+
Aa
-
like
comment

Tổng thống thời chiến Ukraine Zelensky có gì đặc biệt?

27/02/2022 10:53

Từng là diễn viên hài, Zelensky được bầu làm tổng thống Ukraine cách đây ba năm với lời hứa mang lại hòa bình, nhưng đất nước giờ chìm trong khói đạn.

Volodymyr Zelensky, 44 tuổi, có một xuất phát điểm đặc biệt so với nhiều chính trị gia khác. Ông nổi tiếng nhờ hài kịch và là ngôi sao của chương trình nổi tiếng ở Ukraine có tên “Đầy tớ của nhân dân”. Nhân vật của Zelensky là một giáo viên lý tưởng, người luôn lan truyền về tình trạng tham nhũng của chính phủ và cuối cùng trở thành tổng thống.

Chiến dịch tranh cử tổng thống của ông về nhiều mặt được xem là câu chuyện “vai diễn vận vào đời”. Ông giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử năm 2019 với 73% phiếu bầu, trước cựu tổng thống Petro Poroshenko.

Ông đã tranh cử với những lời hứa hẹn về một chính phủ sẽ xử lý tình trạng tham nhũng tàn phá đất nước kể từ khi tuyên bố độc lập năm 1991. Trong bài phát biểu nhậm chức năm 2019, ông thể hiện rằng mình có thể trở thành một chính khách ấn tượng dù không có kinh nghiệm. “Suốt cuộc đời mình, tôi đã luôn cố gắng để giúp mọi người cười. Giờ đây, tôi sẽ làm mọi thứ để người dân Ukraine ít nhất không phải rơi nước mắt thêm nữa”, ông nói.

Ông cũng hứa hẹn về hòa bình, điều mà nhiều người Ukraine tuyệt vọng tìm kiếm sau 5 năm giao tranh với phe ly khai ở vùng Donbass, miền đông đất nước. Mặc dù thỏa thuận Minsk đã được ký vào năm 2015, giúp chấm dứt xung đột căng thẳng, giao tranh lẻ tẻ vẫn tiếp tục diễn ra khi hai bên liên tục cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận. Cuối năm 2019, ông đã nhanh chóng gặp Tổng thống Putin và các lãnh đạo Pháp, Đức với hy vọng tìm ra cách thực hiện thỏa thuận Minsk.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc họp báo ở Kiev ngày 23/2. Ảnh: AFP
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc họp báo ở Kiev ngày 23/2. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, đến năm ngoái, các cuộc đàm phán hòa bình và xây dựng quan hệ với lãnh đạo Nga sụp đổ. Trong khi đó, Covid-19 cũng tấn công người dân và nền kinh tế Ukraine. Mức sống của người dân, vốn đã nằm trong nhóm thấp nhất ở châu Âu, càng giảm thêm bởi tăng trưởng chậm và lạm phát tăng.

Sự tín nhiệm với cuộc chiến chống tham nhũng của ông Zelensky bị hoen ố. “Hồ sơ Pandora”, dữ liệu bị rò rỉ liên quan đến các công ty bình phong ở nước ngoài vào tháng 10 năm ngoái, cho thấy ông và các đối tác trong công ty sản xuất hài kịch Studio Kvartal 95 liên quan tới 10 thực thể đăng ký tại Belize, Quần đảo Virgin của Anh và Cộng hòa Cyprus. Tuy nhiên, ông phủ nhận thông tin này.

Tổng thống Zelensky là người không có kinh nghiệm chính trị trước khi đắc cử. Nhiều người cũng từng cho rằng Tổng thống Zelensky quá phụ thuộc vào nhóm cộng sự thiếu kinh nghiệm, trong đó có trợ lý hàng đầu Serhiy Shefir và người đứng đầu Cơ quan Tình báo Ivan Bakanov, cả hai đều được nêu tên trong Hồ sơ Pandora.

Kết quả trung bình của 4 cuộc khảo sát dư luận vào giữa tháng 12 năm ngoái cho thấy tỷ lệ ủng hộ của ông Zelensky giảm xuống 25%.

Lãnh đạo Ukraine cũng phải đối mặt với nhiều câu hỏi trước cuộc chiến, sau khi bác bỏ dự đoán của Mỹ rằng Nga sẽ sử dụng lực lượng lớn ở biên giới để tấn công vào Ukraine. Các thông điệp trái chiều từ các nước phương Tây và giới lãnh đạo Ukraine đã khiến người dân không biết nên tin vào ai, theo Dmytro Razumkov, cựu chủ tịch quốc hội Ukraine nói.

“Xã hội cần phải hiểu những gì xảy ra trong nước, nên chính phủ phải thông tin cho người dân”, Razumkov nói trước khi cuộc tấn công của Nga xảy ra.

Kể từ khi Tổng thống Zelensky thừa nhận thực tế rằng cuộc xung đột với Nga sắp xảy ra, phản ứng của ông đã giành được nhiều lời ca ngợi của người Ukraine, trong đó có bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ngày 19/2. Ông khi đó cảm ơn phương Tây vì đã giúp đỡ và hỗ trợ Ukraine, nhưng cũng chỉ trích họ không làm nhiều hơn.

