khi áp dụng vào thực tế. Trong đó, băn khoăn nhiều nhất là liệu có tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát trong nội ô để kiểm tra mã QR thẻ xanh/thẻ vàng? Bởi nếu vẫn còn duy trì các chốt kiểm soát, thì nguy cơ sẽ tái diễn cảnh ùn ứ đông người như đã từng xảy ra đối với việc kiểm tra giấy đi đường…

Thẻ xanh được đi những nơi nào ?

Trong kế hoạch phục hồi kinh tế sau ngày 15.9, TP.HCM chia làm 3 giai đoạn, và trong giai đoạn 1 (dự kiến từ 16.9 – 31.10) sẽ có khoảng nửa tháng thử nghiệm (từ 16 – 30.9) ưu tiên triển khai tại các địa bàn an toàn cao như Q.7, H.Củ Chi, H.Cần Giờ, Khu chế xuất Tân Thuận, Khu công nghệ cao…

Liên quan vấn đề này, Chủ tịch UBND H.Cần Giờ Nguyễn Văn Hồng cho hay thẻ xanh Covid là “chìa khóa” song hành nguyên tắc 5K để huyện mở cửa trở lại một số hoạt động kinh tế trọng yếu. Căn cứ tiến độ bao phủ vắc xin, huyện đặt mục tiêu cuối tháng 10.2021 sẽ mở “bung” các loại hình dịch vụ mà TP.HCM cho phép để đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới.

Theo ông Hồng, trước mắt H.Cần Giờ vẫn duy trì các chốt kiểm soát đường bộ và đường thủy để kiểm tra những người được ra đường theo diện thẻ xanh Covid; về lâu dài sẽ phối hợp với các đơn vị xây dựng phần mềm, ứng dụng công nghệ để quản lý, kiểm soát dịch bệnh và kiểm soát vùng xanh.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND H.Củ Chi, cho biết dự kiến H.Củ Chi cũng sẽ triển khai thẻ xanh Covid, kiểm soát thông qua các chốt ra vào huyện; riêng các chốt kiểm soát khu vực bên trong các xã, ấp sẽ được dỡ bỏ để người dân đi lại thoải mái. Theo bà Hiền, dịch bệnh tại các địa bàn xung quanh H.Củ Chi vẫn khá phức tạp nên cần duy trì các chốt để kiểm soát người ra vào.

Về tình huống nguy cơ ùn tắc giao thông tại các chốt kiểm soát khi số lượng người được cấp thẻ xanh Covid nhiều, bà Hiền dự báo sẽ không ùn ứ, vì theo tiêu chuẩn thẻ xanh của TP.HCM, người được cấp thẻ xanh cũng chỉ được đi lại trong một số khu vực nhất định, chứ không phải thông suốt các nơi.

Ông Võ Khắc Thái, Bí thư Quận ủy Q.7, cho biết Q.7 đã xây dựng tiêu chí cụ thể về các đối tượng được cấp thẻ xanh Covid, nhà xưởng, cửa hàng, siêu thị được mở cửa… Theo ông Thái, khi cho cửa hàng hoạt động trở lại, người được cấp thẻ xanh được đi lại thoải mái trong địa bàn Q.7 (các vùng xanh), chưa được đi ra ngoài các quận, huyện khác.

Ông Thái cho biết Q.7 đang được Bộ TT-TT, Sở TT-TT TP.HCM và doanh nghiệp lớn hỗ trợ xây dựng phần mềm quản lý, dự kiến 13.9 có thể vận hành thử nghiệm. Khi người dân được cấp thẻ xanh mà đi đến “vùng đỏ”, thì điện thoại sẽ phát cảnh báo; tương tự, người ở “vùng đỏ” tự ý đi ra ngoài thì điện thoại cũng cảnh báo.

TP.HCM đang tính toán kiểm soát đi lại bằng thẻ xanh Covid thay cho giấy đi đường như hiện nay /// NGỌC DƯƠNG
TP.HCM đang tính toán kiểm soát đi lại bằng thẻ xanh Covid thay cho giấy đi đường như hiện nay.

Chỉ nên áp dụng thẻ xanh Covid-19

Tại hội nghị Thành ủy TP.HCM mở rộng vào chiều 11.9, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng để thuận tiện cho người dân và công tác quản lý, nên áp dụng thẻ xanh Covid với các cấp độ, không nên áp dụng nhiều thẻ (thẻ xanh, thẻ vàng).

Trải qua 20 ngày cao điểm TP.HCM thực hiện Nghị quyết 86 của Chính phủ với nhiều nỗ lực, quyết tâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên ghi nhận những điểm sáng trong công tác phòng chống dịch như: tỷ lệ lây nhiễm qua các đợt xét nghiệm thấp dần, số ca bệnh nặng giảm dần, số tử vong cũng giảm theo. Trong 2 ngày qua, TP.HCM ghi nhận số tử vong xuống dưới 200 ca. “Chúng ta chờ đợi những con số này rất lâu rồi”, ông Nên nói. Đối với công tác an sinh xã hội, vẫn còn một số nơi thiếu sót, người dân phản ánh còn nhiều nên các quận, huyện phải nỗ lực hơn nữa để không bỏ sót ai.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin, hiện TP.HCM đã dự thảo chính sách mới để hỗ trợ người gặp khó khăn do dịch bệnh trong 2 tháng tới (tháng 9 – 10.2021); khi được thông qua sẽ triển khai càng sớm càng tốt đến tận tay người dân.

Không nên lập chốt kiểm tra trên đường ?

Ở góc độ an toàn dịch tễ, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại TP.HCM, cho rằng khi áp dụng thẻ xanh Covid thì số lượng người ra đường sẽ rất đông. Do vậy, cần quy định tiêu chuẩn cho người có thẻ xanh hoạt động vùng nào, F0 khỏi bệnh hoạt động vùng nào, kiểm tra ngay từ lối ra khỏi địa bàn từng khu phố, phường…

Về kiểm soát những người có thẻ xanh Covid, theo bác sĩ Khanh, nên giao hết cho các cơ quan, đơn vị nơi người có thẻ xanh đến. Đối với nơi sản xuất thì cần đăng ký danh sách người có thẻ xanh Covid.

Về cơ chế kiểm tra, theo bác sĩ Khanh, các cơ quan chức năng tính toán phương án kiểm tra đột xuất ngoài đường, hàng quán, cơ quan, đơn vị sản xuất… “Đối với F0 cách ly tại nhà khỏi bệnh cần xét nghiệm kháng thể để chứng minh từng là F0. Nhưng ngành y tế cần ban hành cụ thể loại xét nghiệm nào và công bố phòng xét nghiệm nào làm được. Thông tin xét nghiệm F0 khỏi bệnh cũng được đưa lên hệ thống chung để kiểm tra”, bác sĩ Khanh khuyến nghị.

Đồng tình với quan điểm này, luật sư Trần Hải Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng TP.HCM cần có lực lượng và biện pháp kiểm soát người dân thực hiện 5K có tốt hay không; đồng thời xử lý nghiêm vi phạm, công khai để tuyên truyền người dân tuân thủ. “Lực lượng chức năng có thể chọn biện pháp tuần tra, kiểm tra bất ngờ, đồng thời buộc người dân thực kiện 5K là giải pháp tối ưu”, luật sư Đức nói.

Duy Tính  

Bài mới
Đọc nhiều