+
Aa
-
like
comment

TP.HCM có lợi thế then chốt để tự tin mở cửa, phục hồi kinh tế năm 2022

07/12/2021 10:43

Với tỷ tỷ lệ người dân đã tiêm vaccine cao, các quận, huyện TP Thủ Đức cơ bản kiểm soát dịch Covid-19, đây là lợi thế then chốt để TPHCM tự tin mở cửa, từng bước phục hồi kinh tế năm 2022.

Tại phiên khai mạc kỳ họp HĐND TPHCM cuối năm 2021 diễn ra sáng 7/12, ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND thành phố, đã trình bày báo cáo tình hình kinh tế – xã hội của địa bàn năm 2021 và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đối với năm mới 2022. Qua các dự báo và số liệu cho thấy, dịch Covid-19 có thể tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới và trong nước, trong đó có TPHCM.

Trong bối cảnh đó, TPHCM cần tận dụng các lợi thế, điều kiện then chốt để mở cửa trở lại, khôi phục kinh tế. Để phục hồi nền kinh tế sau một năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thành phố bắt buộc kiểm soát tốt dịch bệnh nhằm từng bước mở cửa, tiến đến trạng thái “bình thường mới”.

Các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TPHCM tham dự kỳ họp lần thứ 4, HĐND TPHCM khóa X (Ảnh: Hữu Khoa).

Tiền đề để thành phố phát triển

UBND TPHCM nhìn nhận, năm 2022 có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Tình hình quốc tế, trong nước được dự báo có những cơ hội, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen và khó khăn, thách thức chiếm phần nhiều hơn.

Trong đó, dịch Covid-19 có thể kéo dài, có nguy cơ xuất hiện biến chủng mới lây lan nhanh hơn, phức tạp và nguy hiểm hơn. Kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục tăng trưởng nhưng không đồng đều và chưa vững chắc.

Ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, báo cáo tình hình kinh tế – xã hội của địa bàn năm 2021 (Ảnh: Hữu Khoa).

Tại nước ta, kinh nghiệm, năng lực và khả năng ứng phó với dịch Covid-19 được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực Nhà nước, doanh nghiệp, người dân đã giảm sút. Dịch bệnh cùng tác động bất lợi của thiên tai gây nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong trường hợp dịch bệnh không được kiểm soát để mở cửa trở lại.

“Điều kiện tiên quyết để phục hồi nền kinh tế là kiểm soát tốt dịch Covid-19 nhằm từng bước mở cửa trở lại, tiến đến trạng thái bình thường mới. Các phần việc cần có lộ trình, tiêu chí rõ ràng để người dân, doanh nghiệp chủ động chuẩn bị, thích ứng, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân đồng thời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nêu rõ.

Theo tờ trình của UBND TPHCM, một lợi thế đồng thời là điều kiện then chốt để địa bàn tự tin mở cửa, từng bước phục hồi kinh tế năm 2022 là tỷ lệ người dân đã tiêm vaccine Covid-19 cao. Bên cạnh đó, đến cuối năm 2021, tất cả quận, huyện, thành phố Thủ Đức cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19.

Đối với vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, độ phủ vaccine cũng được nâng lên đáng kể, tạo điều kiện cho việc giao thương, phân phối sản phẩm thông suốt. Đặc biệt, việc Quốc hội đồng ý nâng tỷ lệ ngân sách để lại cho thành phố từ 18% lên 21% sẽ tạo tiền đề, nguồn lực giúp TPHCM phát triển.

Đặt mục tiêu cao trước thềm năm mới

Lãnh đạo UBND TPHCM cho biết, chủ đề dự kiến của năm 2022 sẽ là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Với chủ đề năm như trên, ngoài công tác phòng, chống dịch, địa phương này đề ra mục tiêu tổng quát năm 2022 là ổn định và phát triển kinh tế, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đối với lĩnh vực hạ tầng, thành phố đặt quyết tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng.

TPHCM đặt mục tiêu cao cho sự phát triển trong năm 2022 (Ảnh: Hữu Khoa).

Trong năm bản lề của kế hoạch 5 năm, TPHCM sẽ chú trọng tới công tác giải quyết việc làm đi đôi với đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lực gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thương mại điện tử, chuyển đối số, kinh tế số được thúc đẩy để phát triển mạnh mẽ.

Sau một năm chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, TPHCM đã đề ra 19 chỉ tiêu cho năm mới. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) trên địa bàn cần đạt 6%-6,5%; duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân 35% GRDP; chi đầu tư cho khoa học, công nghệ của xã hội đạt trên 0,75% GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm; tạo việc làm mới cho 140.000 lao động; tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%; tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đạt trên 86%…

Kỳ họp bản lề của 5 năm

Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM, đánh giá, kỳ họp có ý nghĩa rất quan trọng đối với HĐND thành phố để đánh giá sâu sắc, toàn diện những nỗ lực, cố gắng của thành phố thời gian qua. Đồng thời, kỳ họp cuối năm 2021 sẽ giúp thành phố tìm hướng đi mới, phù hợp, nhất là trong giai đoạn tích cực hoàn thành việc xây dựng kế hoạch tổng thể phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế đến năm 2025.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM, đánh giá, kỳ họp lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với HĐND thành phố (Ảnh: Hữu Khoa).

Bởi vậy, Chủ tịch HĐND TPHCM đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, xem xét, cho ý kiến để quyết nghị các nội dung quan trọng trong kỳ họp lần này. Trong đó, HĐND TPHCM sẽ tập trung đánh giá khách quan, toàn diện về tình hình kinh tế – văn hóa – xã hội.

Đối với các khó khăn, hạn chế còn tồn tại, các đại biểu cần thảo luận, đánh giá kỹ, làm rõ nguyên nhân nhất là nguyên nhân chủ quan của các cấp, các ngành, địa phương và đề xuất các giải pháp phù hợp, tạo quyết tâm chính trị cao hơn để vượt qua khó khăn, thách thức.

“Những nghị quyết được thông qua tại kỳ họp lần này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 và phục hồi kinh tế – xã hội  5 năm tới. Các vấn đề cũng tác động trực tiếp đến đời sống của người dân thành phố”, Chủ tịch HĐND TPHCM nêu tầm quan trọng của kỳ họp cuối năm 2021.

Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2022, UBND TPHCM đã xây dựng 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm:

– Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

– Các giải pháp, chương trình phục hồi kinh tế.

– Nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị.

– Cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp.

– Phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ.

– Các chiến lược phát triển văn hóa – xã hội.

– Nâng cao hiệu quả liên kết vùng, hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế.

– Đảm bảo quốc phòng – an ninh và trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác tư pháp.

Minh Ngọc

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều