+
Aa
-
like
comment

TP.HCM bất lực với kẹt xe?

24/06/2020 07:03

Kết thúc giai đoạn 5 năm với kỳ vọng tạo nên nhiều đột phá, bức tranh giao thông TP.HCM vẫn chưa thoát khỏi những mảng màu tối trong vòng luẩn quẩn kẹt xe, hạ tầng yếu kém vì thiếu vốn.

Kẹt xe đã trở thành vấn nạn kinh niên ở TP.HCM /// ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Kẹt xe đã trở thành vấn nạn kinh niên ở TP.HCM

Sở GTVT TP.HCM vừa hoàn chỉnh dự thảo báo cáo tổng kết Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, đến cuối năm 2019, trên địa bàn TP có 12 điểm đen thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, trong đó có 4 điểm không tiếp tục xảy ra tai nạn và được Ban An toàn giao thông TP, Công an TP thống nhất xóa. 6 tháng đầu năm, TP không phát sinh thêm điểm đen nào. Như vậy, tính đến tháng 6 vừa qua, danh sách các điểm đen tai nạn chỉ còn lại 8 điểm.

Về xử lý các điểm nguy cơ ùn tắc giao thông, Sở đã lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan về việc công bố xóa đối với 6/28 điểm chuyển biến tốt và bổ sung các điểm phát sinh mới để xây dựng kế hoạch tập trung xử lý trong năm 2020. Đối với 22 điểm còn lại (chuyển tiếp từ cuối năm 2019), qua theo dõi đến tháng 6, có 7 điểm chuyển biến tốt, 11 điểm có chuyển biến nhưng còn phức tạp và 4 điểm không chuyển biến.

Kẹt xe đã thành “đặc sản”

Đáng chú ý, trong 6 điểm đã thoát danh sách điểm đen ùn tắc theo đánh giá của Sở GTVT, còn nhiều khu vực vẫn thường xuyên diễn ra tình trạng xe cộ chen chúc vào giờ cao điểm. Đơn cử, tại giao lộ Lê Văn Việt – Đình Phong Phú (Q.9), cứ tới khoảng 18 – 18 giờ 30 phút là bắt đầu kẹt xe. Không chỉ vậy, giao lộ này còn là nỗi ám ảnh của người dân sống tại khu vực vì tình trạng ngập nước. Mỗi khi trời mưa, cả đoạn đường hơn 1 km kéo dài từ đây hướng về phía ngã ba Mỹ Thạnh lại lênh láng nước, có khi ngập tới nửa bánh xe, khiến ùn tắc càng thêm trầm trọng. Tương tự, đường Hoàng Minh Giám (Q.Phú Nhuận và Q.Gò Vấp) cũng thường xuyên ùn ứ giờ cao điểm.

Sau năm 2021, giao thông TP.HCM mới có thể thoát cảnh ùn tắc? Ảnh: Đậu Tiến Đạt - Đồ họa: Hồng Sơn
Sau năm 2021, giao thông TP.HCM mới có thể thoát cảnh ùn tắc? Ảnh: Đậu Tiến Đạt – Đồ họa: Hồng Sơn

Thực tế, tình trạng xe cộ đông đúc, đường phố quá tải gần như đã trở thành “đặc sản” của TP. Nhiều trục đường trước đây thông thoáng, phương tiện chỉ đông hơn vào giờ tan tầm chiều tối như Nguyễn Đình Chiểu, Trần Quốc Thảo (Q.3), Nguyễn Thái Học (Q.1), Bến Vân Đồn (Q.4) nay cũng liên tục tắc nghẽn.

TS Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công – Trường đại học Fulbright, cho rằng do nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao, kéo dài khoảng cách so với khả năng cung ứng của hạ tầng, giao thông TP.HCM đang bùng phát tới điểm ùn tắc và chỉ cần thêm một lượng nhỏ phương tiện cũng có thể đẩy lên tới mức ùn tắc kinh khủng. Khi đã tiến đến ngưỡng này, tốc độ ùn tắc sẽ tăng rất nhanh, theo chiều dốc thẳng đứng, thêm 1 chiếc xe máy có thể đẩy mức độ ùn tắc tăng lên đến 10 lần trong thực tế, thay vì chỉ tăng 2 – 3 lần theo lý thuyết.

