+
Aa
-
like
comment

Tonga khuyến cáo người dân ở yên trong nhà

19/01/2022 14:17

Người dân Tonga được khuyến cáo ở yên trong nhà sau thảm họa núi lửa phun trào hôm 15/1, gây ra sóng thần dữ dội và bao phủ các hòn đảo ở Thái Bình Dương trong một lớp tro bụi.

Khi vụ phun trào núi lửa “nghìn năm có một” xảy ra ở Tonga, nhiều người dân trong khu vực bị ảnh hưởng đã được yêu cầu sơ tán lên cao để đảm bảo an toàn. Giờ đây, ưu tiên hàng đầu của những người này là tìm nơi trú ẩn, đảm bảo nguồn nước sạch và thoát khỏi lớp bụi núi lửa dày đặc.

Những hình ảnh đầu tiên ghi nhận tại Tonga sau khi thảm họa kép xảy ra cho thấy đất đai và cây cối ở nhiều khu vực đã phủ đầy tro bụi.

Vụ phun trào đã giải phóng các luồng khí, khói và những mảnh vỡ bề mặt từ núi lửa lên bầu trời ở độ cao 20 km. Theo BBC, núi lửa ở Tonga nhiều khả năng sẽ tiếp tục phun trào trong thời gian tới.

Nhiều khu vực ở Tonga bị phủ một lớp tro bụi từ đợt phun trào của núi lửa hôm 15/1. Ảnh: Lực lượng Phòng vệ New Zealand.

Bụi phủ Tonga

Người dân trong các vùng bị ảnh hưởng ở Tonga đã được khuyến cáo uống nước đóng chai và đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà để tránh hít phải tro thoát ra từ vụ phun trào núi lửa.

Tonga đang bị cô lập với thế giới khi đường dây liên lạc với các đảo chịu ảnh hưởng hiện đã bị đứt, gây khó khăn cho việc viện trợ. Tình trạng cô lập dự kiến kéo dài ít nhất 2 tuần nữa. Một số quốc gia đang cố gắng chuyển nước sạch và nhu yếu phẩm đến Tonga bằng đường hàng không song vẫn chưa thể hạ cánh.

Mặc dù một số hòn đảo không chịu ảnh hưởng từ đợt phun trào núi lửa, hình ảnh từ vệ tinh và các chuyến bay giám sát cho thấy phần lớn các đảo còn lại ở Tonga đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ thảm họa kép núi lửa và sóng thần.

Ngày 18/1, giới chức Tonga cho biết toàn bộ nhà cửa tại đảo Mango, nơi sinh sống của khoảng 50 người, đã bị phá hủy. Trên đảo Fonoifua hiện chỉ còn lại hai ngôi nhà.

“Tồn tại những mối lo ngại về sức khỏe khi mọi người hít phải (tro bụi), đặc biệt là khi Tonga đang trải qua giai đoạn dọn dẹp hậu quả từ thảm họa”, Curtis Tu’ihalangingie, Phó trưởng cơ quan đại diện của Tonga tại Australia, nói với BBC.

“Khoảng 200 tình nguyện viên đã có mặt để dọn dẹp đường băng sân bay. Chúng tôi buộc phải làm việc này dẫu biết rằng tro bụi mà mọi người đang hít phải có thể gây ra hậu quả nguy hiểm và lâu dài”, ông Tu’ihalangingie nói.

“Tro bụi trên mặt đất không nguy hiểm nhưng mọi người có thể hít phải tro bụi lẫn trong không khí”, phó giáo sư Carol Stewart thuộc Đại học Massey cho biết. “Các hạt rất mịn có thể đi sâu vào phổi và gây ra triệu chứng hen suyễn nghiêm trọng trong thời gian ngắn. Các hạt lớn hơn kích ứng mũi và đường hô hấp, gây ho và đau rát họng”.

Các hạt tro mới thoát ra từ núi lửa thường chứa lớp phủ bề mặt có tính axit. Nếu các hạt tro này dính vào mắt, chúng có thể gây trầy xước, tổn thương và nhiều khả năng kích ứng da, theo BBC.

Cảng chính ở Nuku’alofa, Tonga bị bao phủ bởi tro bụi sau đợt phun trào núi lửa. Ảnh: Maxar Technologies.

Các hiểm họa y tế từ thảm họa kép

Giới quan sát lo ngại rằng những người trong vùng bị ảnh hưởng có thể không được tiếp cận với nguồn nước sạch. Điều này xuất phát từ việc sóng thần làm nước bị nhiễm mặn, đồng thời tro bụi thoát ra từ núi lửa khiến nguồn nước ở nhiều nơi không còn an toàn để uống.

Một số nhân viên cứu trợ của Hội Chữ thập Đỏ có mặt tại hiện trường song họ đã mất liên lạc trong nhiều ngày. Khả năng liên lạc qua điện thoại và Internet giữa Tonga với thế giới vẫn rất hạn chế, đồng nghĩa với việc tình hình ở một số khu vực vẫn chưa được xác định.

Điện thoại vệ tinh, một loại thiết bị dùng để liên lạc ở những nơi không phủ sóng điện thoại di động, cũng không thể hoạt động tại Tonga do ảnh hưởng của đám mây tro bụi núi lửa, đồng thời tuyến cáp thông tin liên lạc chính dưới biển của Tonga cũng bị đứt do đợt sóng thần cao 15 m.

“Lần cuối chúng tôi nói chuyện với đồng nghiệp (ở Tonga) là vào ngày 15/1. Điều này khiến chúng tôi lo lắng”, một phát ngôn viên Hội Chữ thập Đỏ nói. “Họ (nhân viên cứu trợ) được đào tạo để giúp đỡ người dân và họ sẽ làm đúng nhiệm vụ của mình, nhưng chúng tôi vẫn chưa nắm được nhu cầu của 100.000 cư dân sống ở Tonga”.

Các đội cứu trợ sẽ tổ chức sơ tán và phân phát đồ tiếp tế có sẵn trên các đảo. “Chúng tôi có đủ nguồn lực để hỗ trợ 1.200 gia đình ở Tonga, nhưng có thể nhiều người khác vẫn sẽ cần giúp đỡ”, phát ngôn viên nói trên cho biết thêm.

Đồ tiếp tế sẽ bao gồm các vật dụng cần thiết như bạt, chăn, đồ dùng nhà bếp, dụng cụ vệ sinh và viên lọc nước. Ưu tiên hàng đầu tại Tonga hiện nay là dọn sạch các mảnh vỡ và khôi phục những khu vực bị tàn phá. Quá trình này đòi hỏi thời gian và những người tham gia thu dọn sẽ cần được bảo vệ.

Nhà cửa ở Tonga cũng bị phủ bụi từ đợt phun trào núi lửa. Ảnh: AFP.

Các tàu từ Australia và New Zealand sẽ phối hợp giúp bơm nước ra khỏi Tonga, vốn là hậu quả từ đợt sóng thần. Các vũng nước đọng có thể là nơi sinh sôi của nguồn bệnh như dịch tả.

Đợt núi lửa phun trào và sóng thần đồng thời làm dấy lên mối lo về khả năng bùng phát dịch Covid-19 trên các đảo ở Tonga. Trước đó, quốc gia này cơ bản đã tránh được sự ảnh hưởng của SARS-CoV-2.

Hầu hết người dân ở Tonga đều làm nông nghiệp. Do đó, sự tàn phá lâu dài của thảm họa kép đối với đời sống và sinh kế của người dân trên các đảo là thực sự tàn khốc và khó đo lường.

Khai Tâm

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều