TP.HCM không có chủ trương sống chung với F0
HCDC cho biết TP.HCM không có chủ trương sống chung với F0 mà là thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với Covid-19.
Chiều 18/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tổ chức họp báp cung cấp thông tin tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
TP.HCM kích hoạt mô hình chăm sóc F0
Tại họp báo, PV đặt câu hỏi về việc một số F0 không nhận được hỗ trợ chu đáo, người dân phát hiện nhiễm nCoV nhưng bị một số bệnh viện từ chối tiếp nhận do muốn giữ “bệnh viện sạch Covid-19”.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết trong giai đoạn vừa qua, số lượng ca F0 tại TP.HCM có chiều hướng tăng, một số đơn vị cũng có cách xử lý chưa khéo léo khi nhận được đề nghị hỗ trợ từ người dân.
Mới đây, Sở Y tế TP.HCM đã gửi công văn để chấn chỉnh các đơn vị trực thuộc về vấn đề này. Ngoài ra, Sở Y tế cũng tiếp tục củng cố lực lượng hỗ trợ, chăm sóc F0, từ việc kích hoạt mạng lưới thầy thuốc đồng hành với 2.500 bác sĩ để hỗ trợ F0 đến tận phường, xã khi trạm y tế chưa xử lý tốt. Bên cạnh đó, TP.HCM duy trì phát triển Tổng đài 1022, phím 3, 4 để hỗ trợ người dân.
Liên quan vấn đề một số bệnh viện từ chối tiếp nhận F0, bà Mai cho biết hôm qua, Sở Y tế TP.HCM đã mời giám đốc các bệnh viện có điều trị và cả không điều trị Covid-19.
Dẫn lại chỉ đạo của PGS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, bà Mai cho biết chủ trương bệnh viện “xanh” ở TP.HCM hiện không còn định nghĩa là bệnh viện “sạch” Covid-19. Bệnh viện “xanh” là đơn vị có quy trình xử lý an toàn, có thể tiếp nhận, điều trị F0, xử lý, cách ly tốt, không để xảy ra lây nhiễm cho các khoa lâm sàng khác.
Về ngưỡng đáp ứng của ngành y tế TP.HCM khi số lượng F0 có xu hướng tăng lên, bà Mai cho biết mục tiêu chung của thành phố là làm sao để duy trì, bảo vệ thành quả chống dịch trong thời gian qua, kéo giảm ca nhập viện, tử vong, củng cố hệ thống y tế.
Với tinh thần đó, Sở Y tế họp với các sở, ngành để bàn giải pháp, xây dựng kịch bản cụ thể. Trong tờ trình gửi UBND TP.HCM về phương án ứng phó với dịch. Toàn thành phố hiện có khoảng 9.100 bác sĩ, 19.600 điều dưỡng. Tất cả nhân viên y tế đều thực hành tốt trong thời gian qua, xử lý được mọi tình huống.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng duy trì được số lượng giường oxy, giường hồi sức cấp cứu (ICU), khả năng đáp ứng, chấp nhận được cùng lúc là trên 120.000 F0.
“Sở Y tế TP cũng xây dựng 7 kịch bản cho từng tình huống tăng giảm số lượng F0”, bà Mai nói.
HCDC chấn chỉnh tình trạng F0 ra đường
Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết TP.HCM không có chủ trương sống chung với F0 mà là thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với Covid-19.
Ông Tâm thừa nhận xảy ra tình huống một số địa phương vì thiếu nhân lực, không linh động nên dẫn đến tình trạng F0 tự di chuyển đến điểm nhận thuốc.
“Sau khi có thông tin này, HCDC đã yêu cầu ngưng ngay, báo cáo về Sở Y tế và cảnh báo hành vi vi phạm quy định cách ly F0. Tình huống này xảy ra vào tuần trước và HCDC đã xử lý xong”, ông Tâm nói.
Về việc cấp phát thuốc C (Molnupiravir) cho người dân, Sở Y tế TP.HCM cho biết tiêu chuẩn sử dụng loại thuốc này khá khắt khe (chỉ F0 triệu chứng nhẹ, độ tuổi 18-65, không bệnh nền, không mắc bệnh gan – thận, thai phụ, cho con bú…), do đó, không phải F0 nào cũng được sử dụng thuốc này.
Để sẵn sàng điều trị tốt hơn, Sở Y tế vừa có báo cáo Bộ Y tế xin thêm 100.000 gói thuốc C để dự trù khi F0 tăng lên.
Ông Phạm Đức Hải, Phó ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cho biết tính đến chiều 17/11, có 451.656 bệnh nhân Covid-19 phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố.
Số bệnh nhân đang điều trị là 12.935, trong đó có 636 trẻ dưới 16 tuổi, 302 bệnh nhân đang thở máy, 9 ca can thiệp ECMO. Số bệnh nhân xuất viện trong ngày là 1.076, cộng dồn từ 1/1 đến nay là 266.410. Số trường hợp tử vong trong ngày 17/11 là 42, cộng dồn từ 1/1 đến nay là 17.305.
Về tiến độ tiêm chủng, TP.HCM đã triển khai tiêm được 7.864.014 mũi 1, 6.005.639.
Trâm Anh