TP.HCM đẩy công suất tiêm vắc xin Covid-19 lên 100.000 liều/ngày
Dù có thể đẩy tiến độ tiêm vắc xin Covid-19 nhanh hơn đợt 4 nhưng TP.HCM chỉ nâng công suất tiêm lên 100.000 mũi/ngày để thực hiện nghiêm biện pháp giãn cách xã hội tăng cường theo Chỉ thị 16.
Chiều 26.7, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chủ trì buổi họp báo về tiến độ tiêm chủng vắc xin Covid-19 từ ngày 22.7 đến nay.
Thống kê trên hệ thống, tính từ 14 giờ ngày 22.7 đến trưa nay (26.7), các điểm tiêm trung tâm y tế, cộng đồng và bệnh viện đã tiêm hơn 170.000 liều vắc xin. Các điểm tiêm ghi nhận 189 trường hợp có phản ứng sau tiêm, chưa có trường hợp nặng, đều được y bác sĩ xử lý, hiện ổn định. Phần lớn người có phản ứng là người trên 65 tuổi và người có bệnh nền, 4 loại trong thông báo với 145 người (chiếm 70%).
Hiện TP.HCM có 606 đội tiêm, chưa kể các đội chuyên trách tại bệnh viện. Ông Đức cho biết điểm thuận lợi của các đội tiêm ở bệnh viện là quản lý đối tượng có bệnh nền và trực tiếp thực hiện công tác tiêm chủng; trong đợt này, người trên 65 tuổi cũng tiêm ở bệnh viện.
Phó chủ tịch Dương Anh Đức thông tin công tác tiêm chủng đang tăng tốc dần, ngày mai (27.7) sẽ bắt đầu, có thể đạt 100.000 mũi tiêm/ngày. Ông Đức cho biết với cách tổ chức tiêm chủng mới, TP.HCM có thể tiêm nhanh hơn đợt 4 nhưng trong bối cảnh thực hiện biện pháp giãn cách xã hội tăng cường nên yêu cầu giãn cách là điều kiện quan trọng cần phải đảm bảo, các đội tiêm tổ chức kỹ lưỡng.
Với tốc độ tiêm nêu trên, TP.HCM có thể hoàn tất kế hoạch tiêm chủng trong 10 ngày liên tiếp; sau đó dành một tuần để tiêm vét. Cũng theo ông Đức, có khoảng 10% đối tượng được lên danh sách nhưng không thực hiện tiêm vì không đủ điều kiện khi khám sàng lọc, người lao động rời địa phương, người trên 65 tuổi vì nhiều lý do nên không đến.
Ông Dương Anh Đức thông tin, hiện nay TP.HCM có 3 loại vắc xin được cấp AstraZeneca, Moderna, Pfizer, cả 3 loại này đang tiêm rộng rãi trong cộng đồng. Theo 3 quyết định của Bộ Y tế, TP.HCM được phân bổ 612.600 liều AstraZeneca, 235.200 liều Moderna và 54.990 liều Pfizer, tổng cộng 902.790 liều. Hiện số lượng vắc xin đã cấp cho quận, huyện hơn 432.000 liều, số còn lại sẽ chuyển dần theo tiến độ tiêm.
Ông Dương Anh Đức đánh giá các địa phương, đội ngũ y tế và đội ngũ phục vụ đều nỗ lực để các buổi tiêm tổ chức trật tự, đảm bảo. Đây là nỗ lực lớn của ngành y tế trong bối cảnh phải căng mình chống dịch trên nhiều tuyến như: lấy mẫu xét nghiệm tầm soát, điều trị cho các ca F0, thu dung F0 không có triệu chứng và tiêm vắc xin.
Ông Đức cho biết vắc xin sau khi tiêm không có tác dụng ngay mà cần ít nhất 45 ngày. Dù vậy TP.HCM đẩy nhanh tiến độ tiêm nhanh nhất có thể để giúp người dân có miễn dịch ứng phó với dịch bệnh.
Bên cạnh nguồn vắc xin được Bộ Y tế phân bổ, TP.HCM cũng đang nỗ lực đàm phán với các nhà sản xuất để có được nguồn vắc xin sớm nhất có thể và tổ chức tiêm chủng cho người dân. Toàn bộ kinh phí mua vắc xin Covid-19 được dùng từ nguồn xã hội hóa, không dùng ngân sách.
Ngọc Anh