+
Aa
-
like
comment

Tổng thống Donald Trump tuyên bố số tiền đòi Trung Quốc bồi thường Covid-19 sẽ rất lớn

Thành Nhân - 28/04/2020 09:53

Tổng thống Donald Trump nói có thể yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại vì Covid-19 và số tiền đang được thảo luận rất lớn.

“Chúng tôi không vui với Trung Quốc. Chúng tôi không vui với tình hình chung bởi chúng tôi tin rằng có thể ngăn chặn nó tại nguồn. Nó có thể đã được chặn đứng nhanh chóng và không lan rộng ra toàn thế giới”, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 27/4 (sáng 28/4 giờ Hà Nội).

“Có rất nhiều cách để khiến họ chịu trách nhiệm. Chúng tôi đang triển khai một số điều tra rất nghiêm túc như các bạn có thể biết”, Trump nói.

Một bài xã luận mới được xuất bản gần đây tại Đức kêu gọi Trung Quốc bồi thường 165 tỷ USD vì thiệt hại kinh tế do nCoV gây ra. Khi được hỏi liệu Mỹ có cân nhắc làm điều tương tự không, Trump nói “có thể làm điều gì đó dễ dàng hơn thế nhiều”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Vườn Hồng, Nhà Trắng, ngày 27/4. Ảnh: AP.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Vườn Hồng, Nhà Trắng, ngày 27/4. Ảnh: AP.

“Đức đang để ý đến mọi thứ, chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi đang thảo luận về số tiền nhiều hơn Đức đang bàn bạc. Chúng tôi chưa xác định con số cuối cùng, nó rất lớn. Đây là thiệt hại trên toàn thế giới. Đây là thiệt hại cho nước Mỹ nhưng cũng cho cả thế giới”

Đây là những lời chỉ trích mới nhất của người đứng đầu chính quyền Washington đối với cách thức Trung Quốc xử lý dịch bệnh, mà theo điều tra đã bắt đầu từ cuối năm ngoái ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, trước khi lan khắp thế giới.

Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 985.000 ca nhiễm nCoV, trong đó gần 56.000 người chết. Một số bang của Mỹ bắt đầu mở cửa trở lại một số cơ sở kinh doanh và địa điểm công cộng sau thời gian dừng hoạt động. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo cần duy trì cách biện cộng đồng để ngăn virus lây lan.

Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc vào tháng 12/2019, xuất hiện tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 3 triệu ca nhiễm, hơn 210.000 người chết và gần 892.000 người đã hồi phục.

Anh nghiên cứu kiện Trung Quốc 6.500 tỷ USD vì Covid-19

Viện nghiên cứu Henry Jackson Society ở Anh cho rằng các nước G7 có thể kiện Trung Quốc, đòi bồi thường ít nhất 6.500 tỷ USD do để Covid-19 lây lan.

“Nếu Trung Quốc cung cấp thông tin chính xác trong giai đoạn đầu, dịch bệnh đã không rời khỏi nước này”, Viện Henry Jackson Society (HJS) có trụ sở tại London, Anh, viết trong báo cáo “Bồi thường virus corona?” được công bố hôm nay.

Tài liệu cho rằng Trung Quốc đã vi phạm 10 điều luật, trong đó có Quy định Sức khỏe Quốc tế (IHR) vốn được siết chặt sau đại dịch SARS năm 2003. HJS khẳng định nỗ lực che giấu bệnh dịch của Bắc Kinh đã khiến Covid-19 lan khắp thế giới, khiến hơn 1,3 triệu người nhiễm, hơn 74.000 người chết và làm thiệt hại hàng nghìn tỷ USD. Mỹ và châu Âu hiện là điểm nóng khi số ca nhiễm và tử vong tăng nhanh, chưa xác định được đỉnh dịch.

“Nhiều quan chức Trung Quốc, bao gồm phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên đã ủng hộ quan điểm phi lý rằng nCoV được quân đội Mỹ đưa vào Vũ Hán, thay vì bắt nguồn từ chợ hải sản ở thành phố này, nơi động vật hoang dã được mua bán”, báo cáo có đoạn viết.

