Tổng thống Donald Trump không muốn đưa Mỹ rời khỏi NATO
Theo Đài Sputnik, trong cuộc phỏng vấn với The Washington Post, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông không muốn Mỹ rời khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng các đồng minh phải đóng góp chi phí hoạt động.
Như cựu cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton cho biết trong cuốn sách “The Room Where It Happened: A White House Memoir,” ông Trump đã đe dọa các nhà lãnh đạo NATO tại hội nghị thượng đỉnh năm 2018 rằng sẽ đưa Mỹ rời khỏi liên minh nếu họ không đóng góp 2% GDP.
Theo ông Bolton, ông sau đó đã nói về lời đe dọa của Trump với Ngoại trưởng Mike Pompeo. Cả hai quyết định thuyết phục ông ở lại liên minh, tuy nhiên sẽ cắt giảm mức đóng góp của Mỹ.
Kết quả là, trong bài phát biểu của mình, ông Trump đã hành động như lời khuyên của Bolton – ông tuyên bố ủng hộ NATO, nhưng chỉ trích những quốc gia trong liên minh có mức đóng góp ngân sách quốc phòng nhỏ.
Phát biểu với tờ báo trên, ông chủ Nhà Trắng nêu rõ: “Có những nước gần như không đóng góp gì, và bây giờ thì họ đã đồng ý đóng tiền. Và họ hỏi tôi một câu hỏi quan trọng: Ông sẽ rời đi nếu… và tôi trả lời: Vâng, tôi sẽ rời đi. Nếu không đưa ra câu trả lời như vậy, họ sẽ không chịu trả tiền.”
Khi được hỏi về việc có thực sự muốn Mỹ rời NATO hay không, ông Trump khẳng định: “Không, tôi không muốn rời đi … Nhưng tôi muốn họ phải đóng góp một cách công bằng.”
Trong hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2014 tại Wales, các bên đã quyết định rằng trong tương lai tất cả các quốc gia trong liên minh sẽ nâng mức đóng góp chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP.
Ông Trump đã nhiều lần kêu gọi các đối tác trong liên minh thực hiện thỏa thuận đạt được tại Bucharest, đồng thời dọa Washington sẽ cắt giảm chi phí các chương trình an ninh chung cho các nước thành viên NATO.
Trong hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels, nhà lãnh đạo Mỹ đã đặt vấn đề rằng mức chi tiêu quốc phòng không nên chỉ dừng lại ở mức 2% theo thỏa thuận, mà nên nâng lên mức mới, 4%.
Các quốc gia thành viên NATO đóng góp trực tiếp và gián tiếp bằng ngân sách quốc gia. Đóng góp trực tiếp vào quỹ tài chính cho nhu cầu của liên minh.
Việc đóng góp ngân sách quốc gia được sử dụng cho nhu cầu cung cấp vật tư kỹ thuật hoặc quốc phòng, nhằm tham gia các hoạt động quân sự, trang trải chi phí và những vấn đề liên quan.
(Theo Sputnik)