TP.HCM duy trì tình trạng ô nhiễm mây mù bao phủ trong nhiều ngày tới
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, gió mùa Tây Nam đã suy yếu nên tình trạng mù tại TP.HCM có thể giảm hơn những ngày qua nhưng chưa hoàn toàn chấm dứt.
Lý giải về tình trạng sưng mù dày đặc, lâu tan ở TP.HCM, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, những ngày qua, gió mùa tây nam hoạt động ổn định khiến thời tiết tại TP.HCM luôn ở trạng thái nhiều mây, có mưa gián đoạn, độ ẩm không khí trung bình ở ngưỡng khoảng 88-90%.
Trạng thái thời tiết nhiều ẩm, có mưa kết hợp với khói bụi từ hoạt động sản xuất, giao thông ở TP.HCM và khói bụi có khả năng xuất phát từ cháy rừng ở Indonesia theo gió mùa Tây Nam đi lên khu vực các tỉnh thành phía Nam nước ta khiến cho lớp mù này càng dày đặc, lâu tan.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, nguyên nhân gây mưa cho khu vực các tỉnh thành ở Nam Bộ là gió mùa Tây Nam đã suy yếu từ hôm nay. Vì vậy mưa sẽ giảm trên khu vực Nam Bộ nói chung và TP.HCM nói riêng. Điều này đồng nghĩa với độ ẩm trong không khí sẽ giảm và không còn duy trì ở mức cao.
Tuy vậy nếu tác nhân gây khói, bụi nội tại như hoạt động giao thông, sản xuất tại Thành phố cũng như khói, bụi xuất phát từ các đám cháy rừng ở Indonessia không có chuyển biến thì trong thời gian tới lớp mù này chỉ có xu hướng giảm hơn so với những ngày vừa qua chứ không hoàn toàn chấm dứt được.
Theo ghi nhận của Hệ thống quan trắc PAMAir, sau hai ngày cuối tuần ô nhiễm nghiêm trọng ở TP.HCM và một số tỉnh Nam Bộ, chất lượng không khí đã được cải thiện một phần vào hôm qua. Cụ thể, chất lượng không khí TP.HCM ở mức trung bình với chỉ số AQI phổ biến ở mức 80-100. Với chỉ số này, nhóm người nhạy cảm như bệnh nhân hô hấp, tim mạch, người già, trẻ em nên hạn chế thời gian ở ngoài.
Trước đó, hai ngày cuối tuần, không khí ở TP.HCM lên ngưỡng ô nhiễm nghiêm trọng. Ô nhiễm mở rộng ra nhiều tỉnh thành Nam Bộ như Kiên Giang, Vũng Tàu.
Theo chuyên gia môi trường Đào Nhật Đình, nguyên nhân ô nhiễm không khí của TPHCM cũng có thể liên quan đến cháy rừng ở Indonensia. Các nhà khoa học của Trung tâm nghiên cứu Ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu thuộc Viện Môi trường và Tài nguyên của Đại học Quốc gia TPHCM đã chạy mô hình truy tìm nguồn gốc ô nhiễm không khí theo 2 chiều. Kết quả, ngày 18/9 có những đám cháy rừng lớn và trên diện rộng tại Indonesia thì theo hướng gió và tốc độ gió sau 2-3 ngày, các chất ô nhiễm này bay tới TPHCM. Vì vậy từ Thứ Sáu (20/9) nồng độ ô nhiễm không khí TPHCM tăng cao đột biến. Các nhà khoa học cũng chạy mô hình ngược lại thì phát hiện ô nhiễm không khí vào hôm qua (22/9) đi từ cháy rừng ở Indonesia.
Theo chuyên gia Đào Nhật Đình, gió đi từ Indonensia thổi về phía vịnh Thái Lan rồi gặp gió Tây Nam quặt về TPHCM khiến thành phố ô nhiễm nghiêm trọng.
Hoạt động cháy rừng ở Indonensia đang gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Singapore và các thành phố của Malaysia khiến hàng nghìn trường học phải đóng cửa. Tại TP.HCM, cháy rừng ở Indonensia từng gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng vào năm 2015.
(Theo Tiền Phong)