+
Aa
-
like
comment

TP.HCM: ‘Chúng tôi không sợ trộm cướp, chỉ sợ lỡ có cháy nổ’

Bích Ngân - 09/07/2024 15:50

TP.HCM, với nhịp sống sôi động và mật độ dân cư cao, nổi tiếng với những con hẻm nhỏ, sâu hun hút, nhiều nơi chỉ vừa đủ cho một người và xe máy đi lọt. Tuy nhiên, những con hẻm này cũng mang lại nỗi lo cháy nổ, làm người dân nơi đây luôn trong tình trạng thấp thỏm, lo âu. Theo thống kê của Công an TP.HCM, từ ngày 15.12.2023 đến 14.5.2024, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 234 vụ cháy nổ, làm cho người dân trong những căn nhà nhỏ nằm sâu trong hẻm càng đặc biệt chú trọng đến công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Ở TP.HCM, hẻm được xem như một “đặc sản” không chỉ vì số lượng nhiều mà còn vì tên gọi khác lạ. Thị dân trong hẻm có cách gọi tên rất riêng, dù trên bản đồ, chúng đã được đánh số, sắp xếp theo thứ tự hẳn hoi. Bàn về hẻm ở TP.HCM thì thú vị lắm. Có những con hẻm siêu ngập, chỉ cần mưa chút xíu đã tràn nước lênh láng. Cũng có những con hẻm siêu xuyệt, shipper nhìn địa chỉ có tới 5 xuyệt liền lắc đầu ngán ngẩm. Hay những con hẻm siêu nhỏ chỉ vừa đủ một xe máy đi qua, tạo thách thức lớn cho ai lần đầu đến đây.

Người dân để đồ đạc phía bên ngoài nhà để tiết kiệm diện tích

Nhưng những điều đó đối với người dân chẳng là gì so với nỗi sợ cháy nhà trong hẻm. Bà Loan, 68 tuổi, sống trong hẻm 156 Lê Lai (Q.1) chia sẻ: “Tôi sống trong hẻm này đã mấy chục năm, dạo này xem truyền hình cứ nghe tin cháy nổ nhiều thành ra cũng lo lắng. Hẻm tôi ở là một trong những con hẻm nhỏ nhất ở TP.HCM, bề rộng chưa đầy 1m, nếu có một xe đi vào thì không thể có xe khác đi ra cùng thời điểm. Với những chiếc xe máy đời mới có kích thước lớn, nhằm khi cũng trầy trật.”

Một người phụ nữ khác sống trong hẻm này cũng chia sẻ thêm, vấn đề cháy nổ trong hẻm không chỉ là vấn đề khiến người dân đau đầu mà ngay cả lực lượng PCCC cũng rất sợ. Bởi những con hẻm nhỏ như thế này ở TP.HCM rất nhiều, giả sử có xảy ra hỏa hoạn, người vào người ra còn khó huống gì là các loại vật dụng cứu hộ, xe chữa cháy… Không chỉ vậy, diện tích hẻm đã nhỏ lại càng nhỏ hơn vì người dân sống ở đây để đồ đạc bên ngoài.

“Nhà trong hẻm nhỏ lắm nên cái gì để được ra ngoài thì để. Chúng tôi không sợ trộm cướp, chỉ sợ lỡ như có cháy nổ sẽ cản đường các chú cứu hộ”, người phụ nữ nói.

Chạy dọc nhiều tuyến đường ở Q.1, Q.4, Q.5 hay Q.Phú Nhuận, không khó để bắt gặp hình ảnh dây điện chằng chịt, rối bời, có khi buông lỏng xuống trong những con hẻm. Thậm chí, có những cột điện “cao tuổi” phải gồng mình cõng mấy chục đường dây điện, cáp truyền hình, internet… chồng chéo lên nhau như mạng nhện.

Rẽ xe vào một con hẻm trên đường Lê Quốc Hưng (Q.4), tôi giật mình vì có cảm giác đống dây điện phía trên cao có thể rơi xuống đầu mình bất cứ lúc nào. Ông Tư (70 tuổi) đang ngồi hóng gió với cháu nội trước cửa nhà gọi tôi: “Đi lạc hả cô, muốn ra đường nào tôi chỉ cho”.

Nán lại trò chuyện, ông Tư nói mình đã “đóng cọc” ở hẻm này từ hồi cha sinh mẹ đẻ, chứng kiến không biết bao chuyện buồn vui. Theo chia sẻ của ông, những con hẻm ở Q.4 đa số đều nhỏ, hẹp, có những đoạn bị thu hẹp do nhà xây, có những đoạn hết sức ngoằn ngoèo, người lạ lạc vào đây chẳng khác nào đi trong mê cung. Không những thế, những búi dây điện như mạng nhện trong hẻm cũng là nỗi lo của nhiều bà con.

