+
Aa
-
like
comment

TP.HCM hạn chế xe xăng sẽ bắt đầu từ ai và khu vực nào?

Thảo Nguyên - 14/07/2025 14:02

Hà Nội chuẩn bị cấm xe máy xăng tại vành đai 1 từ tháng 7/2026, TP.HCM đẩy mạnh kiểm soát khí thải và hỗ trợ người dân chuyển đổi sang xe điện, thể hiện quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải và phát triển đô thị bền vững.

TP.HCM có khoảng 400.000 shipper, tài xế công nghệ hoạt động. Mỗi ngày một tài xế di chuyển trung bình 80 – 120km, gấp 3 – 4 lần người dân thường. Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đề xuất 4 giai đoạn chuyển đổi xe của nhóm tài xế này sang xe điện

Trước yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đang nghiên cứu phương án cấm xe máy chạy xăng trong khu vực vành đai 1 kể từ ngày 1-7-2026. Trong khi đó, TP.HCM cũng tích cực hoàn thiện đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông và xây dựng các chính sách chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng sạch.

Theo UBND TP.HCM, đề án kiểm soát khí thải sẽ được thực hiện theo hai giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu tập trung chuyển đổi toàn bộ xe buýt sang sử dụngGiai đoạn hai của đề án sẽ mở rộng sang các loại phương tiện khác, hướng tới việc phân vùng ưu tiên xe xanh, đồng thời hạn chế xe xăng, dầu tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao như trung tâm thành phố, Cần Giờ, Côn Đảo…

Hầu hết người dân đều ủng hộ chủ trương hạn chế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần có lộ trình phù hợp, tránh gây xáo trộn đời sống người dân, nhất là những người phụ thuộc vào phương tiện cá nhân để mưu sinh.

Nhằm đảm bảo sự đồng thuận và khả năng thực thi, TP.HCM đang nghiên cứu chính sách hỗ trợ người dân, đặc biệt là nhóm thu nhập thấp, tài xế công nghệ, chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe điện. Dự kiến, từ năm 2026, tài xế công nghệ và shipper sẽ được hỗ trợ vay vốn lãi suất ưu đãi 2%/năm, bảo lãnh tín dụng và hưởng các ưu đãi thuế khi mua xe máy điện.

Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ chuyển đổi toàn bộ 400.000 xe máy của đội ngũ shipper và tài xế công nghệ sang xe điện trong bốn giai đoạn, từ nay đến năm 2029. Hình ảnh đội ngũ này sử dụng xe điện được kỳ vọng sẽ lan tỏa xu hướng giao thông sạch đến cộng đồng dân cư.

Song song với các chính sách hỗ trợ người dân, TP.HCM cũng đang tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi phát triển giao thông xanh. Từ việc sản xuất, kinh doanh xe máy điện đến xây dựng trạm sạc, thu đổi xe xăng cũ, tất cả đều được khuyến khích tham gia với cơ chế ưu đãi, minh bạch.

Đặc biệt, TP kiến nghị Trung ương miễn thuế giá trị gia tăng, lệ phí trước bạ và phí đăng ký xe máy điện trong hai năm đầu áp dụng, từ ngày 1-1-2026. Đồng thời, các tài xế sử dụng xe điện để cung cấp dịch vụ sẽ được hoàn thuế GTGT theo số chuyến chạy.

Theo các chuyên gia, việc cấm xe máy xăng cần được thực hiện từng bước, có trọng tâm, bắt đầu từ những nhóm phát thải cao, khu vực dễ kiểm soát, từ đó mở rộng ra toàn thành phố. TP.HCM đang cho thấy cách làm bài bản: có phân tích dữ liệu thực tế, có chính sách cụ thể cho từng nhóm đối tượng, và có sự chuẩn bị về hạ tầng.

Theo ông Lê Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) nhận định: “Việc kiểm soát khí thải phương tiện giao thông đang đi đúng hướng. Thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi xe buýt, xác định rõ nhóm xe phát thải cao và có cơ chế phù hợp để thu hút đầu tư tư nhân tham gia vào hệ sinh thái phương tiện xanh”.

Việc Hà Nội và TP.HCM cùng đồng loạt triển khai các chính sách kiểm soát khí thải, chuyển đổi giao thông xanh cho thấy quyết tâm của các đô thị lớn trong việc cải thiện chất lượng không khí và hướng tới một hệ thống giao thông bền vững. Nếu được triển khai bài bản, đồng bộ và có sự đồng hành của người dân – đây sẽ là cú huých quan trọng giúp Việt Nam hiện thực hóa các cam kết về giảm phát thải và phát triển kinh tế xanh.

Thảo Nguyên 

Bài mới
Đọc nhiều