+
Aa
-
like
comment

Top 5 siêu cường quân sự thế giới 2021

25/02/2021 18:19

Ấn bản Global Firepower mới đây đã đưa ra bảng xếp hạng truyền thống về các đội quân mạnh nhất trên thế giới.

Hơn 50 yếu tố riêng lẻ được xem xét trong nghiên cứu này. Chúng không chỉ bao gồm sức mạnh quân sự mà còn bao gồm quy mô ngân sách quốc phòng, hậu cần và vị trí địa lý.
Công thức độc đáo cho phép các nước nhỏ nhưng có công nghệ tiên tiến cạnh tranh với các nước lớn nhưng kém phát triển hơn. Dưới đây là bảng xếp hạng 5 cường quốc quân sự hàng đầu.
Vị trí đầu tiên từ năm này qua năm khác do Mỹ chiếm giữ. Một ngân sách quân sự khổng lồ, số lượng lớn quân nhân và cũng là một nguồn dự trữ đáng kể cho phép họ vượt lên trước mọi đối thủ.
Ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ có thể sản xuất những thiết bị quân sự hiện đại nhất thế giới, họ dẫn đầu về máy bay quân sự, có số lượng tàu sân bay hoạt động lớn nhất và khả năng tấn công toàn cầu dựa trên khái niệm sử dụng các nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm vượt trội.
Đây không phải là lần đầu tiên Nga đứng thứ hai trong bảng xếp hạng. Moskva đang khôi phục tiềm lực quân sự sau cuộc khủng hoảng thời hậu Xô Viết và đang triển khai nhiều dự án hiện đại hóa lực lượng không quân cũng như hải quân.
Kết quả của công việc này có thể nhìn thấy vào năm 2021, Nga hiện có một thế hệ tàu ngầm mới trang bị tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo chiến lược.
Điều này cho phép họ thu hẹp khoảng cách với đối thủ Mỹ. Sức mạnh ngày càng tăng của các tàu hộ tống và tàu cỡ nhỏ khác của Nga cho thấy tăng cường khả năng phòng thủ ven biển đang được đặc biệt chú trọng.
Đồng thời, Nga vẫn vượt Mỹ về mọi hạng mục vũ khí mặt đất, ngoại trừ xe bọc thép. Không quân Nga rõ ràng kém Mỹ, tuy nhiên tiêm kích Su-57 được thiết kế để giành được ưu thế trên không cho thấy khoảng cách đang được rút ngắn.
Tiếp theo là Trung Quốc, mặc dù thua xa Nga và Mỹ, nhưng họ vẫn tiếp tục đầu tư dài hạn và hữu hình trong tất cả các lĩnh vực quân sự. Với ngân sách quân sự lớn thứ hai và quy mô dân số lớn nhất, Bắc Kinh đang chứng tỏ khả năng bùng nổ trong một thời gian ngắn.
Nguồn nguyên liệu thô đáng kể sẽ cho phép họ thực hiện một số chương trình đầy tham vọng trong lĩnh vực sản xuất và mua sắm vũ khí trong những thập kỷ tới – từ việc tạo ra các nhóm tấn công tàu sân bay cho đến sản xuất một đội máy bay ném bom và máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu.
Mặc dù có ngân sách quốc phòng tương đối nhỏ và không có ngành công nghiệp quân sự sánh ngang với 3 cường quốc hàng đầu thế giới, nhưng tiềm lực quân sự của Ấn Độ dựa trên nguồn nhân lực khổng lồ và số lượng quân dự bị ấn tượng không kém.
Ấn Độ có số lượng xe tăng đông đảo mặc dù hơi lạc hậu, cũng như lực lượng phòng thủ bờ biển ấn tượng và pháo binh dự trữ vững chắc.
Hiện tại New Delhi vẫn là nhà nhập khẩu thiết bị quân sự, nhưng gần đây họ đã thực hiện các bước để tạo ra một ngành công nghiệp quốc phòng độc lập hơn. Chủ yếu thông qua những giao dịch sản xuất và chuyển giao công nghệ được cấp phép.
Nhật Bản đã qua mặt Pháp để lần đầu tiên đứng ở vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng siêu cường quân sự vào năm 2020. Lý do cho điều này là sự giàu có, ngân sách quốc phòng tương đối lớn và cơ sở hạ tầng ấn tượng.
Mặc dù Nhật Bản có một lực lượng không quân và hải quân rất mạnh, nhưng xếp hạng toàn cầu của nước này không quá cao do lực lượng mặt đất tương đối nhỏ.

Global Firepower

Bài mới
Đọc nhiều