TP.HCM: Chuẩn bị kỹ để phục hồi sau dịch
Cùng với việc tiếp tục kiểm soát chặt trong phòng, chặn dịch, TP.HCM đang khẩn trương chuẩn bị các bước đi cần thiết để đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh dần trở lại bình thường.
Ngày 16-4, Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 40, Khóa X đã diễn ra theo hình thức trực tuyến tại 15 điểm cầu trên địa bàn TP. Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi TP cùng cả nước quyết liệt ngăn chặn dịch COVID-19.
Tiếp tục kiểm soát chặt, không lơi là phòng dịch
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết với sự chỉ đạo quyết liệt và kịp thời, TP đã không để dịch lan rộng trên địa bàn, đó chính là tiền đề quan trọng để duy trì trong thời gian tới. Hiện TP chỉ còn tám người phải chữa trị COVID-19.
Theo Bí thư Thành ủy, thời gian qua TP đã dồn lực cho chống dịch nên giờ đây sẽ tập trung đẩy sức bật cho kinh tế-xã hội TP sau khi dịch giảm và được kiểm soát. Ông Nhân yêu cầu không được thả lơi khâu phòng dịch để dịch lây lan.
Theo ông Nhân, từ nay đến giữa tháng 5 sẽ ưu tiên vận dụng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng như của TP.HCM cho doanh nghiệp và người lao động để giảm bớt khó khăn cho họ. Với các đơn vị sản xuất kinh doanh, ông Nhân yêu cầu phải xây dựng bộ tiêu chí an toàn để triển khai trong tháng 5. Nếu những ngành, đơn vị nào đã kiểm tra xong mà đạt tiêu chí an toàn thì cho sản xuất, kinh doanh trở lại nhưng không để thả nổi mà phải có điều kiện.
Riêng đối với ngành dịch vụ, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị phải tăng dần quy mô, có lộ trình ít nhất trong ba tháng 5, 6 và 7. Ví dụ như những nhà hàng hoạt động lúc đầu bao nhiêu người, sẽ có lộ trình tăng dần lên rồi mới tới quy mô tối đa như khi chưa có dịch.
Đối với các dự án bất động sản, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết Chính phủ đã có thông báo phương án xử lý đất công xen kẽ trên các dự án này. Từ đó, ông yêu cầu cho tổng rà soát ở tất cả dự án có đất công xen kẽ. “Cho vận dụng ngay để giải phóng vướng mắc này” – ông Nhân nói.
Bí thư Thành ủy yêu cầu UBND TP và Sở TN&MT TP có những chỉ đạo để bắt đầu từ tháng 5 trở đi khi triển khai các dự án bất động sản sẽ được rà soát dự án vướng đất công xen kẽ. Theo ông Nhân, việc này cần phải có lộ trình phân cấp, nếu chỉ một đầu mối là Sở TN&MT thì sẽ nghẽn, không làm nổi.
Có quy tắc ứng xử phòng dịch của từng ngành
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng thời gian tới khi trở lại trạng thái sản xuất bình thường thì phải có quy tắc ứng xử của từng ngành nghề để kiểm soát dịch.
Theo ông Nhân, UBND TP đã triển khai mỗi ngành sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, cơ quan đều phải xây dựng bộ tiêu chí an toàn để không phát dịch. Việc này phía doanh nghiệp đã làm, do đó ông Nhân yêu cầu triển khai ở các lĩnh vực khác. “Bây giờ chợ, siêu thị quy định diện tích người mua, người bán như thế nào. Rồi tài xế vận tải, taxi vừa đeo khẩu trang vừa hỏi khách phải như thế nào để an toàn. Cùng đó là có cho đi xem văn nghệ, xem đá bóng không. Nếu cho đi xem thì phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách” – ông Nhân nói và cho rằng phải chuyển sang đời sống bình thường gắn với nguy cơ phòng dịch này.
Theo ông Nhân, làm sao tất cả lĩnh vực phải có quy định, buôn bán có quy định, khách sạn, nhà hàng cũng phải có quy định như ngồi ăn thế nào để không lây nhiễm. Nếu làm tốt như thế thì cứ cho vào ăn. “Chúng ta phải có tiêu chí công sở an toàn, giao thông an toàn chứ không thể ngồi nhà mãi được” – ông Nhân nói và đề nghị từ nay đến hết ngày 30-4 các ngành phải đưa ra được tiêu chí an toàn để mở lại các hoạt động bình thường.
Về tiến độ giải ngân đầu tư công, bí thư Thành ủy đề nghị từ nay đến cuối tháng 10, TP cần giải ngân được 80% kế hoạch đề ra của năm nay. “Các quận, huyện và UBND TP họp giao ban định kỳ hai tuần/lần về việc rà soát tiến độ giải ngân. Đặc biệt, các quận, huyện cần áp dụng triệt để quy trình bồi thường, giải tỏa mới” – ông Nhân yêu cầu.
Do dịch COVID-19, tăng trưởng quý I-2020 giảm sâu
Do dịch COVID-19 tác động toàn diện lên đời sống kinh tế nên trong quý I-2020, GRDP của TP.HCM ước đạt 335.682 tỉ đồng, tăng 0,42% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng hơn 7,6%). Tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện ước đạt hơn 88.000 tỉ đồng, giảm hơn 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
TÁ LÂM/ PLO