+
Aa
-
like
comment

TP.HCM chưa thể thay đổi khoảng cách tiêm giữa 2 mũi Astrazeneca

18/09/2021 12:10

Sở Y tế TP.HCM cho biết, Thành phố vẫn chưa nhận được phản hồi về việc rút ngắn khoảng cách tiêm giữa 2 mũi AstraZeneca nên giữ nguyên khoảng cách là từ 8-12 tuần.

Phóng viên được tiêm vắc xin phòng COVID -19 tại Viện Pasteur TPHCM
Phóng viên được tiêm vắc xin phòng COVID -19 tại Viện Pasteur TPHCM

Trước đó, với mong muốn bao phủ mũi 2 cho người dân, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản đề xuất rút ngắn khoảng cách giữa 2 mũi tiêm AstraZeneca còn 6 tuần. Tuy nhiên, Bộ Y tế chưa phản hồi nên TP Hồ Chí Minh vẫn thực hiện theo hướng dẫn cũ (8 – 12 tuần).

Liên quan đến chiến dịch tiêm chủng, tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến ngày 16/9/2021 là 8.563.863 (tăng 111.254 mũi vaccine so với ngày 15/09/2021) trong đó tổng số mũi 1 là 6.693.404, mũi 2 là 1.870.459, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 992.614.

Về kế hoạch tiêm vaccine từ nay đến ngày 30/9, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết, TPHCM còn khoảng 515.988 người cần tiêm mũi 1, tổng mũi 2 cần phải tiêm đến ngày 30/9 là 1.782.496 mũi. Với hơn 400.000 liều vaccine các loại hiện có (tính đến thời điểm hiện tại), TP đã đề xuất với Bộ Y tế phân bổ thêm vaccine để đảm bảo công tác phủ hết mũi 1 và tiêm mũi 2 cho những người đến hạn.

TP. Hồ Chí Minh: Số ca tử vong giảm, bổ sung một số nhóm công việc không cần giấy đi đường

Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Hưng cho biết tại họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống Covid-19 trên địa bàn chiều 17/9, so với năng lực của ngành y tế thành phố, tình hình điều trị có những tín hiệu vui. Số bệnh nhân thực tế ở các giường bệnh viện là 69,8%. Cụ thể, thành phố có 59.150 giường, trong đó số bệnh nhân đang được điều trị tại đây là 41.297, bao gồm ở tầng hai tỷ lệ là 69,2% và tầng ba là 77,3%.

“Số bệnh nhân phải sử dụng các biện pháp can thiệp điều trị do tình trạng nặng còn khá cao. Vì thế, hiện số ca tử vong giảm nhưng chúng ta không quá lạc quan vì số ca nặng còn nhiều”, Phó Giám đốc Sở Y tế nói.

Ông Hưng phân tích, theo thống kê mới nhất, tỷ lệ bệnh nhân tại tầng ba (tuyến cuối trong tháp ba tầng điều trị Covid-19 tại TP HCM) phải sử dụng máy thở xâm lấn là 69,1% và 65,5% sử dụng máy thở không xâm lấn. Các bệnh viện cũng đã sử dụng 67,7% máy ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể), 69,7% máy lọc máu, 62,2% máy thở oxy cho bệnh nhân.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), tính đến sáng 17/9, thành phố ghi nhận 321.358 ca Covid-19, chủ yếu là ca cộng đồng. Hiện 41.297 bệnh nhân điều trị, trong đó 2.967 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.544 bệnh nhân nặng đang thở máy và 22 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tổng số bệnh nhân đã xuất viện tính từ đầu năm đến nay là 161.007.

Chia sẻ trong họp báo về công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong 24 giờ qua, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu, Công an TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, từ ngày 16/9, thành phố bổ sung một số nhóm công việc không cần giấy đi đường khi đáp ứng một số điều kiện.