Với tốc độ làm đường hiện tại, cần 150 năm

Theo đánh giá của Sở GTVT TP.HCM, một trong những nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông là quỹ đất dành cho giao thông trên địa bàn TP quá thấp. Cụ thể, tổng chiều dài các tuyến đường của TP khoảng 4.205,8 km, đạt mật độ 2 km/km2 (theo quy hoạch là 10 – 13,3 km/km2). Đất dành cho giao thông khoảng 7.987 ha (quy hoạch là 22.305 ha). Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 8,73% (quy hoạch là 22,3%). Các chỉ tiêu này đều thấp hơn so với các TP tương đồng, đang phát triển như Bangkok, Đài Bắc, Singapore… Chưa kể, hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu chủ yếu do lịch sử để lại, nhiều tuyến đường đã xuống cấp nghiêm trọng.

Với tốc độ làm đường như vừa qua thì cần tới 150 năm mới đủ

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân

Quy hoạch giao thông TP.HCM đề cập đến đầy đủ mạng lưới đường xuyên tâm, đường cao tốc, đường trên cao, đường sắt đô thị nhưng suốt nhiều thập niên qua, các dự án này phần lớn vẫn giậm chân tại chỗ.

Trong buổi gặp mặt cán bộ cao cấp quân đội nghỉ hưu sinh sống tại TP.HCM cuối năm 2019, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá giao thông là vấn đề khó giải quyết nhất đối với TP.HCM hiện nay. “Với tốc độ làm đường như vừa qua thì cần tới 150 năm mới đủ”, ông Nhân nhận định.

Kỳ vọng phép màu giao thông công cộng

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, thừa nhận kết thúc 5 năm triển khai chương trình đột phá, phát triển hạ tầng và giao thông công cộng TP.HCM là 2 nhiệm vụ lớn mà ngành giao thông TP vẫn chưa thực hiện tốt đủ đáp ứng nhu cầu của người dân và xứng tầm với 1 TP có mật độ dân số lớn nhất cả nước như TP.HCM. “Sở GTVT đang gấp rút hoàn thiện đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng xe cá nhân” trước khi trình UBND TP thông qua. Đề án dự kiến bao gồm 36 giải pháp được sắp xếp thành 3 nhóm, theo thứ tự ưu tiên kèm theo trách nhiệm của các cơ quan và nguồn lực thực hiện, được kỳ vọng sẽ cải thiện bức tranh giao thông của TP thông qua các biện pháp kéo – đẩy nhằm hạn chế xe cá nhân, thúc đẩy giao thông công cộng phát triển”, ông Lâm cho hay.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban QLDA), đơn vị đang nắm rất nhiều dự án giao thông lớn của TP, cũng thông tin theo lộ trình mà Ban QLDA đã xây dựng, giai đoạn 2021 – 2025 được coi là thời kỳ của hạ tầng giao thông khi một loạt dự án lớn có hẹn khởi công và về đích. Ông Phúc đánh giá hệ thống giao thông công cộng chính là lời giải mấu chốt cho bài toán giao thông của TP.HCM. Do đó, bên cạnh hệ thống metro, 1 trong 8 nhóm nhiệm vụ của đơn vị này đặt ra trong giai đoạn 2021 – 2025 là xây dựng được 6 tuyến buýt nhanh BRT và phát triển hoạt động của mạng lưới 150 tuyến xe buýt truyền thống. Các tuyến buýt BRT đã được nghiên cứu cho phù hợp với đặc điểm giao thông, đô thị của TP.HCM trên cơ sở rút kinh nghiệm từ tuyến BRT của Hà Nội. Trong đó, tuyến số 1 (Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ) dự kiến có thể được triển khai ngay trong năm sau.

Liên kết giao thông khu vực: thiếu và khó khăn

Theo Sở GTVT TP.HCM, sự liên kết giữa hệ thống giao thông đô thị TP với hệ thống giao thông các vùng lân cận trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam còn thiếu và gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, mạng lưới đường còn thiếu, hạn chế năng lực lưu thông; đường Vành đai 2 chưa khép kín, các tuyến quốc lộ 1, 13, 22, 50 chưa được đầu tư mở rộng theo quy hoạch, đường Vành đai 3, 4, hệ thống đường cao tốc hướng tâm (TP.HCM – Mộc Bài, TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, Biên Hòa) chưa được đầu tư nên một lượng lớn phương tiện giao thông quá cảnh vẫn lưu thông trung tâm TP, gây quá tải cho hệ thống giao thông hiện hữu, cản trở lưu thông kết nối giữa TP.HCM với các tỉnh cũng như giữa các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Hà Mai/TNO

Bài mới
Đọc nhiều