TP.HCM cho phép học sinh lớp 7, 8, 10, 11 trở lại trường từ 4/1/2022
Sau thời gian thí điểm dạy học trực tiếp với khối 9 và 12, UBND TP.HCM quyết định cho các cơ sở giáo dục được tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh khối 7, 8, 9, 10, 11, 12 từ ngày 4/1/2022. Riêng xã đảo Thạnh An (Cần Giờ), học sinh từ lớp 1 đến 12 được đến trường.
Học sinh đến trường sẽ được tổ chức ôn tập và kiểm tra học kỳ I tại trường từ ngày 4/1 đến 22/1. Giao Sở Giáo dục – đào tạo, Sở Y tế tham mưu việc dạy học trực tiếp cho học sinh lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 và mầm non từ sau Tết Nguyên đán.
Thành phố cho phép các trung tâm ngoại ngữ, tin học, cơ sở hoạt động giáo dục kỹ năng sống và giáo dục ngoài giờ chính khóa được tổ chức dạy trực tiếp nhưng phải Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của quận, huyện kiểm tra, thẩm định kế hoạch, phương án phòng, chống dịch trước khi tổ chức.
Người tham gia giảng dạy, làm việc và học tập phải đảm bảo tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19 sau 14 ngày hoặc là F0 đã khỏi bệnh, người không thể tiêm vaccine do chống chỉ định.
UBND TP.HCM giao sở GD&ĐT chủ động phối hợp với sở Y tế rà soát, tham mưu điều chỉnh bộ tiêu chí an toàn đối với các cơ sở giáo dục khi cần thiết.
Hai cơ quan này tiếp tục hướng dẫn chuyên môn về phương án tổ chức học tập trực tiếp phù hợp với từng bậc học, linh hoạt theo cấp độ dịch; kịp thời tham mưu với thành phố mở rộng dạy học trực tiếp cho các lớp còn lại và trẻ mầm non sau Tết Nguyên đán 2022.
Ngoài ra, UBND TP cũng giao Sở Giáo dục và đào tạo chủ động phối hợp với Sở Y tế rà soát, tham mưu việc điều chỉnh Bộ tiêu chí an toàn đối với cơ sở giáo dục (khi cần thiết); kịp thời tham mưu UBND TP việc mở rộng dạy học trực tiếp từ sau Tết Nguyên đán năm 2022 cho học sinh lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 và trẻ mầm non…
Văn bản trên còn nhấn mạnh: UBND TP giao cho Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Y tế TP Thủ Đức, các quận, huyện và đơn vị liên quan phối hợp thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong suốt quá trình tổ chức dạy học trực tiếp; phối hợp Sở Thông tin và truyền thông tăng cường truyền thông thường xuyên cho người dân, phụ huynh, học sinh về các biện pháp an toàn phòng, chống dịch, các lợi ích khi học sinh học tập trực tiếp tại trường và các tác hại khi trẻ học trực tuyến trong thời gian dài (dẫn đến nguy cơ về các bệnh như thừa cân, béo phì, tật khúc xạ…, và đặc biệt là sức khỏe tâm thần, tâm sinh lý của học sinh…).
Được biết, hơn 100.000 học sinh lớp 9 và lớp 12 đã đi học trực tiếp từ ngày 13-12 theo kế hoạch 3997 của UBND TP. Kết quả sau hơn 2 tuần thí điểm việc đi học trực tiếp, Sở Giáo dục và đào tạo cho biết: học sinh phấn khởi, tiếp thu bài tốt hơn khi học trực tuyến; trong hơn 2 tuần học sinh đi học lại: toàn TP phát hiện có 60 ca F0 là học sinh, giáo viên, nhân viên và đều đã được xử lý theo đúng quy định của ngành y tế.
Trước đó, Sở GD&ĐT đề xuất cho học sinh các khối 7, 8, 10, 11 học trực tiếp từ 3/1. Với các khối lớp còn lại, phương án học trực tiếp sẽ được sở đề xuất sau, tùy thuộc vào dịch bệnh. Khảo sát phụ huynh cho thấy có 60-80% ý kiến đồng thuận cho con đến trường, tùy vào từng khối.
TP.HCM đã cho học sinh lớp 9 và 12 đến trường từ 13/12 đến nay. Sau hai tuần đầu thí điểm, 60 học sinh, giáo viên, nhân viên trở thành F0. Đây là tình huống đã được lường trước, các trường đều có kịch bản xử lý, đảm bảo an toàn.
Khảo sát ban đầu chưa đến 80% phụ huynh đồng ý cho con đi học. Nhưng sang đến tuần thí điểm thứ hai, tỷ lệ học sinh đến trường tại nhiều quận, huyện đạt hơn 96%. Đây là cơ sở để ngành giáo dục thành phố đề xuất với UBND TP.HCM mở rộng cho học sinh khối 7, 8, 10, 11 cùng đến trường từ 3/1/2022.
Minh Anh