Tổ chức này cho rằng Trung Quốc cần bồi thường tối thiểu 6.500 tỷ USD, tương đương số tiền các quốc gia G7 đang bỏ ra để đối phó dịch bệnh và cứu trợ nền kinh tế do người dân phải ở nhà, còn các ngành công nghiệp bị đình trệ.

IHR yêu cầu các nước phải theo dõi và chia sẻ thông tin về khả năng truyền nhiễm và mức độ nghiêm trọng của những mầm bệnh có khả năng lây lan giữa các nước. Viện Henry Jackson Society cáo buộc Trung Quốc đã hành động ngược lại khi che giấu thông tin và trừng phạt những người tìm cách công bố dữ liệu.

Ấn Độ khởi kiện Trung Quốc

Ủy ban Luật gia Quốc tế và Hiệp hội Luật sư Ấn Độ đã gửi đơn lên Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc, yêu cầu Trung Quốc chịu trách nhiệm về việc che giấu dịch bệnh dẫn đến đại dịch toàn cầu.

Ông Adish C. Aggarwala, Chủ tịch Ủy ban Luật gia Quốc tế đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Luật sư toàn Ấn Độ (Ảnh: The Print)

Đây là trường hợp mới nhất sau khi một tổ chức dân sự Mỹ khởi kiện tập thể Trung Quốc. Theo các cơ quan truyền thông Ấn Độ The Times of India và Business Today, hai tổ chức quốc tế là Ủy ban Luật gia quốc tế (International Commission of Jurists – ICJ) và Hiệp hội Luật sư toàn Ấn Độ (All India Bar Association – AIBA) đã đệ đơn khiếu nại lên Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC) để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về sự lây lan của virus Corona mới trên toàn thế giới, gây tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tâm lý, cũng như gây nguy hại về kinh tế và xã hội cho người dân trên thế giới.

Ông Adish C. Aggarwala, Chủ tịch Ủy ban Luật gia Quốc tế đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Luật sư toàn Ấn Độ, viết trong đơn khiếu nại: “Chúng tôi khiêm tốn khẩn cầu Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc yêu cầu và buộc Trung Quốc bồi thường xứng đáng cho cộng đồng quốc tế và các quốc gia thành viên, đặc biệt là Ấn Độ”.

Trong đơn khiếu nại mà ông Aggarwala đệ trình có nói, trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã cố tình ém nhẹm thông tin liên quan, che đậy cảnh báo của Tiến sĩ Lý Văn Lượng và Tiến sĩ Lý Văn Lượng cũng bị họ phê phán và trừng phạt. Trung Quốc đã không quản chế một cách hiệu quả việc di chuyển của những người bị nhiễm bệnh, điều này dẫn đến sự lây lan của dịch bệnh trên toàn thế giới.

Australia xem xét điều tra việc dịch bệnh COVID-19

Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne ngày 19/4 đã lên tiếng yêu cầu thành lập một cơ chế độc lập để điều tra việc dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc.

Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne yêu cầu thành lập một cơ chế độc lập để điều tra việc dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc (Ảnh: Đa Chiều).

Theo trang tin Hoa ngữ quốc tế Đa Chiều ngày 20/4, bà Payne đã nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn chương trình Insiders của hãng truyền thông ABC vào ngày 19/4 rằng niềm tin của bà với Trung Quốc chắc chắn là lâu dài, nhưng bà quan tâm hơn đến tính minh bạch của thông tin dịch bệnh.

Bà nói muốn có một cuộc xem xét đánh giá độc lập, có tính quốc tế về dịch bệnh; điều tra nguồn gốc và cách xử lý bệnh dịch. Bà nói: “Tôi cho rằng tiến hành trong bối cảnh của những vấn đề này, mấu chốt là sự minh bạch”.

Bà Payne nói: “Sự khẳng định về sự minh bạch của Trung Quốc phải đến từ tất cả các quốc gia quan trọng trên thế giới, sẽ là một phần của bất kỳ cuộc điều tra nào được tiến hành”.

Bà Marise Payne nói: “Các vấn đề xung quanh virus Corona mới cần phải được xem xét đánh giá độc lập và tôi nghĩ chúng ta làm như vậy là rất quan trọng. Trên thực tế, Australia nhất định sẽ kiên trì điều này”.

Thành Nhân

Bài mới
Đọc nhiều