Tổng thư ký Quốc hội lên tiếng về việc Tân Hoàng Minh ‘bỏ cọc’ lô đất tỷ đô
Chiều muộn ngày 11/1, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã có những trao đổi với PV về việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh xin đơn phương rút khỏi hợp đồng mua đất Thủ Thiêm.
Vụ đấu giá đất Thủ Thiêm: Tân Hoàng Minh bỏ cọc mất tiền là bình thường
Tại buổi họp báo, ông Bùi Văn Cường đã chia sẻ quan điểm trước câu hỏi của PV liên quan đến việc nhiều ý kiến cho rằng, việc Tân Hoàng Minh trúng đấu giá đất với mức giá kỷ lục 2,4 tỷ /m2 tại Thủ Thiêm là bất thường, thậm chí đấu giá đất Thủ Thiêm là điển hình làm nhiễu loạn thị trường – như lời Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Theo ông Bùi Văn Cường cho biết, việc tổ chức đấu giá công khai chúng ta đang làm rất minh bạch, nếu như quá trình thực hiện đúng quy định pháp, cơ quan tổ chức đấu giá đúng quy định pháp luật, thì đó là giao dịch dân sự bình thường.
“Thông tin tôi chưa nhận được, nhưng nếu Tân Hoàng Minh rút lui thì sẽ mất cọc, nhưng đây cũng là hoạt động rất là bình thường. Bởi quá trình thực hiện đấu giá cũng giống như chúng ta thực hiện các giao dịch mua bán bất động sản, nếu thích mảnh đất này thì có thể mua cao, không thích có khi cho cũng không mua. Chúng ta không thấy có vấn đề gì nghiêm trọng cả nếu nhìn góc độ chung, sau này cơ quan quản lý họ xem xét”, ông Cường nhấn mạnh.
Trước đó, tại phiên thảo luận tại tổ chiều 4/1 về gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc nêu quan điểm cho rằng, đấu giá đất Thủ Thiêm là một điển hình đối với việc làm nhiễu loạn thị trường.
Trước câu hỏi của PV về dấu hiệu nhiễu loạn thị trường của vụ đấu giá đất Thủ Thiêm bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói thêm: Thị trường hiện nay đang giao dịch với mức giá như thế này, trong khi giá của “anh” đưa ra tăng gấp 3, 4 thậm chí nhiều lần rõ ràng là vấn đề bất thường. Còn bất thường như thế nào phải chờ thanh tra kiểm tra mới rõ.
Chưa tăng thuế chứng khoán, bất động sản là có cơ sở
Liên quan đến thuế bất động sản và chứng khoán, tại Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu phương án tăng thuế đối với giao dịch chứng khoán, bất động sản, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Trong khi đó, tại kỳ họp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, cơ quan nêu rõ trong bối cảnh hiện nay, việc tăng thuế suất đối với các giao dịch, nhất là giao dịch chứng khoán, bất động sản… cần phải nghiên cứu thận trọng trước khi áp dụng, để giảm thiểu ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển của thị trường.
Lý giải thêm về vấn đề này, tại cuộc họp báo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang thông tin, các bộ chuyên môn giải thích lý do chưa tăng thuế chứng khoán, bất động sản là hợp lý, chưa có đủ cơ sở để trình tăng thuế tại kỳ họp này.
Tuy nhiên, đề án xây dựng pháp luật cho nhiệm kỳ này đã giao cho các cơ quan liên quan nghiên cứu lộ trình cụ thể hoàn thiện các đạo luật về thuế. Để ban hành chính sách nói chung cũng như chính sách thuế cần tổng kết, đánh giá tác động kỹ càng.
Đồng tình, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho rằng, chính sách thuế cần nghiên cứu thận trọng nhất là chính sách liên quan đến thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Theo ông Toàn, việc giao Chính phủ nghiên cứu là bước thận trọng cần thiết của Quốc hội, nếu xem xét nếu tác động không thuận thì không quyết ngay, khi nào đủ điều kiện thì quyết.
“Những chính sách quan trọng như tăng thuế với giao dịch chứng khoán hay bất động sản thì rất cần lắng nghe từ cơ quan trình, cơ quan thẩm tra, đối tượng chịu sự tác động. Nếu chỉ lắng nghe một phía thì chưa toàn diện, nhất là thị trường chứng khoán có số lượng các nhà đầu tư lớn, chừng nào chưa có đánh giá tác động rõ ràng thì chưa xem xét, điều đó thể hiện sự thận trọng cần thiết của Quốc hội”, ông Toàn nhấn mạnh.
Trọng Anh