Ông Tư bày tỏ: “Thời điểm tháng 3, tháng 4 khi mà thời tiết TP.HCM nắng nóng gay gắt, bà con lối xóm cũng lo lắng, sợ hỏa hoạn. Những ổ điện, dây điện này nếu bị chập, chắc chắn sẽ rất nguy hiểm. Chúng tôi cũng ý thức được điều đó nên chủ động phát quang cây cối, không để các loại dây leo bám vào. Nhà nào cũng cẩn trọng khi sử dụng điện, ga, hạn chế được cái nào hay cái đó.”

Hẻm và những thị dân trong hẻm đưa tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Theo chân bà Nguyễn Thị Liên (86 tuổi) sống trong con hẻm 303 Đoàn Văn Bơ (Q.4), tôi được mở mang tầm mắt với những chiêu PCCC cực lạ của bà.

Người dân trong hẻm 303 quen gọi người phụ nữ này là “bà Năm sửa đồ”. Nơi bà Năm sống là một căn phòng nhỏ có chiều dài 3 m, chiều rộng 2 m. Với diện tích siêu tí hon đó, bà bảo rằng mình và mọi người xung quanh phải luôn đề phòng, cảnh giác cháy nổ. Bà nói ở Q.4 đã từng có nhiều hẻm cháy trước đó nên người dân rất cảnh giác. “Nhà nào nhà nấy cũng đều tự lo cho mình chứ không phải là không lo”, bà khẳng định.

Bà Năm nói thêm: “Đa số những ngôi nhà trong hẻm đều có diện tích từ nhỏ đến siêu nhỏ nên người ta thường xây gác để có thêm không gian. Vì mọi sinh hoạt từ ngủ nghỉ, nấu nướng, tắm rửa đều ở trong này nên chúng tôi cũng rất sợ cháy nổ. Một thân một mình như tôi lại càng phải tìm cách để tự bảo vệ mình trước.”

Bà Năm có đến 4 chiếc quạt máy dù chỉ sống một mình và sống trong căn phòng “bé như lỗ mũi”. Bà tiết lộ, nhà nhỏ dễ tích nhiệt, nếu chỉ sử dụng một cái máy quạt duy nhất từ sáng đến tối, quạt sẽ nóng lên và dễ nổ. Vì thế bà Năm phân chia, một chiếc quạt dùng khi nấu ăn, chiếc to nhất dùng lúc làm việc, 2 chiếc còn lại thì thay phiên dùng lúc ngủ.

Hơn chục năm qua, bà Năm kể với tôi rằng bà vẫn duy trì thói quen ngắt cầu dao khi trước khi rời khỏi nhà. “Để đảm bảo an toàn, tôi sẽ ngắt toàn bộ nguồn điện trong phòng khi ra ngoài, việc này chẳng tốn bao nhiêu thời gian cả. Dù chỉ là đi dạo trong hẻm vài phút hay đi chợ ban sáng, tôi cũng sẽ làm thế. Những điều này có vẻ nhỏ nhặt nhưng lại góp phần hạn chế cháy nổ”, bà Năm vừa nói vừa chỉ tay về phía công tắc cầu dao.

Bà Năm ngắt cầu dao điện mỗi khi ra ngoài để đảm bảo an toàn

Bà và những người thuê nhà nhỏ như bà trong hẻm 303 Đoàn Văn Bơ hầu như đều sử dụng bếp điện, nồi điện để nấu ăn. Họ không dùng gas để phòng tránh rủi ro. Đối với các vật dụng khác, họ sẽ rút dây điện khi không có nhu cầu sử dụng.

Một người hàng xóm của bà Năm kể thêm, lãnh đạo phường, khu phố cũng rất chú trọng trong công tác tuyên truyền PCCC cho người dân. Ngoài các buổi tuyên truyền, chia sẻ kiến thức, họ còn đến từng nhà để khuyến khích người dân mua bình chữa cháy mini phòng sẵn.

“Ở mỗi con hẻm, tổ dân phố đều có lắp bình chữa cháy công cộng, ai cần thì có để sử dụng ngay. Ngày xưa hẻm còn nghèo khó, nhà lá nhiều mới thường xuyên xảy ra cháy chứ còn bây giờ người ta lát gạch, xây nhà tường hết rồi nên cũng đỡ nhiều. Chủ yếu vẫn là do cách người dân sinh hoạt, phòng chống thế nào thôi”, người đàn ông nói.

Dẫu biết nguy hiểm, khó khăn là thế nhưng những người dân nơi đây vẫn chưa một lần muốn rời xa hẻm. Họ gắn bó, bao dung, nỗ lực để đời sống trong hẻm trở nên an toàn hơn, cũng là gìn giữ một nét văn hóa hẻm rất riêng của TP.HCM.

Bích Ngân 

Bài mới
Đọc nhiều