TP.HCM giảm chỉ tiêu tăng trưởng còn 8%
Kinh tế thế giới tăng trưởng thấp, dịch Covid-19 phức tạp, đề án điều tiết ngân sách chưa thông qua là những lý do được ông Nguyễn Thành Phong đưa ra để lý giải việc giảm chỉ tiêu tăng trưởng trong 5 năm tới ở TP.HCM.
Ngày 17.10, Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025 bước sang ngày làm việc thứ tư. Thay mặt Đoàn Chủ tịch, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, báo cáo và xin ý kiến đại hội về những vấn đề quan trọng vẫn còn các ý kiến khác nhau, những vấn đề cần tiếp thu, bổ sung vào nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ tới.
Trong phần thảo luận hôm qua (16.10), có đại biểu cho rằng tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TP.HCM (GRDP) bình quân hằng năm từ 8 – 8,5% là khó khả thi, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 còn đang tác động xấu đến kinh tế.
Thay mặt Đoàn chủ tịch, ông Nguyễn Thành Phong tiếp thu và đề xuất điều chỉnh tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TP.HCM (GRDP) bình quân hằng năm là 8%. Lý do điều chỉnh là vì TP.HCM là địa phương có độ mở kinh tế lớn, do đó sự phục hồi tăng trưởng kinh tế sẽ phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới. Trong khi đó, hiện dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, một số quốc gia đang bước vào làn sóng lây nhiễm thứ 2, thứ 3.
Các tổ chức thế giới đánh giá sự phục hồi kinh tế thế giới vẫn kéo dài, nhanh nhất cũng hết năm 2021. Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức âm và hạ mức tăng trưởng năm 2021 từ 5,4 xuống còn 5,2%.
Do đó, tình hình kinh tế thế giới sẽ phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng của TP.HCM. Công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam được đánh giá tốt và đã được kiểm soát nhưng còn tiềm ẩn, diễn biến phức tạp, chưa xác định được thời điểm tiếp cận vaccine. Ông Phong dự báo kinh tế sẽ còn khó khăn trong những năm tiếp theo và Việt Nam đã hạ chỉ tiêu tăng trưởng trong năm 2020.
Giảm chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người
Đối với TP.HCM, dự kiến tăng trưởng kinh tế năm 2020 tăng từ 8,3 – 8,5% nhưng thực tế 9 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 0,77%, và đạt mức tăng trưởng 1,3% vào cuối năm. Bên cạnh đó, trong cơ cấu kinh tế TP.HCM, nhóm ngành dịch vụ chiếm 62% GRDP, đây là khu vực chịu ảnh hưởng lớn của Covid-19 nên cần nhiều thời gian để phục hồi.
Ngoài ra, TP.HCM đã đề xuất tỷ lệ điều tiết ngân sách được giữ lại trong năm 2021 là 23% (hiện nay là 18%) nhưng do khó khăn chung của nền kinh tế nên đề xuất này chưa được Quốc hội thông qua, và có thể phải chờ đến năm 2022. Vì vậy, việc xem xét điều chỉnh giảm tốc độ tăng trưởng GRDP trên địa bàn TPHCM còn khoảng 8% là khả thi.
Một chỉ tiêu khác cũng được điều chỉnh giảm đó là GRDP bình quân đầu người trên địa bàn TP.HCM, với mức từ 8.500 – 9.000 USD/người vào cuối năm 2025 là khó khả thi. Do vậy, Đoàn chủ tịch thống nhất đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu GRDP đến năm 2025 đạt khoảng 8.500 USD; đến năm 2030 đạt 13.000 USD/người (chỉ tiêu ban đầu khoảng 13.000 – 14.000 USD/người); và tầm nhìn đến năm 2045 là khoảng 37.000 USD/người, thay vì 40.000 USD/người như ban đầu.