Tổng thống Putin khuyến cáo không nên vội đánh giá Omicron không gây hại
Tổng thống Nga Vladimir Putin khuyến cáo không nên đưa ra đánh giá hấp tấp về biến thể Omicron gây Covid-19, đồng thời nhắc lại việc một số chuyên gia thậm chí so sánh biến thể này với “vắc xin sống”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra khuyến cáo, đồng thời lưu ý rằng một số người cứ nghĩ biến thể Omicron không gây hại.
Hãng TASS ngày 8.12 dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin khuyến cáo không nên đưa ra đánh giá hấp tấp về biến thể Omicron gây Covid-19, đồng thời nhắc lại việc một số chuyên gia thậm chí so sánh biến thể này với “vắc xin sống”.
Tại cuộc họp về các vấn đề kinh tế vào ngày 7.12, ông chỉ ra một số nhiệm vụ phải tiến hành nhằm phát triển đất nước và nền kinh tế.
Ông cho rằng các kết quả phải đạt được dưới những điều kiện khó khăn của dịch bệnh và sự lây lan của biến thể mới. Tổng thống Putin cho rằng không nên hấp tấp trong mọi việc, và thị trường đã hồi phục nên cần tiếp tục phát huy từ những gì đạt được trong 18 tháng qua.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 26.11 đặt tên biến thể mới là Omicron và xếp vào diện biến thể gây lo ngại. Theo WHO, Omicron đã được ghi nhận tại 57 nước và số bệnh nhân cần nhập viện có thể tăng khi biến thể này lây lan.
Song song đó, WHO cho rằng cần có thêm dữ liệu để đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh gây ra khi nhiễm biến thể Omicron, và liệu các đột biến của nó có giảm khả năng miễn dịch của những người đã tiêm vắc xin hay không.
Omicron là biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên tại châu Phi hồi tháng 11. Kết quả giải trình tự gen cho thấy nó chứa tới hơn 50 đột biến, trong đó hơn 30 đột biến gắn trên protein gai – cấu trúc có thể tác động đến khả năng lây lan, né miễn dịch của virus. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp Omicron vào nhóm biến chủng “đáng lo ngại”.
Các dữ liệu ban đầu cho thấy, Omicron có tốc độ lây lan nhanh hơn so với các biến chủng trước kia của SARS-CoV-2, nhưng vẫn có những lo ngại rằng các đột biến có thể khiến Omicron né miễn dịch tạo ra nhờ vaccine hoặc miễn dịch tự nhiên sau khi mắc Covid-19.
Các nhà khoa học gần đây đã phát hiện một phiên bản “tàng hình” của biến chủng Omicron trong các mẫu xét nghiệm tại Nam Phi, Australia và Canada, nhưng cũng có thể đã lây lan rộng hơn mà chưa được phát hiện. Phiên bản “tàng hình” có nhiều đột biến giống của Omicron, nhưng không có sự thay đổi gen cụ thể cho phép phát hiện virus bằng xét nghiệm PCR, mặc dù vẫn có thể phát hiện bằng giải trình tự gen.
(Theo TASS)