Tổng thống Ukraine ký sắc lệnh huy động quân dự bị
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chưa kêu gọi tổng động viên nhưng đã ký sắc lệnh huy động lực lượng dự bị trong bối cảnh căng thẳng với Nga không ngừng leo thang.
Hãng thông tấn Reuters đưa tin, Ukraine hôm nay đã bắt đầu gọi nhập ngũ những người thuộc lực lượng dự bị trong độ tuổi từ 18 – 60 theo sắc lệnh của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy.
Quân đội Ukraine cho biết, thời hạn phục vụ tối đa là một năm.
Trước đó, hôm thứ Ba Tổng thống Ukraine Zelensky cũng đã thông báo các đơn vị dự bị sẽ được triệu tập để thực hiện huấn luyện quân sự nhưng cho biết sẽ không có cuộc tổng động viên toàn bộ lực lượng vũ trang của nước này.
Trong một diễn biến liên quan khác, chính phủ Ukraine đã kêu gọi công dân của mình rời khỏi Nga, đồng thời áp đặt các lệnh trừng phạt đối với hàng trăm người Nga.
Theo Al Jazeera, Bộ Ngoại giao Ukraine đã khuyến cáo công dân nước này không thực hiện bất kỳ chuyến đi nào đến Nga và kêu gọi những người đã ở đó nên rời đi “ngay lập tức”.
Cảnh báo trên được đưa ra sau khi Quốc hội Ukraine thông qua việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 351 người Nga, trong đó có cả các nhà lập pháp ủng hộ động thái của Tổng thống Vladimir Putin công nhận độc lập của hai nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk tự xưng ở miền Đông Ukraine.
Mỹ thêm vũ khí cho Ukraine, Canada đưa quân đến sát biên giới Nga
Theo đài Sky News, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 22-2, Tổng thống Biden nhấn mạnh: “Đáp lại sự thừa nhận của Nga rằng họ sẽ không rút lực lượng khỏi Belarus, tôi đã ủy quyền lực lượng và thiết bị quân sự Mỹ ở châu Âu tăng cường cho các đồng minh Baltic của chúng tôi – Estonia, Latvia và Lithuania. Đây hoàn toàn là động thái phòng thủ. Chúng tôi không định chiến đấu với Nga”.
Ông chủ Nhà Trắng nói thêm: “Chúng tôi muốn gửi một thông điệp không thể nhầm lẫn rằng Mỹ và các đồng minh sẽ bảo vệ từng tấc đất của NATO và tuân thủ các cam kết giúp hình thành NATO”.
Lầu Năm Góc cho biết họ sẽ tái bố trí 800 binh sĩ từ Ý đến vùng Baltic và 8 tiêm kích F-35 từ Đức đến một số địa điểm dọc sườn phía Đông NATO. Khoảng 20 trực thăng tấn công AH-64 đã được chuyển từ Đức đến vùng Baltic và 12 chiếc khác từ Hy Lạp đến Ba Lan. Động thái trên sẽ luân chuyển hơn 90.000 binh sĩ Mỹ đóng tạm thời hoặc vĩnh viễn ở châu Âu.
Tổng thống Biden cũng xác nhận Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí phòng thủ cho Ukraine để chống lại một cuộc tấn công tiềm tàng của Nga.
Cùng ngày 22-2, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken thông báo ông đã hủy bỏ cuộc họp tại Geneva cuối tuần này với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov. “Hiện tại, cuộc tấn công của Nga đã bắt đầu. Cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov không còn ý nghĩa nữa” – ông Blinken nói.
Ngoại trưởng Mỹ cho biết thêm Washington sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Moscow nếu họ gia tăng hoạt động quân sự đối với nước láng giềng.
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden cũng không dự định tổ chức một cuộc họp với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào thời điểm này. Hai nhà lãnh đạo Mỹ – Nga dự kiến thảo luận vào cuối tuần này nhưng sau khi Moscow công nhận độc lập của 2 vùng ly khai ở Ukraine, mọi thứ dường như bị hủy bỏ.
Trong khi đó, phát biểu sau một cuộc họp tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho rằng vẫn có thể “kiềm hãm” Tổng thống Putin nếu duy trì được áp lực đối với ông.
“Những làn sóng trừng phạt Nga có thể ngăn chặn họ tấn công Ukraine nếu chúng tiếp tục được duy trì” – ông Kuleba lập luận.
Canada đang thúc đẩy sự hiện diện quân sự tại biên giới Nga, theo đài RT ngày 22-2. Khoảng 460 thành viên Lực lượng Vũ trang Canada sẽ đến Latvia – nơi có biên giới với Nga – để kết hợp với 540 binh sĩ Canada đóng quân ở đó.
Một tàu khu trục của Hải quân Hoàng gia Canada cũng đang hướng đến khu vực này kèm theo một hoặc nhiều máy bay do thám CP-140 Aurora.
Minh Tuấn