Các mũi tiến quân của Nga vào Ukraine. Đồ họa: NY Times.
Các mũi tiến quân của Nga vào Ukraine. Đồ họa: NY Times

Khi Thủ tướng Italy Mario Draghi, người đã cố gắng để ngành kinh doanh hàng xa xỉ của nước này tới Nga không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt Moskva của Liên minh châu Âu, nói không thể liên lạc với Tổng thống Zelensky qua điện thoại, lãnh đạo Ukraine đã có phản pháo công khai và chua chát.

“Lúc 10h30 hôm nay tại các cửa ngõ vào Chernihiv, Hostomel và Melitopol, giao tranh đã xảy ra dữ dội. Đã có người chết”, ông nói trên Twitter hôm qua. “Lần tới tôi sẽ cố gắng dời lịch trình chiến sự để nói chuyện với Thủ tướng Mario Draghi vào một thời điểm cụ thể. Lúc này, Ukraine đang tiếp tục chiến đấu để bảo vệ người dân của mình”.

Ngày 25/2, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh ông sẽ không đi sơ tán. “Tôi được cho là mục tiêu số một khi họ tìm cách phá hủy chính trị Ukraine”, ông nói. “Nhưng tôi sẽ ở lại thủ đô”.

Zelensky tỏ rõ nỗi thất vọng khi nhấn mạnh Ukraine đã bị bỏ rơi. “Bất kể tôi đã có bao nhiêu cuộc trao đổi với các lãnh đạo nước ngoài, tôi chỉ nghe được vài điều. Đầu tiên là chúng ta được hỗ trợ. Tôi biết ơn từng quốc gia đã giúp chúng ta một cách cụ thể, không chỉ bằng lời nói. Nhưng điều thứ hai là chúng ta đã bị bỏ lại một mình trong cuộc chiến bảo vệ đất nước. Ai sẵn sàng chiến đấu cùng chúng ta? Thành thật mà nói, tôi chẳng thấy ai”, ông Zelensky nói.

Nỗi cay đắng của Ukraine càng được nhân lên khi các nước phương Tây ngần ngại áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhất với Nga, như chặn các giao dịch Nga khỏi hệ thống Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT).

“Tôi muốn bày tỏ ủng hộ với Tổng thống của chúng tôi”, Olga Golubovska, bác sĩ từng chỉ trích Zelensky vì xử lý Covid-19 yếu kém với 90.000 người theo dõi trên Facebook, nói. “Tổng thống không chạy trốn. Tổng thống là người đầu tiên nói với các đối tác phương tây ‘đáng kính’ mọi thứ mà chúng tôi đã nghi ngờ từ lâu. Ông cũng là người đầu tiên trong nhiều năm dám nói lên ý kiến”.

Các bài phát biểu của ông Zelensky thể hiện được sự quan tâm của ông đối với người dân. “Hãy cố gắng giữ cuộc sống bình thường cho tới khi còn có thể”, Zelensky nói hôm 24/2, ngay cả khi ông kêu gọi họ cầm vũ khí và chiến đấu. “Hãy bảo vệ những người hàng xóm và bạn bè của bạn”.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 25/2, Tổng thống Putin cáo buộc “những người theo chủ nghĩa dân tộc” ở Ukraine triển khai vũ khí hạng nặng trong khu dân cư tại các thành phố lớn để khiêu khích quân đội Nga. Ông nói giới lãnh đạo Ukraine “hành động như khủng bố” và “tân phát xít” khi “nấp sau lưng dân thường với hy vọng đổ lỗi cho Nga về thương vong dân sự”.

“Ai cũng biết điều này diễn ra theo khuyến nghị của các cố vấn nước ngoài, chủ yếu là cố vấn Mỹ”, Tổng thống Putin nói thêm và kêu gọi quân đội Ukraine lật đổ giới lãnh đạo.

Khi bắt đầu mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga khẳng định hoạt động nhằm bảo vệ cư dân ở các khu vực ly khai miền đông Ukraine, “những người mà trong 8 năm đã phải chống chọi với các cuộc pháo kích của Ukraine”.

“Căn nguyên cuộc khủng hoảng hiện tại là các hành động của chính Ukraine – những người đã không tuân thủ nghĩa vụ thỏa thuận Minsk trong suốt nhiều năm”, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc nói hôm 24/2. Ông nhấn mạnh “hành động khiêu khích của Ukraine với người dân Donbass không những không dừng lại mà còn gia tăng”, khiến các nhà lãnh đạo phe ly khai ở Lugansk và Donetsk phải yêu cầu sự hỗ trợ của Nga.

Điện Kremlin hôm qua cho biết đã đề nghị gặp các quan chức Ukraine tại thủ đô Minsk của Belarus để đàm phán. Cố vấn của Zelensky nói rằng các cuộc tham vấn đang được tiến hành về địa điểm và thời gian thảo luận, trong bối cảnh quân Nga đang áp sát Kiev.

“Nếu Tổng thống Putin muốn bắt đầu đàm phán với chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky, điều quân tới bao vây Kiev sẽ giúp ông có được nhiều con bài mặc cả hơn”, nhà bình luận Nghê Nhạc Hùng ở Thượng Hải, Trung Quốc nói.

Thanh Tâm

Bài mới
Đọc nhiều