+
Aa
-
like
comment

‘TP.HCM cần thời gian, ca mắc không thể giảm ngay được’

23/07/2021 15:13

Chuyên gia Malaysia nhận định biện pháp hạn chế sẽ phải áp dụng tại TP.HCM lâu hơn, và việc tiêm chủng tại điểm nóng nên được triển khai mạnh mẽ để phá vỡ chuỗi lây nhiễm.

Trả lời phỏng vấn của PV, Giáo sư Zamberi Sekawi thuộc trường Đại học Putra Malaysia nhận định phong tỏa là biện pháp cần thiết và sẽ mất thêm thời gian trước khi TP.HCM chứng kiến số ca mắc Covid-19 giảm.

Trong khi đó, tiến sĩ Asita Elengoe thuộc trường Đại học Lincoln cũng cho rằng biện pháp này có thể được cân nhắc trên phạm vi rộng hơn vì đây cách tốt nhất để phá vỡ chuỗi lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng trước khi mất kiểm soát.

Bên cạnh đó, hai chuyên gia cho biết để tránh “đứt gãy” lưu thông hàng hóa trong thời gian phong tỏa, hình thức vận chuyển nên được thay đổi linh hoạt với sự áp dụng công nghệ, để giao nhận hàng theo phương thức điều phối trực tuyến.

Chuyên gia Malaysia cũng khẳng định về dài hạn, chìa khóa để các quốc gia thoát khỏi đại dịch là vaccine. Vì vậy, bên cạnh biện pháp giãn cách, chính phủ nên tập trung triển khai chiến dịch tiêm chủng tại một số điểm nóng nhất định để phá vỡ ổ dịch.

Thắt chặt hạn chế nếu dịch vẫn lây lan

– Đã qua nhiều ngày phong tỏa nhưng số ca mắc tại TP.HCM vẫn không giảm. Nếu sau khoảng thời gian này, tình hình không biến chuyển tích cực thì thành phố nên làm gì?

– Giáo sư Zamberi Sekawi: Số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM được mong đợi là sẽ giảm trong thời gian phong tỏa 2 tuần. Tuy nhiên, dựa trên kinh nghiệm của chúng tôi, điều này có thể mất thời gian lâu hơn một chút, hơn một tháng là hợp lý.

Malaysia cũng đã tiến hành phong tỏa trên diện rộng từ ngày 1/6. Mặc dù số trường hợp nhiễm chưa giảm rõ rệt, nhưng chúng tôi đã ngăn chặn không để làn sóng dịch tiếp tục leo thang và mất kiểm soát. Các biện pháp quan trọng mà chính phủ thực hiện là tăng cường mạnh mẽ tỷ lệ tiêm chủng.

Hiện chúng tôi là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng nhanh nhất trên thế giới. Tất cả người trưởng thành ở Malaysia dự kiến​ được tiêm chủng đầy đủ vào tháng 10 theo chiến lược mới được công bố cách đây vài ngày.

Việt Nam cũng đang triển khai các biện pháp y tế công cộng rất tốt. Tuy nhiên, tôi cho rằng bên cạnh giãn cách, chìa khóa để thoát khỏi đại dịch là tăng cường triển khai tiêm vaccine cho người dân.

– Tiến sĩ Asita Elengoe: Có thể sẽ phải mất nhiều thời gian và cần áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để có thể kiểm soát được dịch bệnh. Tại Malaysia, trong thời gian phong tỏa, chính phủ đã áp đặt lệnh hạn chế di chuyển tăng cường (EMCO). Theo đó, biên giới giữa các địa phương bị đóng và có cảnh sát giám sát.

Bên cạnh đó, người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp hạn chế như chỉ cho phép một người trong hộ gia đình rời nhà để mua nhu yếu phẩm trong bán kính 10 km.

Sẽ mất thêm thời gian trước khi TP.HCM chứng kiến số ca mắc Covid-19 giảm. Ảnh: Chí Hùng.

– Việt Nam hiện triển khai giãn cách xã hội với 19 tỉnh, thành phố. Xin chuyên gia đưa ra lời khuyên để nhanh chóng giảm số ca mắc trong khoảng thời gian này.

