+
Aa
-
like
comment

TP.HCM hưởng “trái ngọt” sau những nỗ lực phục hồi kinh tế

Minh Thanh - 16/09/2022 13:00

Là một trong những địa phương chịu tổn thất nặng nề nhất trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, kinh tế của TP.HCM đã có một sự thay đổi ngoạn mục. Chỉ tính riêng số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Quận 1 cũng đã cao hơn 46 tỉnh thành khác trên cả nước.

Quận 1 TP.HCM

Trong năm 2021 vừa qua, TP.HCM là một trong những địa phương có số ca nhiễm cao nhất cả nước. Để kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh lây lan nhanh, chính quyền thành phố đã yêu cầu người dân phải chấp hành các biện pháp giãn cách toàn xã hội, “ai ở đâu thì ở yên đấy”. Mặc dù, các biện pháp này đã giúp ngăn chặn tốc độ lây lan của dịch bệnh nhưng cũng khiến cho đời sống người dân và doanh nghiệp rơi vào bế tắc. Các hoạt động kinh doanh, sản xuất gần như bị “đóng băng” trong khi nền kinh tế thì liên tục ghi nhận mức độ tăng trưởng âm.

Sau khi đã phần nào kiểm soát được dịch bệnh, lãnh đạo đã cùng với người dân và doanh nghiệp bắt tay vào công cuộc phục hồi kinh tế. Tuy nhiên do những “di chứng” mà Covid-19 để lại là quá lớn nên quá trình phục hồi kinh tế của TP.HCM gặp nhiều khó khăn. Trong đó, các ngành nghề vốn được xem là thế mạnh đều ghi nhận mức giảm rất mạnh. Chẳng hạn như các dịch vụ lưu trú – ăn uống có mức độ tăng trưởng giảm cao nhất 54,93%, trong khi ngành kinh doanh bất động sản cũng giảm 17,32% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 8/2021, doanh số ngành thương mại dịch vụ chỉ còn 35.500 tỷ đồng, chưa bằng 30% doanh thu hàng tháng trong điều kiện bình thường. Doanh thu ngành công nghiệp cũng không mấy khả quan khi tiếp tục giảm sâu thêm 22,4% so với tháng trước. Cũng trong tháng 8/2021, số doanh nghiệp đăng ký mới chỉ có vỏn vẹn 584 công ty, thấp kỷ lục so với số hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của một ngày bình thường trước khi dịch kéo đến.

Đường phố TP.HCM vắng lặng do đại dịch vào năm 2021

Trong số 22 quận, huyện của TP.HCM, Quận 1 là địa phương gặp khó khăn nhiều nhất. Bởi nơi đây vốn được biết là trung tâm dịch vụ lớn nhất của thành phố, nguồn doanh thu chủ yếu đều đến từ các hoạt động kinh doanh, thương mại dịch vụ, lưu trú, cho thuê mặt bằng….

Để giải quyết triệt để những khó khăn trên, lãnh đạo TP.HCM đã xây dựng ngay một chương trình phục hồi kinh tế với nhiều chính sách tích cực. Trong đó, bao gồm việc chuyển từ trạng thái “Zero Covid-19” sang “Bình thường mới”, đồng thời cho phép các địa phương có thể thực hiện mở cửa và tái sản xuất, kinh doanh trở lại.

Các cấp chính quyền cũng liên tục mở ra các buổi đối thoại với doanh nghiệp để tìm hiểu về những khó khăn cũng như kịp thời tháo gỡ vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến trình phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Không những thế, TP.HCM cũng liên tục kêu gọi đầu tư từ nước ngoài và tiếp tục đẩy mạnh chính sách mở cửa để khuyến khích hoạt động du lịch trên địa bàn phát triển trở lại.

Nhờ vào những nỗ lực mạnh mẽ và chính sách đúng đắn nền kinh tế của TP.HCM đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực kể từ thời điểm cuối năm 2021 đến nay. Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước của TP.HCM trong năm 2021 đạt 381.531 tỷ đồng (đạt 104,5% dự toán). Trong đó Quận 1 chính là địa phương có đóng góp nhiều nhất với 18.588 tỷ đồng, đạt 115,60% dự toán pháp lệnh năm, tăng 4,46% so với cùng kỳ năm 2020 và cao hơn 46 tỉnh, thành khác trên cả nước.

Từ đó có thể thấy, dù là một trong những địa phương gánh chịu tổn thương nặng nề nhất do đại dịch gây ra, tuy nhiên bằng những nỗ lực và chính sách đúng đắn, TPHCM “lột xác” ngoạn mục chỉ sau chưa đầy 1 năm. Kinh tế từ chỗ tăng trường âm nay đã bứt phá mạnh mẽ hơn trước và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong những tháng cuối năm 2022.

Minh Thanh

Bài mới
Đọc nhiều