Tổng thống Putin có thể khiến ông Tập Cận Bình phá lệ sau gần 2 năm
Cuộc gặp giữa 2 vị lãnh đạo này có thể dấu hiệu Trung Quốc mở cửa trở lại sau 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều khả năng sẽ là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp mặt trực tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau gần 2 năm đại dịch Covid-19.
Trong cuộc hội đàm trực tuyến hôm 15/12, Tổng thống Putin xác nhận sẽ tham dự Olympic Bắc Kinh 2022. Về phần mình, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói ông “mong đợi” gặp gỡ ông chủ Điện Kremlin.
Sau cuộc hội đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành xác nhận hai nhà lãnh đạo sẽ gặp mặt trực tiếp, theo South China Morning Post.
Khách quý đầu tiên sau 2 năm
Lần gần nhất Chủ tịch Tập Cận Bình gặp gỡ một lãnh đạo nước ngoài là từ tháng 2/2020. Khi đó, khách quý của ông Tập là Tổng thống Mông Cổ Khaltmaagiin Battulga. Chỉ một tháng sau cuộc gặp, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu.
Đã 21 tháng, ông Tập không rời khỏi lãnh thổ Trung Quốc, cũng không trực tiếp tiếp đón bất cứ vị khách ngoại quốc nào.
Tại hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước G20 tháng 10 vừa qua ở Rome, Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập là hai nhà lãnh đạo thế giới duy nhất vắng mặt.
Chủ tịch Tập cũng bỏ qua hội nghị khí hậu quốc tế COP26 ở Glasgow, tạo cơ hội để Tổng thống Mỹ Joe Biden khuếch trương ảnh hưởng.
Các nhà quan sát nhận định cuộc gặp với Tổng thống Putin có thể là cơ hội để Trung Quốc nới lỏng các hạn chế về tiếp xúc ngoại giao trực tiếp với các đối tác.
“Ông Tập sẽ tham dự Olympic Bắc Kinh. Khi đó, việc gặp gỡ các lãnh đạo nước ngoài là khó tránh khỏi. Tôi tin đây có thể là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc bắt đầu tái mở cửa sau 2 năm”, Yun Sun, Giám đốc chương trình nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu Stimson, đánh giá.
Chuyến đi của Tổng thống Putin diễn ra trong bối cảnh cả Trung Quốc và Nga đều đang ở trong tình thế khó khăn bởi đối đầu với phương Tây. Bởi vậy, Moscow và Bắc Kinh cần củng cố liên kết và hỗ trợ lẫn nhau, bà Yun Sun nhận định.
Mỹ, Anh, Canada và Australia đã tuyên bố tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh. Trong khi đó, căng thẳng giữa Nga và Ukraine là tâm điểm cuộc gặp của bộ trưởng Ngoại giao các nước G7 ở Liverpool đầu tháng 12.
Cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập và Tổng thống Putin sẽ củng cố mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga, chuyên gia Zhao Kejin của Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie – Thanh Hoa, nhận xét.
“Chuyến thăm mang tính biểu tượng cao. Lúc này không có ai khác có thể sát cánh bên Trung Quốc”, ông Zhao nói.
Tuy vậy, việc ông Tập đồng ý gặp mặt Tổng thống Putin cũng có thể mang tới cơ hội cho các nhà lãnh đạo khác có mặt ở Olympic Bắc Kinh.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres xác nhận sẽ tham dự Olympic Bắc Kinh. Ông Zhao cho rằng cuộc gặp giữa ông Guterres và nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng có thể xảy ra.
“Hiển nhiên mức độ ưu tiên dành cho Tổng thống Putin cao hơn so với ông Guterres”, ông Zhao nhận xét.
Trung Quốc bắt đầu mở cửa?
Những tháng gần đây, quan chức nước ngoài thăm Trung Quốc không đặt chân tới Bắc Kinh. Thay vào đó, họ được bố trí tại các khu vực riêng biệt để làm việc với đối tác nước chủ nhà.
Mới đây nhất, Ngoại trưởng Vương Nghị tiến hành một loạt cuộc gặp các đối tác nước ngoài ở thành phố An Cát, tỉnh Chiết Giang.
Các quan chức Trung Quốc sau khi làm việc với đối tác nước ngoài sẽ phải cách ly 7 ngày tại chỗ. Sau đó, họ tiếp tục phải tự cách ly 7 ngày tại gia, trước khi trở lại cuộc sống bình thường, các nguồn tin ngoại giao xác nhận.
Tuy nhiên, các chuyên gia tỏ ra hoài nghi khả năng Trung Quốc sẽ cởi mở hơn trong tiếp xúc với quan chức nước ngoài sau Olympic Bắc Kinh.
“Tôi tin cuộc gặp sẽ chỉ là sự kiện cá biệt. Không gì có thể bảo đảm ông Tập sẽ đến Indonesia dự hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 10/2022”, Pang Zhongying, giáo sư quan hệ quốc tế Đại học Thanh Đảo, nhận định.
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới phương thức tiếp xúc đối ngoại của Trung Quốc. Trong hơn 600 ngày qua, không thành viên nào của Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc gặp mặt trực tiếp quan chức nước ngoài, một phần trong tổng thể chiến lược Zero Covid-19 của Bắc Kinh.
Tháng 9 vừa qua, Đặc phái viên khí hậu của Mỹ John Kerry tới thăm Thiên Tân để hội đàm với Phó thủ tướng Hàn Chính, một thành viên Thường vụ Bộ Chính trị. Tuy nhiên, cuộc gặp được tổ chức qua video.
Hồi tháng 11, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình lần đầu tiến hành hội đàm. Sự kiện được tổ chức bằng hình thức trực tuyến.
Ông Tập là nhà lãnh đạo duy nhất trong nhóm các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chưa trực tiếp gặp gỡ Tổng thống Biden.
Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho biết dù cuộc gặp tới đây giữa Chủ tịch Tập và Tổng thống Putin có tính chất quan trọng, sự kiện này không nên được thổi phồng.
“Dù họ có gặp trực tiếp hay không, có đeo khẩu trang hay không, tôi không nghĩ là cuộc gặp trực tiếp có thể tạo ra được những đột phá lớn hơn so với gặp trực tuyến”, ông Shi nhận định.
Minh Ngọc