– Giáo sư Zamberi Sekawi: Phong tỏa là cần thiết để ngăn chặn sự gia tăng của các ca mắc Covid-19 khiến hệ thống y tế quá tải. Và việc giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo người dân tuân thủ các quy định sẽ giúp đảm bảo kiểm soát được làn sóng dịch.

– Tiến sĩ Asita Elengoe: Phong tỏa toàn bộ những khu vực bị ảnh hưởng là cần thiết. Hàng rào và rào chắn bằng dây thép có thể được thiết lập tại khu vực này để kiểm soát việc di chuyển của người dân. Cảnh sát phải luôn theo dõi những khu vực này.

Tôi muốn nhấn mạnh ở đây giải pháp tốt nhất để vượt qua làn sóng dịch Covid-19 là “ở nhà”. Đó là cách tốt nhất để phá vỡ chuỗi lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Chiến dịch tiêm chủng cũng nên được tăng tốc. Miễn dịch cộng đồng nên được thúc đẩy để ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2 từ người sang người.

– Trong kịch bản nào thì Việt Nam cần thực hiện giãn cách trên diện rộng hơn?

– Giáo sư Zamberi Sekawi: Tôi nghĩ việc phong tỏa diện rộng phải dựa trên đánh giá, phân tích rủi ro kỹ lưỡng vì biện pháp này sẽ có những tác động về kinh tế và sinh kế. Cho đến nay, với tỷ lệ tử vong thấp và chiến lược xét nghiệm tốt, Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng trong cuộc chiến chống dịch.

– Tiến sĩ Asita Elengoe: Theo tôi, tốt hơn hết là nên cân nhắc thực hiện phong tỏa trên diện rộng ngay từ giai đoạn đầu để có thể kiểm soát được dịch bệnh nhanh chóng, các cơ sở y tế cũng sẽ không bị quá tải. Nếu có quá nhiều bệnh nhân mắc Covid-19, các trang thiết y tế có thể bị thiếu hụt, chẳng hạn như giường bệnh, nguồn cung oxy,….

Điều này sẽ làm tăng số ca tử vong, đồng thời dẫn đến sự lây lan nhanh chóng của virus. Các cơ quan chức năng có thể kiểm tra đột xuất tại các nhà hàng, siêu thị, nhà máy,… và có biện pháp xử pháp nếu họ vi phạm biện pháp hạn chế (SOP).

Tại Malaysia, người dân sử dụng ứng dụng MySejahtera trên điện thoại di động để quét mã đánh dấu nơi mình có mặt, cập nhật tình hình ca mắc Covid-19 hàng ngày, thông tin về “vùng đỏ”, chi tiết tiêm chủng. Họ phải quét ứng dụng MySejahtera trước khi đến bất cứ địa điểm nào, bao gồm siêu thị, chợ, cửa hàng,… Hoặc nếu gặp khó khăn khi dùng thiết bị di động, người đó phải ghi lại chi tiết số điện thoại di động trong sổ nhật ký được cấp ở lối vào.

Công an kiểm tra giấy tờ của người dân khi ra đường. Ảnh: Chí Hùng

Thay đổi hình thức phân phối

– TP.HCM đã phải đóng cửa một số chợ đầu mối vì xuất hiện các ca mắc Covid-19. Làm thế nào để giãn cách xã hội mà vẫn đảm bảo lưu thông hàng hoá, tránh gây khó khăn trong việc vận chuyển cung ứng?

– Giáo sư Zamberi Sekawi: Tôi nghĩ nguyên nhân chính của chuỗi lây nhiễm này nằm ở sự gia tăng tương tác giữa con người. Vì vậy, các nhà chức trách nên đề ra chiến lược để giảm thiểu các tương tác giữa con người với nhau. Với những tiến bộ trong công nghệ kỹ thuật số, việc lưu thông hàng hóa và dịch vụ có thể tùy biến. Các sàn thương mại điện tử cũng có thể tham gia cung ứng hàng hóa cho người dân, giảm tải áp lực kênh phân phối.

