Tổng thống Brazil bị phạt vì vi phạm quy định phòng Covid-19
Tổng thống Brazil Bolsonaro bị phạt hơn 100 USD vì vi phạm quy định phòng Covid-19 ở bang Sao Paulo, gồm không đeo khẩu trang và tụ tập đông người.
Thế giới đã ghi nhận 176.311.731 ca nhiễm nCoV và 3.805.599 ca tử vong, tăng lần lượt 278.402 và 5.084, trong khi 158.513.674 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Brazil là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với 17.374.818 ca nhiễm và 486.272 ca tử vong, tăng lần lượt 73.598 và 1.922. Tuy nhiên, hàng nghìn xe máy tham gia cuộc mít tinh ở Sao Paulo do Tổng thống cực hữu Jair Bolsonaro dẫn đầu. Ông không đeo khẩu trang, vi phạm các quy định về y tế của bang.
Bolsonaro, người đã tổ chức các cuộc mít tinh như vậy trên khắp Brazil để chuẩn bị tái tranh cử vào năm tới, đã bất chấp cảnh báo trước đó từ Thống đốc Sao Paulo Joao Doria, một đối thủ chính trị, rằng Tổng thống sẽ bị phạt nếu ông không tuân theo quy định của bang.
Phát biểu trước đám đông khổng lồ những người ủng hộ vẫy cờ, Bolsonaro tiếp tục phản đối đeo khẩu trang, nói rằng ông dự định dỡ bỏ các yêu cầu về khẩu trang đối với những người đã được tiêm vaccine Covid-19.
“Bất cứ ai phản đối việc dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang đối với người đã tiêm vaccine đều không tin vào khoa học. Không đời nào một người đã tiêm vaccine lại có thể bị lây nhiễm virus”, ông nói.
Trên thực tế, có rất ít sự đồng thuận về mặt khoa học rằng những người được tiêm chủng có nguy cơ lây lan virus hay không. Quan chức y tế công cộng thường khuyến khích họ tiếp tục đeo khẩu trang trong các tình huống rủi ro.
Giới chức bang Sao Paulo cho biết họ đã phạt Bolsonaro, con trai ông là nghị sĩ Eduardo, và Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Tarcisio Gomes vì không đeo khẩu trang và không tuân theo các biện pháp giãn cách xã hội tại cuộc mít tinh. Mỗi người bị phạt 552,71 real, tương đương khoảng 108 USD.
Bolsonaro đã nhiều lần xung đột với Doria và các thống đốc khác về biện pháp phòng chống Covid-19. Tổng thống thường xuyên chỉ trích các biện pháp, thay vào đó quảng bá các loại thuốc như chloroquine và hydroxychloroquine, dù các nghiên cứu cho thấy chúng không hiệu quả với Covid-19.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 34.312.630 ca nhiễm và 614.984 ca tử vong do nCoV, tăng 6.184 ca nhiễm và 246 ca tử vong so với một ngày trước đó.
Hơn hai triệu hành khách tại các sân bay Mỹ đã được xét nghiệm hôm 11/6, con số cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này tháng 3/2020.
Với tỷ lệ nhiễm và tử vong do Covid-19 giảm trên khắp nước Mỹ, nhiều thành phố và bang đã dỡ bỏ các hạn chế. Tuy nhiên, quan chức tiếp tục cảnh báo những người chưa được tiêm chủng vẫn dễ bị nhiễm virus, đặc biệt là đối với các biến thể nguy hiểm, có thể cản trở tiến trình quốc gia chống đại dịch.
Trên toàn quốc, 64% người trưởng thành đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19 và khoảng 54% được tiêm chủng đầy đủ, tuy nhiên với tốc độ tiêm chủng hiện nay, mục tiêu của chính quyền Tổng thống Joe Biden là 70% người trưởng thành được tiêm ít nhất một liều vaccine vào ngày 4/7 sẽ không thể đạt được.
Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 29.424.006 ca nhiễm và 367.577 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 65.973 và 480 ca.
Chính phủ Ấn Độ đã cắt giảm thuế đối với một số thiết bị y tế và thuốc cho đến cuối tháng 9. Trước đó đã có những lời kêu gọi loại bỏ thuế để giúp ứng phó Covid-19 và mở rộng quyền tiếp cận cho người dân. Tuy nhiên, nước này sẽ giữ nguyên mức thuế 5% đối với vaccine.