Hàng loạt xe qua chốt được yêu cầu dừng xe kiểm tra lý do ra đường. ẢNH: ĐỘC LẬP

Các nhóm bổ sung lần này bao gồm:

– Luật sư tham gia tố tụng khi có thông báo yêu cầu, giấy triệu tập của các cơ quan tố tụng (hoặc văn bản yêu cầu của cơ quan tố tụng, kèm văn bản phân công luật sư của Văn phòng luật sư). Khi di chuyển, luật sư phải có các yếu tố nhận diện là thẻ luật sư trùng với giấy tờ và kiểm tra khai báo Y tế trên phần mềm VNEID.

Nhóm nhân viên, người lao động trong một số ngành nghề lưu thông để đổi ca trong những khung thời gian nhất định đồng thời phải mặc đồng phục ngành, doanh nghiệp; đeo thẻ nhân viên; có lịch đổi ca của đơn vị và khai báo y tế qua phần mềm của Bộ Công An.

– Nhân viên bưu cục, giáo viên đưa sách đến cho học sinh cũng không cần giấy đi đường nhưng phải mặc đồng phục ngành, đeo thẻ ngành có sách hoặc lịch, danh sách địa điểm giao sách khi lưu thông.

– Giảng viên, giáo viên đến trường hoặc điểm dạy học trực tiếp được di chuyển phù hợp lịch dạy học trực tuyến khi mang thẻ ngành, có lịch giảng dạy được Ban giám hiệu nhà trường ký duyệt.

– Đối với công nhân làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, công nghệ cao cao nghỉ việc về nhà khi nhà máy ngưng hoạt động; người lao động đến nhà máy đổi ca làm việc (thời gian đổi ca không dưới 7 ngày một lần) hoặc người lao động đến làm việc tại công ty, nhà máy mở cửa hoạt động được phép lưu thông trong thời gian 9-11h hoặc 14-16h nhưng phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định.

Dấu hiệu F0 trở nặng tại nhà, phát hiện kịp thời tình trạng thiếu oxy thầm lặng

Bác sĩ Nguyễn Thành Quân, Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành cho biết, hầu hết người nhiễm virus có triệu chứng từ nhẹ đến trung bình và có thể hồi phục mà không cần nhập viện. Thông thường các triệu chứng sẽ xuất hiện sau 5-6 ngày từ khi người bệnh nhiễm virus. Tuy nhiên, thời gian này cũng có thể kéo dài tới 14 ngày.

Bệnh nhân mắc Covid-19 chủng Delta có dấu hiệu không điển hình, các triệu chứng không rầm rộ nên khó phát hiện cũng như nhiều bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng. Các triệu chứng thường gặp: sốt, ho, đau họng, mệt mỏi, đau nhức cơ thể, khó thở nhẹ hoặc đau đầu. Các triệu chứng ít gặp hơn: tiêu chảy, viêm kết mạc mắt, mất mùi, mất vị giác.

Với bệnh nhân mắc Covid-19, các triệu chứng nặng sẽ xuất hiện vào ngày thứ 7 đến thứ 10 của bệnh. Các dấu hiệu nặng trên thường xuất hiện ngay sau thời điểm bệnh nhân ho tăng liên tục, thời điểm virus phát tán mạnh nhất và nồng độ virus cao nhất.

Đây là thời điểm các F0 cần được theo dõi sát sao nhất. Các dấu hiệu chuyển nặng có thể kể đến: sốt liên tục trên 39 độ mà thuốc hạ sốt không có tác dụng, mệt mỏi không thể sinh hoạt bình thường, khó thở, nồng độ oxy trong máu giảm. Ví dụ, sốt liên tục trên 39 độ mà thuốc hạ sốt không có tác dụng, mệt mỏi không thể sinh hoạt bình thường, khó thở khi thay quần áo hoặc không thể ra khỏi giường, nồng độ oxy trong máu giảm.

Quan trọng nhất là phát hiện tình trạng thiếu oxy thầm lặng ở bệnh nhân. Bệnh nhân có tình trạng suy hô hấp tuy nhiên không tương xứng với biểu hiện bên ngoài khi đó SpO2 rất thấp, thậm chí một số trường hợp nổi các vân tím.

Vì vậy các bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng không chủ quan mà cần tăng cường kiểm tra để phát hiện tình trạng thiếu oxy thầm lặng.

Sơn Ca

Bài mới
Đọc nhiều