– Tiến sĩ Asita Elengoe: Việt Nam có thể cân nhắc áp dụng biện pháp dựa trên tình hình chống dịch. Tuy nhiên, tại Malaysia, các chợ đầu mối có thể hoạt động trong phạm vi thời gian cho phép với các biện pháp hạn chế (SOP) nghiêm ngặt. Nhưng người dân cũng thường tránh đến những nơi này và chạm mặt trực tiếp. Họ thường sử dụng dịch vụ giao hàng trực tuyến hoặc giao thức ăn tại nhà để nhận thức ăn của họ. Nông dân bán trái cây, rau củ trực tiếp tới người mua hàng trực tuyến. Hải sản cũng có thể giao tới tận nhà.

Như vậy, bên cạnh hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thương nhân có thể thay đổi hình thức vận chuyển, giao nhận hàng theo phương thức điều phối trực tuyến, giao tận nơi cho những khách hàng nhằm đảm bảo lưu thông thông suốt hàng hóa đến tay người tiêu dùng.

Rau, củ được bày bán nhiều tại các cửa hàng mỹ phẩm, hiệu thuốc… trên các quận, huyện, TP Thủ Đức. Ảnh: Phương Lâm.

Biện pháp chống dịch dài hạn

– Yếu tố giúp chống dịch thành công khi thực hiện biện pháp giãn cách là gì?

– Giáo sư Zamberi Sekawi: Việc tuân thủ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt (SOP) do các cơ quan có thẩm quyền đưa ra là rất quan trọng. Đây cũng là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của biện pháp phong tỏa. Các nước thực hiện nghiêm ngặt những quy định phong tỏa thường có kết quả tốt.

– Tiến sĩ Asita Elengoe: Để biện pháp phong tỏa hiệu quả, người dân cần hiểu được nguy cơ mắc Covid-19 và có thái độ hợp tác với chính phủ, ở nhà và tuân thủ nghiêm các quy định. Họ phải nhanh chóng báo cáo với cơ quan chức năng nếu có bất kỳ triệu chứng Covid-19 nào. Bản thân người dân nên tự có trách nhiệm hơn trong bối cảnh dịch bệnh.

Hơn hết, phong tỏa và giãn cách không phải biện pháp lâu dài, chỉ có vaccine mới là chìa khóa để các quốc gia thoát khỏi đại dịch Covid-19. Người dân nên được tiêm vaccine để ngăn chặn sự lây lan của virus. Tại Malaysia, Ủy ban đặc biệt về đảm bảo tiếp cận nguồn cung ứng vaccine COVID-19 (JKJAV) đã được thành lập để tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua sắm Covid-19. Chương trình tiêm chủng 12 tháng được thiết lập. Vaccine sẽ được tiêm miễn phí cho cả công dân và người nước ngoài cư trú.

Chìa khóa để thoát khỏi đại dịch là tăng cường triển khai tiêm vaccine. Ảnh: Duy Hiệu.

– Trong bối cảnh nguồn cung vaccine còn hạn chế, những nhóm đối tượng nào nên được ưu tiên tiêm chủng hiện nay?

– Giáo sư Zamberi Sekawi: Trước tiên, chúng ta phải bảo vệ những người ở tuyến đầu chống dịch. Thứ hai là trường hợp có nguy cơ cao nhiễm Covid-19 trở nặng và tử vong. Chính phủ cũng nên xem xét việc tập trung tiêm chủng tại một số điểm nóng nhất định để phá vỡ chuỗi lây nhiễm.

– Tiến sĩ Asita Elengoe: Theo tôi, tất cả nhân viên y tế, người chịu trách nhiệm thực thi pháp luật, làm việc trong lĩnh vực năng lượng, thực phẩm và giao thông nên được ưu tiên tiêm chủng đầu tiên để duy trì các dịch vụ thiết yếu. Sau đó, người già trên 80 tuổi, người mắc bệnh mạn tính, và những người bị suy giảm hệ miễn dịch có thể trở thành đối tượng ưu tiên thứ hai trong chương trình tiêm chủng.

Giai đoạn chủng ngừa thứ ba dành cho người trên 60 tuổi, giai đoạn thứ tư thuộc về người trên 18 tuổi. Cuối cùng, phụ nữ có thai, đang cho con bú và trẻ nhỏ sẽ là nhóm đối tượng cuối cùng nhận các mũi tiêm Covid-19.

Minh An

Bài mới
Đọc nhiều