TP HCM đặt mục tiêu thu hút 5,4 tỷ USD vốn FDI
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM đặt mục tiêu năm 2021 thu hút 5,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), hơn năm ngoái một tỷ USD.
Mục tiêu này được Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai nói tại cuộc họp với Chủ tịch UBND thành phố về duyệt kế hoạch năm 2021, chiều 4/3. Đây cũng là nội dung đầu tiên trong 8 mục tiêu được Sở đề ra trong năm nay.
Năm ngoái, TP HCM dẫn đầu cả nước về thu hút FDI với gần 4,4 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này hiện giảm 47,5% so với cùng kỳ. Thành phố đang có gần 10.000 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 48,2 tỷ USD.
“Sở cũng nhận thấy thái độ tiếp xúc của chính quyền đối với nhà đầu tư rất quan trọng. Ban giám đốc sở đã xây dựng quy chế tiếp xúc người dân, doanh nghiệp, giải quyết khiếu nại tố cáo trong các lĩnh vực sở phụ trách”, bà Mai nói.
Bảy mục tiêu còn lại của ngành kế hoạch đầu tư thành phố, gồm: lập mới hơn 40.000 doanh nghiệp; chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) thuộc “top” 5 cả nước; tỷ lệ hài lòng của người dân đạt trên 91%; giải quyết, xử lý tất cả các phản ánh của người dân; 98% hồ sơ được xử lý đúng hạn; toàn bộ văn bản, tài liệu, trao đổi công việc giữa các cơ quan hành chính xử lý bằng điện tử; 100% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng hệ thống điện tử trong công việc.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong nói rằng tốc độ tăng trưởng của TP HCM năm qua chỉ đạt 1,39% do Covid-19. Năm nay, thành phố bắt đầu thực hiện các đề án để cụ thể hoá Nghị quyết của Đảng bộ thành phố lần thứ XI với chủ đề Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư.
“Tức là thành phố phải có những biện pháp quyết liệt, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để huy động nguồn lực tốt hơn. Điểm nghẽn lớn nhất của vấn đề này chính là thủ tục đăng ký đầu tư, kinh doanh”, ông Phong nói và cho rằng việc cải thiện môi trường đầu tư là một mệnh lệnh. Trong đó, vai trò của Sở Kế hoạch – Đầu tư có ý nghĩa quyết định.
Thống nhất 8 mục tiêu do sở đưa ra, nhưng người đứng đầu chính quyền thành phố đề nghị bổ sung một mục tiêu nữa là kế hoạch chuyển đổi số. “Riêng nội dung “cải cách hành chính” còn chung chung, cần cụ thể hơn như phải đưa ra quy trình, thời hạn trả lời doanh nghiệp như thế nào, trả lời một lần chứ không nhiều lần…”, ông Phong nói.
Nhắc lại một số dự án kéo dài suốt một nhiệm kỳ qua nhưng chưa làm được như Trung tâm thương mại do Tổng công ty thương mại Sài Gòn TNHH MTV (Satra, làm chủ đầu tư), Nhà thi đấu Phan Đình Phùng, Trung tâm thương mại quốc tế (Lê Lợi)…, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư trong năm nay phải tham mưu, tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án này.
Ngoài những điểm nghẽn trong thủ tục hành chính, ông Nguyễn Thành Phong cũng cho rằng hạ tầng đầu tư của thành phố cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Ông cho biết Chính phủ cho phép TP HCM chuyển đổi mục đích khoảng 30.000 ha đất nông nghiệp, tuy nhiên chỉ gần 1.000 ha trong đó để phục vụ sản xuất công nghiệp.
“Điểm lại 5 năm qua, TP HCM chưa có thêm khu công nghiệp mới nào. Như vậy, khi nhà đầu tư muốn thì họ đầu tư vào đâu?”, ông Phong nói và đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại toàn bộ khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn và làm rõ còn bao nhiêu khu vực, dự án có thể thu hút đầu tư nước ngoài. Sở cần có giải pháp cụ thể nhằm dẫn dắt kinh tế thành phố chuyển dịch theo hướng công nghệ cao, hạn chế thấp nhất các ngành sử dụng nhiều lao động.
Trước đó, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, năm vừa qua sở đã cấp giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp cho gần 42.000 doanh nghiệp (giảm 5,2% so với cùng kỳ) với tổng vốn đăng ký gần 1,17 triệu tỷ đồng (tăng 63,5%); 77.700 lượt cấp đổi và tổng vốn tăng thêm 614.500 tỷ đồng. Ngoài ra, 13.800 doanh nghiệp thông báo tạm ngừng kinh doanh (tăng 40%); gần 6.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể; 10.600 doanh nghiệp hoạt động trở lại…
Hữu Công