+
Aa
-
like
comment

TP HCM, Bình Dương cần thêm vaccine phòng Covid-19

10/08/2021 09:27

Nếu bảo đảm nguồn vắc-xin, TP HCM sẽ nỗ lực tiêm để đạt được tỉ lệ miễn dịch cộng đồng 70%-80%, trong khi Bình Dương đề nghị chi viện 1 triệu liều vắc-xin để tiêm cho người dân, công nhân, lao động

TP HCM và Bình Dương đang là hai điểm nóng dịch Covid-19. Cùng với nỗ lực điều trị, kéo giảm ca mắc, hai địa phương này đang rất cần chi viện vắc-xin, nhất là bảo đảm nguồn vắc-xin để thực hiệm tiêm đầy đủ cho người dân trong thời gian tới.

TP HCM: Sắp cạn kho

BS Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết trong ngày 9-8, TP đã nhận 600.000 liều vắc-xin AstraZeneca, do Bộ Y tế chi viện. Số vắc-xin này được Viện Pasteur TP HCM phân bổ cho các quận, huyện, TP Thủ Đức ngay trong ngày.

Tính từ ngày 8-3 đến 12 giờ ngày 9-8, TP HCM nhận được 4.111.040 liều vắc-xin và đã tổ chức tiêm được 3.430.990 mũi tiêm; sẽ tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm 250.000 – 300.000 mũi/ngày. Với số vắc-xin còn lại là 913.204 liều đã cấp phát cho các đơn vị tiêm chủng, dự kiến đến hết ngày 12-8, TP HCM sẽ sử dụng hết số vắc-xin được cấp.

TP HCM đề xuất Bộ Y tế tiếp tục cấp vắc-xin trong tháng 8 để tiêm cho người dân với tổng số lượng 5,5 triệu liều.

Theo Sở Y tế, UBND TP HCM cũng đã có đề xuất Bộ Y tế tiếp tục cấp vắc-xin trong tháng 8 với tổng số liều là 5.500.000 (bao gồm mũi 1 và những người đủ điều kiện tiêm mũi 2) để đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng 70%-80% dân số trên 18 tuổi.

Liên quan đến công tác tiêm vắc-xin, Sở Y tế TP HCM vừa có văn bản khẩn gửi các bệnh viện trực thuộc bộ, ngành; bệnh viện công lập, ngoài công lập; phòng khám đa khoa, chuyên khoa; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, Trung tâm Y tế TP Thủ Đức và các quận huyện, yêu cầu các điểm tiêm chủng giải thích, lên lịch hẹn và chuyển tuyến cho những người buộc phải trì hoãn tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Việc này nhằm hỗ trợ người dân được tiêm vắc-xin đầy đủ, bảo đảm những người thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng được theo dõi và sắp xếp tiêm chủng khi có đủ điều kiện.

Bình Dương: Xét nghiệm đến đâu, tiêm vắc-xin đến đó

Đến nay, tỉnh Bình Dương đã tiêm 570.000 liều vắc-xin phòng Covid-19, trong đó có 420.000 liều ở tuyến tỉnh, huyện, thị và TP cho nhóm các đối tượng theo kế hoạch; khoảng 150.000 liều dành cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp và sẽ hoàn thành tiêm hết trong ngày 10-8. Tuy nhiên, trong thời gian tới, tỉnh phải tiến hành tiêm vắc-xin cho khoảng hơn 2 triệu người, trong đó ưu tiên tiêm cho công nhân, lao động làm việc trong doanh nghiệp, nhằm tránh đứt gãy trong sản xuất.

Để chủ động nguồn vắc-xin, tỉnh Bình Dương vừa có văn bản đề nghị Chính phủ phân bổ thêm 1 triệu liều. Đồng thời, UBND tỉnh Bình Dương cũng đề nghị Bộ Y tế xin tham gia chương trình tiêm thí điểm vắc-xin Nanocovax giai đoạn 3 với số lượng 200.000 liều.

