TP.HCM cho hàng quán hoạt động lại, nhưng các quán đều đóng cửa và… ‘hẹn gặp lại’
Đóng cửa, hẹn đến ngày 16.9, hay đặt 45 phút nhưng không ai nhận đơn… đó là những câu chuyện mà nhiều người trẻ đã gặp phải khi TP.HCM cho hàng quán hoạt động trở lại.
TP.HCM đã cho phép các loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) hoạt động trở lại, từ 6 – 18 giờ theo hình thức bán hàng mang về. Tuy nhiên, nhiều người trẻ vẫn rất khó khăn khi muốn đặt đồ ăn, thức uống trên các ứng dụng.
1.5 km tiền “ship” là 85.000 đồng
Anh Huỳnh Quốc Trường (28 tuổi), trú tại hẻm 163 Thành Thái, P.14, Q.10, TP.HCM cảm thấy phấn khích vì hơn 2 tháng qua anh phải chịu cảnh mất buổi sáng vì phải loay hoay trong gian bếp. Tuy nhiên, anh Trường đã tiếp tục “méo mặt” vì khi tìm kiếm trên ứng dụng thì đa số các hàng quán đều đóng cửa và hẹn gặp lại vào ngày 16.9 hoặc cuối tháng 9.
Anh Trường tâm sự: “Những ngày dịch vừa qua tôi đã cố gắng đặt “combo” từ tổ trưởng khu phố rồi về nấu, thật sự tôi chế biến khá dỡ có những món cứ lập đi lập lại, ngán ngẩm. Nó chiếm quỹ thời gian của tôi rất nhiều, quần quật mất cả buổi sáng ảnh hưởng đến công việc trực tuyến tại nhà. Do đó, khi nghe hàng quán mở lại tôi rất vui, tuy nhiên hết app này đến app khác, chọn xa hay gần nơi tôi sống đều đóng cửa và hẹn gặp lại vào 16.9 hoặc cuối tháng 9. Có vài quán vẫn đặt được nhưng giá khá cao, tô bún bò không giò nhỏ mà giá đến 70.000 đồng, chưa kể tiền giao hàng thêm 30.000 đồng dù cách nơi ở tôi có 0.9 km, nên thôi”.
Đúng như anh Trường cho hay khắp các con đường nổi tiếng về ẩm thực, ăn uống ở Q.10 vào sáng ngày 11.9, như: Thành Thái, Sư Vạn Hạnh nối dài, Nguyễn Tri Phương… các quán vẫn bất động.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Như, Bí thư Chi Đoàn P.1, Q.10, TP.HCM cũng tiếp tục nhịn món bún bò, cơm tấm yêu thích vào mỗi buổi sáng, dù đã chạy và điện khắp mấy quán “ruột” của mình sau khi nghe thông tin hàng quán được mở cửa trở lại. “Sợ ế nên bà con đâu dám mở. Mà giờ mở cũng có cũng có mua được nguyên liệu để nấu đâu”, chị Như nói.
Trương tự, ngoài những suất cơm được hỗ trợ trong quá trình tham gia chống dịch Covid-19 tại bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM, chị Bùi Thị Thủy Ngân (23 tuổi), ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM vẫn muốn đặt những món như: cơm tấm, bún bò… để thay đổi khẩu vị cũng như giảm bớt sự thèm thuồng, vì 3 tháng nay Ngân chưa được ăn.
“Sau hai ngày hàng quán hoạt động trở lại tôi đã đặt một suất cơm tấm 79.000 đồng tại quán gần bệnh viện vì quá thèm. Quán đó cách tôi có 1,5 km nhưng giá giao hàng là 80.000 đồng, tôi vẫn chấp nhận, nhưng đợi mãi đến 45 phút không shipper nào nhận đơn rồi bên đó tự hủy, dù quán đã cho đặt hàng”, chị Ngân nói trong sự buồn bã.
Quẩn quanh với vài ba thứ nguyên liệu
Dù đang ở Q.7, là một trong những nơi dịch bệnh đã ổn định tại TP.HCM, nhưng anh Lữ Duy Tường, 24 tuổi, cũng phải chật vật trong việc mua đồ ăn uống vì giá đồ ăn khá cao.
Anh Tường cho hay khi đọc được tin TP.HCM cho phép hàng quán trở lại, cảm thấy khá vui, vì khoảng 2 tháng rồi anh cùng vài người bạn chung trọ của mình toàn nấu ăn, quanh quẩn vài ba món đơn sơ vì không có đủ và đa dạng nguyên liệu để chế biến.
Anh Tường kể: “Sáng nay, mọi người cũng bàn tính sẽ không nấu cơm trưa nữa mà sẽ lên ứng dụng đặt đồ ăn về, muốn thay đổi bữa cho đỡ ngán. Tuy nhiên, sau khi lướt xem thì thấy các cửa hàng chủ yếu bán theo combo với giá tầm 200.000 đồng – 300.000 đồng, hoặc món lẻ thì giá cũng khá cao cho một buổi ăn với 2 – 3 đầu người, và cộng thêm phí giao hàng khá cao nữa nên suy đi tính lại thì chúng tôi quyết định đặt nguyên liệu từ siêu thị về nấu sẽ tiết kiệm được hơn gấp vài lần, chưa kể việc không biết chúng có chất lượng và đảm bảo an toàn ra sao? Không còn nhiều nguồn thu nhập như trước nữa, nên mọi chi tiêu trong mùa dịch này đều phải cân nhắc và tính toán kỹ hơn”.
Anh Tường thừa nhận nỗi khổ các bữa ăn mùa dịch là tôi chỉ quẩn quanh với vài ba thứ nguyên liệu như: thịt, gà, trứng và cá; rau xanh, rau nêm thì khan hiếm, trái cây thì quá đắt và vì phải tiết kiệm chi tiêu nên chỉ đảm bảo được cơ bản bữa ăn để giữ gìn sức khỏe mùa dịch này.
“Tuy nhiên, bù lại thì chúng tôi nấu ăn cùng nhau, mỗi người biết một vài món sẽ luân phiên với nhau làm bữa ăn đa dạng hơn, ăn uống có giờ giấc khoa học, chia sẻ công việc dọn dẹp và chi phí ăn uống thì cũng đỡ được phần nào. Nếu tự nấu một mình thì đôi khi lại lười, bỏ bữa hay chỉ nấu tạm bợ không đảm bảo được sức khỏe và gánh chi phí cao hơn rất nhiều. Và quan trọng hơn hết là khoảng thời gian vui vầy trong các bữa ăn, chúng tôi ngồi lại chia sẻ nhiều thứ hay ho với nhau, giúp tinh thần lạc quan hơn”, anh Tường nói.
“Ngoài ra, chúng tôi còn hối thúc nhau luyện tập thể dục nâng cao đề kháng, học ngoại ngữ, học đàn, học các kỹ năng khác,… Có thể mùa dịch này sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nhưng nếu biết cách tận dụng triệt để khoảng thời gian vàng này thì chúng ta sẽ làm được rất nhiều việc ý nghĩa thay vì cứ nằm chờ cho qua ngày đoạn tháng”, anh Tường nói.
Tấn Đạt