+
Aa
-
like
comment

TP.HCM: Không đeo khẩu trang nơi công cộng sẽ bị phạt từ ngày 5-8

Hoài Nam - 03/08/2020 19:59

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo như vậy tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM chiều 3-8.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng tình hình dịch bệnh ở thành phố hiện an toàn nhưng vẫn có nguy cơ nên phải ngăn chặn từ xa.

TP.HCM: Không đeo khẩu trang nơi công cộng sẽ bị phạt từ ngày 5-8 - Ảnh 1.
Ông Nguyễn Thành Phong – chủ tịch UBND TP.HCM, tại cuộc họp chiều 3-8 – Ảnh: THẢO LÊ

Theo Bí thư Nhân, hiện nay thành phố có hai nguy cơ lớn là người dân từ tâm dịch Đà Nẵng về và người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào thành phố.

Do đó, Bí thư Nhân chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp để phòng, chống dịch COVID-19 thời gian tới. Theo đó, tuyên truyền người dân nêu cao ý thức chủ động phòng ngừa, trong đó coi việc đeo khẩu trang khi đến những khu vực đông người là biện pháp hàng đầu.

Theo ông Nhân, TP.HCM đảm bảo cung cấp đầy đủ lượng khẩu trang cho người dân để phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên hiện nay có ít nhất 20% người dân không đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Ông đề nghị thành phố áp dụng trở lại việc xử phạt những người không đeo khẩu trang nơi công cộng.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong – chủ tịch UBND TP.HCM – chỉ đạo cơ quan chức năng TP.HCM tiếp tục kiểm tra, xử phạt những người dân không đeo khẩu trang tại nơi công cộng từ ngày 5-8. Đồng thời, các sở ngành, quận huyện phải thông tin đến người dân những địa điểm bán khẩu trang trên địa bàn.

TP.HCM: Không đeo khẩu trang nơi công cộng sẽ bị phạt từ ngày 5-8 - Ảnh 2.
Người dân đeo khẩu trang khi đi chợ Giãn Dân, Q.12, TP.HCM – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Bên cạnh đó, ông Nhân chỉ đạo những người từ vùng dịch về phải tự cách ly. Nếu họ không tự cách ly thì hàng xóm, cộng đồng phát hiện phải báo các cơ quan chức năng để yêu cầu cách ly.

Mặt khác phải giám sát người nước ngoài vào thành phố nhưng không đăng ký tạm trú. Theo ông Nhân, hiện thành phố đang ở trong trạng thái “bình thường mới”, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn diễn ra.

Tuy nhiên nếu phát hiện có nguy cơ thì phải “kích hoạt” các giải pháp, trong đó các tiêu chí an toàn trong kinh doanh, vận tải, giáo dục… phải được áp dụng.

“Nhân đây tôi xin nhắc các tài xế, xe taxi khi phát hiện chở người từ vùng dịch về hoặc người nói tiếng nước ngoài thì phải chủ động báo cho các cơ quan chức năng để chủ động kiểm tra y tế những người này”, Bí thư Nhân nhắn nhủ.

Mặt khác, theo người đứng đầu Thành ủy thành phố, hiện nay người dân thành phố phải giảm tụ tập đông người, cố gắng không tụ tập trên 30 người. Đồng thời, ngành y tế thành phố cũng phải chuẩn bị tốt kịch bản, phương án cách ly nếu toàn thành phố có 50 người nhiễm.

Theo đó, với số người nhiễm 50 người, thành phố phải cần khoảng 14.000 chỗ cách ly. Cùng với đó phải có phương án duy trì đội ngũ y, bác sĩ điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.

Ngoài ra, Bí thư Nhân cũng chỉ đạo Công an thành phố trong tháng 8 tập trung rà soát việc đăng ký tạm trú ở thành phố. Theo đó đến ngày 15-8 báo cáo kết quả kiểm tra đợt 1 và đến 30-8 báo cáo kết quả kiểm tra đợt 2.

Từ kết quả rà soát, TP sẽ yêu cầu các cơ sở tạm trú phải chấn chỉnh. Trước đó, thành phố đã lập 62 chốt kiểm soát, hoạt động 24/24 từ ngày 4/4 để phòng chống dịch. Lực lượng tham gia là Công an thành phố, Sở Y tế, Bộ Tư lệnh thành phố, Thanh tra giao thông, Ban Quản lý An toàn thực phẩm, quản lý thị trường.

Trong đó, 16 chốt chính (cấp thành phố) đặt tại: Trạm thu phí Long Phước (cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây), cao tốc Trung Lương, cầu Đôi (đường Trần Văn Giàu), đường Ba Làng, đường Xuyên Á (quốc lộ 22), cầu Phú Cường, cầu Vĩnh Bình, cầu vượt Sóng Thần, quốc lộ 1K, quốc lộ 50, quốc lộ 1A, cầu Đồng Nai, Bến xe Miền Tây, Bến xe miền Đông, sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái.

Đến ngày 23/4, chính quyền thành phố dừng hoạt động các chốt này vì dịch bệnh đã được khống chế, TP HCM dừng cách ly xã hội theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng.

Sau 19 ngày hoạt động, các chốt chính đã kiểm tra gần 270.000 xe, trong đó có 235.000 ôtô; gần 600.000 người được kiểm tra y tế, đo thân nhiệt, bao gồm cả 3.000 người nước ngoài; hơn 130.000 người được yêu cầu khai báo y tế.

Báo cáo về tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép, ông Trần Đức Tài – phó giám đốc Công an TP.HCM – cho biết TP đã phát hiện 114 trường hợp nhập cảnh trái phép, trong đó chủ yếu là người Trung Quốc.

Công an TP đã phát hiện một người từ Phúc Kiến (sinh năm 1976, người Trung Quốc) có dấu hiệu cùng với người dân ở Đà Nẵng đưa 20 người Trung Quốc vào Đà Nẵng và TP.HCM. Cơ quan chức năng đã đưa đi cách ly 20 người nhập cảnh trái phép này và tiếp tục mở rộng điều tra.

Hoài Nam (t.h)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều