Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh về phát hành tiền điện tử
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 9/3 yêu cầu Cục Dữ trữ liên bang xem xét xem khả năng tạo ra một đồng tiền điện tử chính thức.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nói rằng nỗ lực này sẽ “thúc đẩy một hệ thống tài chính công bằng hơn, bao trùm hơn và hiệu quả hơn”, trong khi có thể đối phó với hệ thống tài chính bất hợp pháp và ngăn ngừa rủi ro đối với ổn định tài chính và an ninh quốc gia.
Chính quyền Biden coi sự phổ biến của tiền điện tử là cơ hội để kiểm tra những rủi ro và lợi ích của tài sản kỹ thuật số, một quan chức cấp cao của chính quyền cho biết.
Trong sắc lệnh mới ký, ông Biden cũng chỉ đạo Bộ Tài chính và các cơ quan liên bang khác nghiên cứu tác động của tiền số đối với ổn định tài chính và an ninh quốc gia.
Brian Deese và Jake Sullivan, hai cố vấn hàng đầu về kinh tế và an ninh quốc gia của ông Biden, cho biết sắc lệnh này đề ra một chiến lược về tài sản số liên bang toàn diện đầu tiên cho Mỹ.
“Điều đó sẽ giúp Mỹ định vị mình để đóng vai trò đi đầu trong đổi mới và quản trị hệ sinh thái tài sản số ở trong và ngoài nước, theo cách có thể bảo vệ người tiêu dùng, phù hợp với các giá trị dân chủ của chúng ta và tăng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu của Mỹ”, hai ông Deese và Sullivan nói trong tuyên bố chung đưa ra ngày 9/3.
Sắc lệnh được ký trong bối cảnh các nghị sĩ và quan chức trong chính quyền Mỹ bày tỏ lo ngại rằng Nga có thể dùng tiền điện tử để lách những lệnh trừng phạt áp với các ngân hàng, tỷ phú và ngành công nghiệp Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Tuần trước, các nghị sĩ Dân chủ Elizabeth Warren, Mark Warner, và Jack Reed đề nghị Bộ Tài chính Mỹ cung cấp thông tin về cách họ sẽ ngăn chặn việc sử dụng tiền điện tử để tránh lệnh trừng phạt. Chính quyền Biden cho rằng Nga sẽ không thể bù đắp mất mát ở thị trường Mỹ và châu Âu bằng cách chuyển sang dùng tiền điện tử. Giới chức nói rằng sắc lệnh vừa ký là kết quả tìm hiểu trong nhiều tháng trước khi Nga mở chiến dịch ở Ukraine.
Daleep Singh, phó cố vấn về kinh tế và an ninh quốc gia của ông Biden, hôm qua nói với CNN rằng tiền điện tử không “phải giải pháp thay thế cho các lệnh trừng phạt của chúng tôi”.
Coinbase Global Inc., sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất ở Mỹ, cho biết công ty này chưa nhận thấy số lượng giao dịch tăng đột biến trong thời gian gần đây.
Sắc lệnh lần này được dự đoán từ lâu trong giới tài chính và dân buôn tiền điện tử, sau khi các nhà bình luận và nghị sĩ ví thị trường tiền điện tử với miền Tây hoang dã.
Bất chấp rủi ro, khảo sát của cho thấy khoảng 16% người Mỹ trưởng thành, tương đương 40 triệu người, đã đầu tư vào tiền điện tử.
Minh Tú