+
Aa
-
like
comment

Tổng thống Macron khẳng định vị trí đặc biệt của Việt Nam trong chính sách Pháp

03/11/2021 06:34

Tổng thống Emmanuel Macron đánh giá cao những thành tựu trong quan hệ hợp tác trong thời gian qua, đặc biệt là từ sau khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. 

Ngày 2/11, tại Paris, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Pháp Đinh Toàn Thắng đã trình Thư Ủy nhiệm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Tại Lễ trình Thư ủy nhiệm, Tổng thống Emmanuel Macron chúc mừng ông Đinh Toàn Thắng được bổ nhiệm làm Đại sứ Việt Nam tại Pháp, đánh giá cao những thành tựu trong quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua trên mọi lĩnh vực, từ chính trị-ngoại giao đến thương mại-đầu tư, hợp tác phát triển cũng như giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, văn hóa và hợp tác địa phương, đặc biệt là từ sau khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.

Ong Macron khang dinh vi tri dac biet cua VN trong chinh sach Phap hinh anh 1
Tổng thống Pháp Macron đánh giá cao quan hệ với Việt Nam.

Tổng thống Pháp khẳng định vị trí đặc biệt của Việt Nam trong chính sách của Pháp, bày tỏ vui mừng về chuyến thăm chính thức nước Pháp từ ngày 3-5/11 của Thủ tướng Phạm Minh Chính và hân hạnh có cuộc hội kiến với Thủ tướng nhân chuyến thăm.

Về phần mình, Đại sứ Đinh Toàn Thắng bày tỏ niềm vinh dự được cử làm Đại sứ Việt Nam tại Pháp, khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược với Pháp, một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

Đại sứ khẳng định sẽ nỗ lực làm hết sức mình để vun đắp cho quan hệ truyền thống, gắn bó lâu đời giữa hai nước và hai dân tộc, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-Pháp ngày càng phát triển sâu rộng và hiệu quả, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2023.

Đại sứ bày tỏ tin tưởng rằng với những tiềm năng hợp tác to lớn giữa hai nước, chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Pháp, cũng như các trao đổi song phương cấp cao trong thời gian qua sẽ tiếp tục tạo ra khuôn khổ và tầm nhìn lâu dài cho quan hệ Việt Nam-Pháp, là cơ sở để tiếp tục đưa quan hệ hai nước đi lên.

Kỳ vọng bước phát triển mới trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam- Pháp 

“Sau 8 năm ký kết Hiệp định đối tác chiến lược song phương, còn nhiều hạng mục mà Pháp có thể thúc đẩy với Việt Nam. Tôi mong muốn thời gian tới nước Pháp sẽ có những cam kết mạnh mẽ hơn với Việt Nam, đặc biệt là việc giúp Việt Nam giải quyết cuộc khủng hoảng y tế- kinh tế do tác động của đại dịch Covid -19”- Đó là lời khẳng định của Thượng nghị sỹ Catherine Deroche, Chủ tịch Uỷ ban các vấn đề xã hội đồng thời là Chủ tịch Nhóm hữu nghị Pháp – Việt trước thềm chuyến thăm Pháp của Thủ tướng chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính (dự kiến từ ngày 3-5/11).

Thượng nghị sĩ Catherine Deroche, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề xã hội tại Thượng viện Pháp.

Thượng nghị sỹ Catherine Deroche cho biết Pháp và Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác chiến lược tăng cường quan hệ hai bên từ năm 2013. Pháp cũng ủng hộ Việt Nam ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU). Hai Hiệp định quan trọng này là cơ sở thúc đẩy mạnh mẽ các mối liên kết và hợp tác Pháp – Việt. Bên cạnh đó, các hoạt động hợp tác phi tập trung giữa các địa phương của Việt Nam với các địa phương của Pháp cũng được thúc đẩy tích cực, sau cuộc họp gần nhất là tại thành phố Toulouse (Pháp) vào năm 2019 và sắp tới là tại Hà Nội vào năm 2022. Đó là những minh chứng cho thấy nước Pháp luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam.

Tuy nhiên, quan hệ hai bên vẫn gặp phải có một số thách thức lớn, đặc biệt là cuộc khủng hoảng y tế, dịch bệnh hay vấn đề khí hậu. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, những hợp tác và hiểu biết lẫn nhau sẽ giúp hai nước có thể vượt qua các thách thức này; đặc biệt là những vấn đề về môi trường, y tế, kinh tế đối với Việt Nam – một quốc gia có dân số trẻ và có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao trước đại dịch Covid-19. Có thể nói rằng còn rất nhiều hạng mục trong mối quan hệ đối tác chiến lược mà Pháp muốn thúc đẩy với Việt Nam.

Hai nước đã có những trao đổi hoạt động đoàn cấp cao trong thời gian gần đây. Trong năm 2018, Pháp đã đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau đó là chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Pháp Édouard Philippe. Cuộc khủng hoảng dịch bệnh đã làm gián đoạn tạm thời các hoạt động trao đổi song phương. Tôi cho rằng, điều quan trọng là phải nối lại việc trao đổi các trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước bởi mỗi chuyến thăm, gặp gỡ cấp cao sẽ đưa ra những đề xuất mới, ký kết các thoả thuận và hợp đồng mới.

Trong chuyến thăm chính thức tới Pháp của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính sắp tới, Thượng nghị sỹ Catherine Deroche mong muốn thời gian tới, Pháp sẽ có các cam kết mạnh mẽ hơn đối với Việt Nam, nhất là giúp đất nước các bạn giải quyết các khó khăn từ cuộc khủng hoảng dịch bệnh, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế cũng như y tế, cụ thể là vấn đề tiêm phòng vaccine cho người dân Việt Nam.

Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ ngày 12/4/1973, ký tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược từ tháng 9/2013.

Pháp hiện là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam. Kim ngạch thương mại năm 2020 đạt 4,81 tỷ USD, giảm 10% so với 5,3 tỷ USD năm 2019.

Tính đến tháng 7 năm nay, Pháp đứng thứ ba trong các nước châu Âu và đứng thứ 16 trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 605 dự án, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 3,6 tỷ USD. Các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Pháp 9 dự án với tổng vốn đầu tư là 3,04 triệu USD.

Tùng Lâm 

Bài mới
Đọc nhiều