+
Aa
-
like
comment

Tổng thống Donald Trump xuất hiện ở hội nghị G7, căng thẳng thế giới đe dọa sự đoàn kết của nhóm

25/08/2019 13:47

Trong lúc nền kinh tế thế giới còn biến động, tình hình ở Trung Đông bất ổn và cháy rừng Amazon vẫn tiếp diễn, nguyên thủ của nhóm 7 nước đã tập hợp lại tại một thành phố biển ở Pháp để thảo luận về các vấn đề thế giới.

Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra sau một tuần căng thẳng khi những cử chỉ của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng trở nên khó lường. Các nguyên thủ quốc gia khác tham dự hội nghị đã tham gia mà không hi vọng có thể thuyết phục được ông lắng nghe quan điểm của họ về kinh tế hay các vấn đề thế giới khác.

Nguyên thủ các nước G7 đã có mặt tại Biarritz (Pháp) để thảo luận về các vấn đề quốc tế.
Nguyên thủ các nước G7 đã có mặt tại Biarritz (Pháp) để thảo luận về các vấn đề quốc tế.

Đề tài để thảo luận có rất nhiều. Những vấn đề như Iran và căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan đều đã được nhắc đến. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người chủ trì hội nghị, nói rằng ông cũng muốn thảo luận về tình trạng cháy rừng của rừng rậm Amazon.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế toàn cầu đã trở thành chủ đề được chú ý nhiều nhất, khi Tổng thống Trump muốn dành riêng một buổi sáng ngày 25/8 để bàn về vấn đề này. Nhiều nguyên thủ cho rằng việc ông Trump áp thuế đối với những nước bạn và thù của mình đang khiến tăng trưởng kinh tế chững lại và khiến thị trường vốn trở nên biến động.

Có rất ít hi vọng hội nghị này sẽ khiến các nước thể hiện mối quan hệ thân thiết với nhau giống như trước đây. Ông Trump đã từng thể hiện rõ sự bất bình đối với hội nghị này, khi hai lần trước đây đã rời đi mà không để lại ấn tượng tốt đẹp. Theo một số nguồn tin thân cận, trong các cuộc trao đổi gần đây ông Trump nói rằng hội nghị thượng đỉnh G7 đã tiêu tốn thời gian của ông một cách thiếu hiệu quả.

Hội nghị G7 có sự tham gia của lãnh đạo các nước Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản, Ý, Canada và Anh, những quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới và hội nghị này từ lâu là một sự kiện quan trọng trong lịch trình làm việc của Tổng thống Mỹ. Trong các cuộc họp, các nguyên thủ và những cố vấn thân cận thường bàn về những vấn đề quan trọng của thế giới.

Ông Trump đã đến Pháp vào sáng ngày 24/8 sau một chuyến bay dài từ Washington. Trước tiên ông đã dùng bữa trưa với Tổng thống Pháp tại một mái hiên dưới thời tiết đẹp. “Cho đến giờ mọi chuyện vẫn tốt”, ông Trump ngồi đối diện với ông Macron và nói. “Thời tiết rất dễ chịu. Tất cả mọi người đều hòa thuận lẫn nhau. Tôi tin chúng ta sẽ đạt được nhiều điều trong thời gian tới”.

Tổng thống Trump đã dùng bữa trưa với Tổng thống Macron.
Tổng thống Trump đã dùng bữa trưa với Tổng thống Macron.

Và mặc dù ông Macron không làm gì nhiều để giảm bớt những bất đồng giữa mình và ông Trump, Tổng thống Mỹ vẫn tin rằng hai người đang có quan hệ tốt đẹp. “Đôi lúc chúng tôi có những tranh cãi nhỏ không đáng kể”, ông nói.

Một quan chức Mỹ cho biết trong bữa trưa hai người đã có “một cuộc thảo luận lâu dài và thẳng thắn” về các vấn đề kinh tế và đối ngoại.

Sau đó, ông Trump là người cuối cùng có mặt trong bữa tiệc tối cùng với các lãnh đạo khác tham dự hội nghị thượng đỉnh. Ông và ông Macron đã bắt tay nhau một cách xã giao, và họ và phu nhân đã có cuộc nói chuyện với nhau. Mỗi người đã dành vài phút để nhìn những địa điểm đáng chú ý tại khung cảnh diễn ra hội nghị dọc bãi biển trước khi chính thức dùng bữa tối.

Trước khi tham dự hội nghị, ông Trump cho biết ông rất mong đợi gặp mặt những người bạn của mình, mặc dù ông thừa nhận ông không có quan hệ tốt với tất cả những người mà ông sẽ trò chuyện trong sự kiện.

“Tôi tin rằng việc gặp gỡ lãnh đạo các nước sẽ rất có tính xây dựng, bởi họ là những người bạn của tôi”, ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng.

Ông Trump tiếp tục khẳng định sức mạnh của nền kinh tế Mỹ, mặc dù có những dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy một chu kỳ suy thoái đang đến gần. “Tôi tin chúng ta đang làm tốt. Nền kinh tế đang vận hành tốt đẹp”, ông nói. “Chúng ta đang có một cuộc chiến nhỏ với Trung Quốc nhưng chúng ta sẽ giành chiến thắng”.

Tuy nhiên, trước khi rời khỏi Washington, ông Trump đã công bố gia tăng mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc để đáp trả những mức thuế mới mà nước này vừa áp dụng. Hiện có rất ít khả năng hai bên sẽ nhượng bộ nhau mặc dù họ vẫn đang nỗ lực thông qua một thỏa thuận thương mại mới.

Nhiều người lo ngại rằng hội nghị G7 sẽ không đạt được bước đột phá nào.
Nhiều người lo ngại rằng hội nghị G7 sẽ không đạt được bước đột phá nào.

Ông Trump hi vọng có thể mượn phiên họp diễn ra vào sáng ngày 25/8 để thể hiện những thành công của mình trong việc thúc đẩy nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh các nước bắt đầu bộc lộ những vấn đề khác nhau.

“Tôi đoán rằng Tổng thống Trump sẽ nói một cách chân thành về những chính sách mà ông cho là đã phát huy hiệu quả đối với nền kinh tế của mình và muốn hợp tác với các nước khác trong G7 để tìm ra cách để thúc đẩy nền kinh tế của nhau để đảm bảo rằng tất cả những người lao động sẽ có thị trường và cơ hội cho mình”, một quan chức cấp cao thân cận với Tổng thống Mỹ cho biết.

Việc Tổng thống Mỹ tổ chức cuộc họp chỉ để khẳng định sức mạnh của nền kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ khiến các nguyên thủ quốc gia khác không hài lòng, đặc biệt là khi một số người cho rằng chính sách thương mại của ông Trump đang dẫn đến sự thụt lùi về tăng trưởng kinh tế thế giới. Theo các quan chức Châu Âu, các nhà lãnh đạo sẽ bày tỏ quan ngại rằng các mức thuế mà ông Trump áp dụng đang gây hại lớn cho kinh tế thế giới.

Bên cạnh đó, ông Trump cũng đang chuẩn bị để gặp gỡ riêng một số nhà lãnh đạo trong nhóm G7, trong đó có Thủ tướng Anh Boris Johnson, người được cho là đồng minh mới của Mỹ.

Tieu Diem

Bài mới
Đọc nhiều