+
Aa
-
like
comment

Tổng thống Trump có thể bị chính phe Cộng hòa hạ bệ?

04/10/2019 07:14

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bị Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát điều tra luận tội, nhiều người đinh ninh rằng Thượng viện do phe Cộng hòa làm chủ sẽ bảo vệ tổng thống tới cùng. 

Khả năng Tổng thống Trump bị quay lưng

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump vướng vào cuộc điều tra luận tội. Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, theo một bài phân tích trên kênh CNN, vẫn có khả năng chính phe Cộng hòa sẽ “tiễn” Tổng thống Trump ra khỏi Nhà Trắng. Theo nhà báo Chris Cillizza, khả năng này liên quan tới các tính toán số phiếu.

Thượng viện Mỹ khóa này có 53 Thượng nghị sĩ Cộng hòa, 45 Thượng nghị sĩ Dân chủ và 2 Thượng nghị sĩ độc lập có thiên hướng ủng hộ phe Dân chủ. Để Thượng viện nhất trí phế truất Tổng thống Trump, cần một đa số áp đảo thượng nghị sĩ tán thành (67 phiếu), tức là cần số phiếu của toàn bộ 45 Thượng nghị sĩ Dân chủ và ủng hộ Dân chủ cùng với 20 Thượng nghị sĩ Cộng hòa nữa quay lưng lại với ông Trump. Điều này là khó xảy ra.

Tuy nhiên, không nên loại bỏ bất kỳ kịch bản nào trên chính trường Mỹ hiện nay. Chính trị, đặc biệt là trong thời đại mạng xã hội, luôn thay đổi nhanh và không thể đoán trước điều gì.

Mới cách đây hai tuần, thời điểm trước khi có một nhân vật trong cộng đồng tình báo tố cáo Tổng thống Trump, mấy ai đặt cược vào khả năng Hạ viện sẽ chính thức mở điều tra luận tội.

Khả năng không ngờ đó không phải là do chính trường Mỹ không thể đoán trước. Đó là do chính phe Cộng hòa đang ở tình thế nguy hiểm, có thể mất thế đa số tại Thượng viện sau cuộc bầu cử lần tới vào tháng 11/2020. Có 23 Thượng nghị sĩ Cộng hòa sắp phải tham gia tái tranh cử vào tháng 11 năm sau, trong khi phe Dân chủ chỉ có 12 Thượng nghị sĩ.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo phe Cộng hòa đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell (trái) và Tổng thống Donald Trump.

Trong số 23 Thượng nghị sĩ Cộng hòa nói trên, chỉ có hai người là bà Susan Collins ở bang Maine và ông Cory Gardner ở bang Colorado nắm giữ ghế ở nơi mà bà Hillary Clinton giành chiến thắng năm 2016. Còn lại một loạt Thượng nghị sĩ Cộng hòa sẽ tranh cử trong thế bấp bênh tại những bang ông Trump từng thắng với những cách biệt một con số: như Arizona, Georgia, Iowa… Do đó, chỉ cần một thay đổi nhỏ trong môi trường chính trị liên quan tới luận tội, các Thượng nghị sĩ này sẽ rơi vào tình huống xấu.

Trong khi đó, khảo sát dư luận của CNN công bố ngày 30/9 và nhiều khảo sát khác cho thấy người dân ngày càng ủng hộ luận tội ông Trump từ khi vụ bê bối liên quan cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine bùng phát.

Điều đó có nghĩa là khi điều tra luận tội đi theo diễn biến xấu hơn với Tổng thống Trump, tất cả những Thượng nghị sĩ Cộng hòa mà chiếc ghế đang bị đe dọa nhất có thể quay lưng lại với ông Trump để cứu vãn sự nghiệp chính trị của chính mình.

Dù điều này có thể khó xảy ra nhưng chỉ cần 5 thượng nghị sĩ Cộng hòa có ý định bỏ phiếu loại bỏ ông Trump thì các nhân tố thực dụng trong đảng (như Lisa Murkowski (Alaska), Roy Blunt (Missouri), Marco Rubio (Florida), Ben Sasse (Nebraska), Mitt Romney (Utah)…) sẽ nhận ra thế yếu của Tổng thống Trump và chớp cơ hội lật đổ ông. Cần lưu ý là có rất nhiều thượng nghị sĩ Cộng hòa tránh bình luận về ông Trump và Ukraine thời gian gần đây.

Câu hỏi ở đây là đâu là điểm bước ngoặt khiến tất cả đồng minh ở Thượng viện của ông Trump (trừ những người trung thành nhất) sẵn sàng chống lại ông. Hiện giờ khó mà hình dung về bước ngoặt đó là gì, đặc biệt là khi phe Cộng hòa đang bảo vệ Tổng thống Trump mọi lúc mọi nơi trong ba năm đầu nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, chính trị lúc nào cũng có bước ngoặt. Đó là thời điểm điều không thể xảy ra trước đây nay trở thành điều không thể tránh khỏi.

Phản ứng của Tổng thống Trump 

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump coi điều tra luận tội là âm mưu đảo chính.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục phản ứng tức giận với cuộc điều tra luận tội do Hạ viện thực hiện nhằm vào ông.

Theo tờ Politico, Tổng thống Trump dường như lúc nào cũng ở tư thế chiến đấu. Ông đã chỉ trích các điều tra viên Dân chủ, tranh cãi với phóng viên, coi cuộc điều tra luận tội và các nỗ lực giám sát là “nhảm nhí”.

Ông đã bỏ ra hàng giờ để lên mạng xã hội công kích đối thủ. Ông viết trên Twitter sáng 2/10: “Phe Dân chủ Không Làm Gì cần tập trung xây dựng đất nước, đừng lãng phí thời gian và công sức của mọi người vào ĐIỀU NHẢM NHÍ”.

Chiến thuật tấn công mới của Tổng thống Trump đã ảnh hưởng tới chuyến thăm Nhà Trắng của Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto. Trong cuộc gặp, ông Trump đã cáo buộc Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff giúp nhân vật trong cộng đồng tình báo viết đơn tố cáo ông. Ông chỉ trích một phóng viên là thô lỗ khi hỏi những câu hỏi về cáo buộc trên trong họp báo.

Chú thích ảnh
Ông Adam Schiff bị công kích dữ dội.

Thậm chí, ông Trump còn coi ông Schiff là “đồi bại”, có thể bị cáo buộc tội phản quốc. Phát biểu trước phóng viên trong Phòng Bầu dục bên cạnh Tổng thống Phần Lan, ông Trump nói về ông Schiff: “Ông ta là gã không trung thực, kẻ đã chỉ trích một trong những ngoại trưởng vĩ đại nhất, người đáng kính nhất, Mike Pompeo”.

Trước đó, Tổng thống Trump đã gọi cuộc điều tra luận tội ông là nỗ lực đảo chính, coi phe Dân chủ đang âm mưu thực hiện một “trò chơi khăm” và khẳng định điều tra luận tội là một mưu đồ.

Khi bị phóng viên liên tục đeo bám, đề nghị trả lời câu hỏi, ông Trump đã nói: “Tất cả là trò chơi khăm. Anh biết ai đang chơi trò này không? Những người như các anh và truyền thông tin giả ở đất nước này. Tôi nói nhiều lần rằng truyền thông tham nhũng vì các anh tham nhũng. Phần lớn truyền thông ở nước này không chỉ giả dối mà còn tham nhũng. Cũng có những người rất tốt, những nhà báo tuyệt vời. Nhưng đa số đều tham nhũng và giả dối”.

Thùy Dương / Tin tức

Bài mới
Đọc nhiều