Tổng thống Thụy Sĩ rất mong được tiếp Chủ tịch nước
Phó đại sứ Thụy Sĩ Nichole Wyrsch cho biết Tổng thống Guy Parmelin rất mong được đón tiếp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến thăm nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao hai nước và mong muốn quan hệ hợp tác giữa hai nước liên tục phát triển và đạt nhiều thành tựu lớn.
“Kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao là thời khắc quan trọng đối với cả hai quốc gia. Thành tựu mà Việt Nam và Thụy Sĩ đạt được trong nửa thế kỷ qua đã khẳng định sức mạnh của quan hệ đối tác này, cũng như niềm tin và cam kết với tương lai”, Phó đại sứ Wyrsch nói với Zing.
Những viên gạch đầu tiên từ thế kỷ 19
– Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chọn Thụy Sĩ là một trong hai quốc gia dừng chân trong chuyến công tác nước ngoài đầu tiên tới châu Âu sau khi nhậm chức. Điều này có ý nghĩa như thế nào?
– Sau chuyến thăm Hà Nội hồi tháng 8 của Phó tổng thống Thụy Sĩ Ignazio Cassiss, chuyến thăm sắp tới đến Berne của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục là một cơ hội lớn trong năm kỷ niệm này để củng cố hơn nữa quan hệ ngoại giao và tăng cường hợp tác năng động giữa hai nước.
Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin rất mong đợi được đón tiếp người đồng cấp Việt Nam, chỉ ít lâu sau lần gần nhất hai người gặp mặt bên lề phiên thảo luận chung cấp cao Khóa họp thứ 76 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9.
Kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao là thời khắc quan trọng đối với cả hai quốc gia. Thành tựu mà Việt Nam và Thụy Sĩ đạt được trong nửa thế kỷ qua đã khẳng định sức mạnh của quan hệ đối tác này, cũng như niềm tin và cam kết với tương lai.
– Năm 2021 đánh dấu 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thụy Sĩ. Bà đánh giá thế nào về sự phát triển quan hệ song phương hai nước?
– Quan hệ Thụy Sĩ – Việt Nam bắt đầu từ nửa sau thế kỷ 19 với sự hiện diện của các công ty thương mại Thụy Sĩ tại Việt Nam, đặt nền móng cho quan hệ sâu rộng giữa hai nước.
Năm 1954, Thụy Sĩ tổ chức Hội nghị Đông Dương ở Geneva. Bằng vị trí trung lập, Thụy Sĩ đã tạo điều kiện cho Việt Nam có bước đột phá đầu tiên vào ngoại giao đa phương.
Những tiếp xúc và các mối quan hệ ban đầu ấy đã tạo nền tảng vững chắc để hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Năm 1971, Thụy Sĩ là một trong những nước châu Âu đầu tiên thiết lập quan hệ chính thức với Việt Nam.
50 năm qua, quan hệ hợp tác giữa hai nước liên tục phát triển và đạt nhiều thành tựu lớn. Quan hệ hợp tác song phương ban đầu tập trung vào hợp tác phát triển và hỗ trợ nhân đạo.
Trong vòng 30 năm qua, chính phủ Thụy Sĩ đã cung cấp số vốn ODA trị giá 15.000 tỷ đồng để hỗ trợ Việt Nam phát triển từ một nước nghèo trở thành nước năng động có thu nhập trung bình với triển vọng tương lai tốt đẹp.
Thành tựu mà Việt Nam và Thụy Sĩ đạt được 50 năm qua khẳng định sức mạnh của quan hệ đối tác, niềm tin và cam kết với tương lai.
Phó đại sứ Thụy Sĩ Nichole Wyrsch
Hiện nay, đầu tư và thương mại là các động lực lớn nhất thúc đẩy hợp tác hai nước. Việt Nam nhận được lợi ích từ thặng dư thương mại hàng năm hơn 50.000 tỷ đồng.
Với hơn 100 công ty Thụy Sĩ ở Việt Nam tạo ra 20.000 việc làm, đầu tư trực tiếp của Thụy Sĩ vào Việt Nam lúc này đạt khoảng 50.000 tỷ đồng.
Với ASEAN, Thụy Sĩ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 9 trong năm 2019-2020, nhưng chỉ xếp thứ 19 với Việt Nam. Giữa hai nước lúc này có tiềm năng lớn trên phương diện đầu tư.
Cơ hội mới cho tương lai – Chuyến đi này sẽ có những điểm nhấn nào? Và hai nước nên tập trung vào những phương diện hợp tác nào trong tương lai?
– Chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc diễn ra đúng thời điểm để hai nước thể hiện ý chí chính trị và quan tâm thúc đẩy đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) tiên tiến và có lợi cho đôi bên giữa Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch Tự do châu Âu (EFTA, bao gồm Iceland, Lichtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ).
Một FTA cho toàn khối, tích hợp các yếu tố hiện đại từ những FTA mà Việt Nam và các nước EFTA đã ký kết riêng rẽ, sẽ thể hiện rõ tiềm năng tăng cường hợp tác kinh tế song phương, đem tới những cơ hội xuất khẩu mới cho doanh nghiệp hai nước, và tạo điều kiện cho đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
Một khuôn khổ được thể chế hóa, cùng với các biện pháp bảo đảm pháp lý cho nhà đầu tư, là những yếu tố then chốt đối với bất cứ nhà đầu tư nào quan tâm đến việc đầu tư nước ngoài.
Trong chuyến thăm, Thụy Sĩ cũng sẽ tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp cấp cao để lãnh đạo và quan chức hai nước, cùng với các hiệp hội doanh nghiệp và công ty của hai bên, được trao đổi và đóng góp cho việc cải thiện điều kiện khuôn khổ cho sự hợp tác kinh tế đang ngày một gia tăng.
Những phương diện hợp tác hứa hẹn khác bao gồm giáo dục, nghiên cứu, khoa học và đổi mới sáng tạo.
Chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc diễn ra đúng thời điểm để 2 nước thể hiện ý chí chính trị và quan tâm thúc đẩy đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối EFTA.
Phó đại sứ Thụy Sĩ Nichole Wyrsch
Hiện tại, Quỹ Khoa học Quốc gia Thụy Sĩ (SNSF) và Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia Việt Nam (NAFOSTED) đã hỗ trợ 10 nhóm các nhà nghiên cứu của Thụy Sĩ và Việt Nam thực hiện những dự án chung trên nhiều lĩnh vực.
Tiếp nối Hội nghị COP26 được tổ chức tại Glasgow vừa qua, biến đổi khí hậu cũng sẽ được chú trọng trong chương trình nghị sự. Trong lĩnh vực này, quan hệ hợp tác phát triển của Thụy Sĩ với Việt Nam sẽ hỗ trợ cả hai nước đạt mục tiêu giảm phát thải ròng khí carbon bằng 0, cũng như mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, việc Thụy Sĩ ứng cử vào ghế Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) nhiệm kỳ 2023-2024 cũng mở ra các cơ hội hợp tác mới, hướng tới tăng cường chủ nghĩa đa phương và sự tôn trọng luật pháp quốc tế.
Thụy Sĩ cũng muốn được trao đổi kinh nghiệm với Việt Nam – quốc gia đã thành công trong vai trò Ủy viên không thường trực của UNSC nhiệm kỳ 2020-2021.
Khai Tâm