Tổng thống Pháp Macron đổi tên đảng “Nền Cộng hoà tiến bước” thành “Phục hưng”
Hơn 1 tuần sau khi tái cử, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua (5/5) đã thực hiện cải cách nội bộ đầu tiên khi đổi tên đảng “Nền Cộng hoà Tiến bước” thành đảng “Phục hưng” và lập liên minh “Chung sức” để chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội Pháp vào tháng 6 tới.
Trong thông báo đưa ra, đảng “Cộng hoà Tiến bước” của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ đổi tên thành đảng “Phục hưng”. Đây là tên gọi từng được Tổng thống Macron sử dụng tại cuộc bầu cử Quốc hội châu Âu năm 2019.
Phát biểu trong cuộc họp báo, đại diện đảng “Cộng hoà tiến bước” Stanislas Guérini cho biết, sự thay đổi này nằm trong kế hoạch tranh cử Tổng thống của ông Macron để phát triển đảng theo lợi ích của người dân Pháp.
“Hôm nay, chúng tôi đã tiến hành cách tổ lại đảng “Cộng hoà Tiến bước” để có thể tiếp tục mở rộng và cải cách trong đảng mà Tổng thống Emmanuel Macron đã gây dựng trong suốt 6 năm qua. Và để tạo sức mạnh mới, đảng sẽ đổi tên thành đảng “Phục hưng”.
Ông Stanilas Guérini cũng cho biết đảng “Phục hưng” sẽ liên kết với các đảng “Phong trào trung dung” (MoDEM) và đảng “Những chân trời” của cựu Thủ tướng Édouard Philippe hình thành liên minh có tên gọi “Chung sức” (Ensemble) để tham gia cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 6 tới.
Liên minh “Chung sức” đã lên danh sách đại biểu tham gia tranh đua 577 ghế trong Quốc hội Pháp nhiệm kỳ tới, trong đó đảng Phục hưng sẽ giới thiệu 400 đại diện, đảng “Phong trào trung dung” giới thiệu hơn 100 đại diện và đảng “Những chân trời” là 58 đại diện.
Trong danh sách chung, vẫn có sự xuất hiện nhiều đảng viên trong chính phủ Pháp hiện nay như Bộ trưởng Lao động Elizabeth Borne, Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin, Bộ trưởng Giáo dục Jean-Michel Blanquer hay Người phát ngôn chính phủ Gabriel Attal và nhất là sự trở lại của cựu Thủ tướng Pháp Manuel Valls.
Các nhà phân tích nhận định, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang nỗ lực tập hợp lực lượng và làm mới hình ảnh để có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Pháp sắp tới. Đây là bước đi cần thiết trước sức ép ngày càng lớn từ lực lượng cánh tả với thoả thuận hình thành “Liên minh nhân dân Sinh thái và Xã hội mới” cách đây ít ngày.
Người đứng đầu liên minh cánh tả ông Jean-Luc Mélenchon trước đó từng công khai mục tiêu giành đa số ghế trong Quốc hội Pháp sắp tới để hạn chế quyền lực của Tổng thống Emmanuel Macron và buộc ông Macron chọn một nhân vật cánh tả cho chiếc ghế Thủ tướng./.
Khai Tâm