Tính đến nay, tỉnh Bình Dương ghi nhận 25.244 ca mắc Covid-19. Tỉnh đã thành lập 20 khu điều trị bệnh nhân Covid-19 với 18.000 giường và đưa vào hoạt động 3 bệnh viện dã chiến quy mô hơn 10.000 giường. Ngay trong sáng 9-8, tỉnh Bình Dương đã đưa vào hoạt động Bệnh viện dã chiến số 4, quy mô 3.000 giường.

Cùng với đề nghị chi viện vắc-xin, nhằm nâng cao năng lực điều trị, nhất là điều trị các ca nặng, hạn chế tử vong xuống mức thấp nhất, UBND tỉnh Bình Dương cũng đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ thành lập thêm Bệnh viện Hồi sức cấp cứu quy mô 500 giường đặt tại Trường ĐH Miền Đông; đồng thời đề nghị chi viện hơn 1.000 y, bác sĩ, kỹ thuật viên, hỗ trợ trang thiết bị để phòng chống dịch.

Đến nay, tỉnh đã thiết lập được khu vực “vùng xanh” an toàn ở các huyện phía Bắc và khoanh “vùng đỏ” ở các TP, thị xã phía Nam. Phương châm đề ra là xét nghiệm đến đâu tiêm vắc-xin đến đó, khoanh chặt, giữ vững vùng an toàn.

TP HCM: Thêm đối tượng được ra đường từ 18 giờ đến 6 giờ

Chiều 9-8, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong vừa ký văn bản khẩn gửi các sở, ngành, UBND quận huyện và TP Thủ Đức về thời gian lưu thông của nhân viên các hệ thống phân phối hiện đại.

Theo đó, UBND TP HCM chấp thuận đề xuất của Sở Công Thương về chủ trương cho một số nhân viên của các hệ thống siêu thị, cửa hàng bình ổn, cửa hàng tiện lợi được lưu thông trên đường từ 18 giờ đến 6 giờ ngày hôm sau để chuẩn bị công tác hậu cần, sắp sếp hàng hóa và vệ sinh, khử khuẩn khu vực kinh doanh.

Trước đó, UBND TP HCM đã có chỉ đạo, yêu cầu mọi người dân trên địa bàn thành phố hạn chế tối đa ra đường, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa từ 18 giờ đến 6 giờ (hằng ngày), trừ các trường hợp: cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng chống dịch hoặc các lực lượng hỗ trợ; phóng viên, biên tập viên, kể cả nhân viên phát hành của cơ quan báo chí; lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị, xử lý sự cố về: điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật; các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch và đưa đón công nhân tại các doanh nghiệp đang thực hiện “1 cung đường – 2 điểm đến”; phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu; các cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở 12 cửa ngõ chính của TP HCM; dịch vụ vận chuyển bưu chính.

Lấy mẫu xét nghiệm toàn TP Cần Thơ

Từ ngày 9-8, TP Cần Thơ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm người dân tại 9 quận, huyện trên địa bàn với khoảng 900.000 dân. Theo kế hoạch, sẽ lập 320 đội lấy mẫu xét nghiệm.

TP Cần Thơ có 36 xã, phường, thị trấn thuộc diện nguy cơ rất cao; 10 xã, phường, thị trấn thuộc diện nguy cơ cao; 12 xã, phường, thị trấn thuộc diện nguy cơ và 25 xã, phường, thị trấn thuộc diện “bình thường mới”. Các xã, phường, thị trấn có nguy cơ cao, nguy cơ rất cao, mỗi hộ sẽ làm 1 test nhanh gộp 2 mẫu lấy ngẫu nhiên từ các thành viên trong gia đình (2 người/hộ) và xét nghiệm 3 ngày/lần/hộ. Các trường hợp test nhanh dương tính được chuyển ngay đến khu vực cách ly tạm thời, chờ kết quả khẳng định RT-PCR và chuyển đến bệnh viện điều trị. Cần Thơ đặt mục tiêu đến ngày 17-8 sẽ không phải thực hiện Chỉ thị 16 và chuyển sang trạng thái bình thường mới.

NGUYỄN THẠNH

Bài mới
Đọc nhiều