Tốt nghiệp ĐH chạy Grab và câu chuyện học nghề sơn ô tô lương tháng 20 triệu
Không thể phủ nhận việc học đại học là con đường dẫn đến thành công trong sự nghiệp của nhiều người nhưng đại học không phải con đường duy nhất, có nhiều con đường khác để trưởng thành, để kiếm tiền và lập nghiệp.
Ngồi nhâm nhi cốc trà đá bên vỉa hè, Thắng – một sinh viên tốt nghiệp Đại học Văn hóa Hà Nội nhanh tay chạm vào màn hình cảm ứng điện thoại, nhận cuốc xe Grab Bike với mức giá là 25 nghìn đồng.
“Em chạy Grab cho vui và giết thời gian sau 2 năm tốt nghiệp đại học mà chưa xin được việc, bạn bè em chạy Grab nhiều lắm”, cậu sinh viên này cho biết.
Thắng cũng chỉ là một đốm nhỏ trong đám đông đồng phục màu xanh lá cây đã trở nên phổ biến trên đường phố Hà Nội.
Vừa lái xe, Thắng vừa tâm sự: “Có lẽ cái sai lớn nhất của em là cứ cố học bằng được đại học. Năm 2012, đại học với một thằng học sinh nhà quê như em là cái gì đó hoành tráng lắm. Vì thế, sau khi trượt nguyện vọng 1 tại trường Đại học Sư phạm em đã học nguyện vọng 2 ngành “Gia đình học” của trường khác.
Hồi ấy em nào có biết học ngành đó sau này ra sẽ làm cái gì, chỉ suy nghĩ đơn giản, đi học đại học, làm sinh viên là thích rồi. Năm 2017 em tốt nghiệp nhưng lang thang khắp nơi xin việc với mức lương khởi điểm chưa đầy 3 triệu.
Chán nản, rong ruổi khắp nơi, sau 2 năm và giờ em quyết định chạy Grab, chịu khó thì thu nhập 1 tháng cũng được tầm 8 triệu. Nếu được chọn lại em sẽ không học đại học mà đi học nghề. Bạn bè em nhiều đứa học ngày ấy chọn học nghề và giờ thành đạt lắm”.
Chắc rằng, không chỉ mình Thắng mà còn rất nhiều sinh viên khác cũng đi cùng vết xe đổ vì không được định hướng nghề nghiệp, vì “cố đấm ăn xôi” nên sau vài năm học đại học vừa tốn tiền và nhận lại là một tấm bằng đại học không giúp gì được cho tương lai.
Anh Hoàng Đức Anh (chủ gara ô tô Đức Phát – TP. Thái Bình cho hay): “Nếu ta so sánh, việc sửa chữa động cơ và việc sơn xe ô tô thì có thể thấy, các động cơ ngày nay hầu như được điều khiển bằng điện tử cùng với đó mỗi năm công nghệ của động cơ lại thay đổi. Chính vì thế người thợ máy phải luôn cập nhật thông tin về công nghệ mới này.
Ngược lại, công nghệ sơn ô tô hầu như không thay đổi qua nhiều năm. Đó là chưa kể hiện nay số lượng ôtô trong nước tăng nhanh khiến ngành này rất “khát” nhân lực, nhất là những kỹ thuật viên lành nghề, kỹ thuật cao. Trong đó nhu cầu tuyển dụng thợ sửa chữa thân và sơn xe (còn gọi là sửa chữa đồng sơn) của doanh nghiệp luôn thiếu.
Theo tìm hiểu của tôi, các doanh nghiệp về dịch vụ ô tô đang cần tuyển rất nhiều nhân lực lĩnh vực sơn sửa ô tô, tuy nhiên nghề này vẫn chưa có tên trong danh mục các ngành nghề đào tạo nên hiện nay một số trường mở những khóa đào tạo ngắn hạn và học viên học xong đều có công việc ngay. Chưa kể tay nghề cao còn có mức thu nhập từ 20- 25 triệu đồng/tháng mà còn không kiếm được thợ.
Có thể hiện nay nhiều người quay lưng với nghề này vì nghề sơn độc hại nhưng tôi nghĩ nếu bạn thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và tuân thủ an toàn lao động thì không vấn đề gì.
Trong thời buổi kinh tế khó khăn, thất nghiệp nhiều như hiện nay thì việc chọn ngành nghề là rất quan trọng. Học một nghề rất tốn kém và mất nhiều thời gian, nhưng khi xin việc lại khó khăn, có khi thất nghiệp…thì đó mới là nghề “độc hại””.
(Theo Infonet)