Hơn 239 triệu liều vaccine đã được tiêm trên khắp Ấn Độ. Quốc gia Nam Á này đã tăng tốc chương trình tiêm vaccine Covid-19 trong vài tuần qua, song phần lớn trong 1,3 tỷ dân nước này dự kiến chưa được tiêm vào thời điểm làn sóng thứ ba có thể bùng phát.
Nga báo cáo 5.193.964 người nhiễm và 126.073 người chết, tăng lần lượt 13.510 và 399 trường hợp. Với số liệu này, ca nhiễm ở Nga đã đạt mức cao nhất trong ba tháng và đánh dấu ngày tăng mạnh thứ năm liên tiếp.
Thông báo được đưa ra một ngày sau khi thị trưởng Moskva cho biết ông dự kiến thành phố chứng kiến mức tăng đỉnh điểm ca nhiễm vào tháng 6 hoặc tháng 7.
Cơ quan thống kê liên bang đưa ra kiểm kê riêng biệt, nói rằng Nga đã ghi nhận khoảng 270.000 ca tử vong liên quan Covid-19 trong khoảng thời gian từ tháng 4/2020 đến tháng 4/2021, cao hơn gấp đôi số liệu công bố chính thức.
Anh dự kiến hoãn dỡ bỏ tất cả hạn chế ngăn Covid-19 so với kế hoạch ban đầu là 21/6 do lo ngại biến chủng Delta lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ. Các ca nhiễm ở Anh đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ mùa đông.
Thủ tướng Boris Johnson nói rằng sự lây lan của biến thể Delta là vấn đề “nghiêm trọng” và ông kém lạc quan hơn so với hồi cuối tháng 5. Một cuộc thăm dò trên tờ Observer cho thấy phần lớn công chúng ủng hộ trì hoãn.
Tổng thống Cộng hòa Dân chủ Congo Felix Tshisekedi cho biết các bệnh viện của thủ đô đang bị “choáng ngợp” bởi sự gia tăng ca Covid-19. Tshisekedi cho biết ông sẽ thực hiện “các biện pháp quyết liệt” để đối phó tình trạng gia tăng ca nhiễm liên quan biến thể Delta, nhưng không nêu rõ các biện pháp là gì.
Quan chức y tế ghi nhận 254 ca Covid-19 hôm 11/6, một trong những mốc cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Congo hiện ghi nhận 35.000 ca nhiễm và 830 ca tử vong.
Congo đã trì hoãn chiến dịch tiêm chủng hơn một tháng vì lo ngại tác dụng phụ của vaccine AstraZeneca.
Các chuyên gia nói rằng ở Congo, xét nghiệm hạn chế đồng nghĩa số liệu được công bố có thể thấp hơn nhiều so với con số thực tế. Họ cũng nói rằng các bệnh viện không được trang bị đầy đủ để đối phó với đợt bùng phát mới.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.901.490 ca nhiễm, tăng 7.465, trong đó 52.730 người chết, tăng 164.
Singapore sẽ bắt đầu nới lỏng các hạn chế ngăn Covid-19 theo từng giai đoạn, bắt đầu từ 14/6. Bộ Y tế Sigapore cho biết quyết định được đưa ra sau khi sự lây nhiễm trong nước chậm lại và ca mắc mới giảm.
Trung bình số ca Covid-19 mới hàng ngày trên toàn cầu tuần qua giảm 16% xuống còn khoảng 390.800, theo thống kê của AFP. Tỷ lệ tử vong trên toàn cầu giảm 9% trong tuần này xuống 10.145 trường hợp mỗi ngày.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng số người chết vì đại dịch có thể cao gấp ba lần so với số liệu chính thức.
Khoảng 2,295 tỷ liều vaccine đã được triển khai tại 216 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, có sự chênh lệch lớn giữa các nước giàu và nước nghèo. Tỷ lệ tiêm trên 100 người ở châu Phi là 2,9 liều, trong khi con số ở Mỹ và Canada là 90,4 liều, châu Âu 52,2 liều. Tiếp theo là châu Á với 28,9 liều, Mỹ Latinh và Caribe 28,9 liều, Trung Đông 21,2 liều và châu Đại Dương 16,1 liều.
(Theo AFP, Guardian)