Tổng thống Biden cấp tốc bãi bỏ nhiều chính sách thời ôngTrump
Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden lập tức ký 15 sắc lệnh hành pháp, chính thức xóa sổ nhiều chính sách từ người tiền nhiệm Donald Trump.
Tổng thống Biden ký sắc lệnh trên tại Phòng Bầu dục trong Nhà Trắng vào trưa 20.1 (giờ Mỹ). “Một số sắc lệnh tôi sắp ký hôm nay sẽ hỗ trợ thay đổi tình hình của cuộc khủng hoảng Covid-19, chúng ta sẽ chống biến đổi khí hậu theo cách mà chúng ta chưa từng làm, thúc đẩy bình đẳng chủng tộc và hỗ trợ các cộng đồng không được quan tâm đúng mức”, ông Biden nhấn mạnh với giới phóng viên trước khi ký các sắc lệnh.
Một số phụ tá của Tổng thống Biden cho hay những sắc lệnh, hành động nhà lãnh đạo vừa ký gồm có lệnh thiết lập một văn phòng Nhà Trắng mới điều phối cách ứng phó Covid-19 và việc dừng quá trình rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Hồi giữa năm 2020, Tổng thống Trump khi đó tuyên bố rút Mỹ khỏi WHO với cáo buộc tổ chức này là “con rối của Trung Quốc”.
Ngoài ra, ông Biden ký một tài liệu bắt đầu quá trình tái gia nhập hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và ban hành lệnh xử lý biến đổi khí hậu. Hồi tháng 6.2017, Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này vì cho rằng nó không công bằng khi hạn chế việc phát triển ngành công nghiệp sản xuất ở Mỹ.
Trong số các lệnh xử lý vấn đề nhập cư, Tổng thống Biden đã rút lại tuyên bố khẩn cấp của ông Trump nhằm tìm kiếm ngân sách cho việc xây bức tường biên giới và kết thúc lệnh cấm đi lại đối với một số quốc gia Hồi giáo.
Trong vài ngày tới, Tổng thống Biden được cho là sẽ tiếp tục ký thêm nhiều sắc lệnh nhằm thực hiện những lời hứa của ông đối với người dân Mỹ.
Theo CNBC, đứng đầu danh sách những lệnh mà ông Biden dự định ký là “Thử thách đeo khẩu trang 100 ngày” nhằm yêu cầu người dân đeo khẩu trang và giữ giãn cách xã hội khi ở các công trình liên bang. Cũng liên quan đến vấn đề y tế, ông Biden đã đảo ngược quyết định rút nước Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mà ông Trump đưa ra hồi năm ngoái.
Dưới đây là bản danh sách những lệnh hành pháp mà ông Biden đã ký trong những giờ đầu tiên sau lễ nhậm chức, theo mô tả của nhóm chuyển tiếp:
– Khởi động “Thử thách đeo khẩu trang 100 ngày”, các viên chức chính phủ sẽ làm gương cho người dân.
– Tái tham gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để giúp người Mỹ và cả thế giới an toàn hơn
– Tổ chức chính phủ liên bang để điều phối phản ứng chống dịch COVID-19 thống nhất toàn quốc
– Kéo dài thời gian hoãn siết nợ nhà và hoãn trục xuất người thuê nhà khỏi nơi ở
– Kéo dài thời gian hoãn thanh toán nợ sinh viên
– Đưa Mỹ tái tham gia Thỏa thuận Paris về Biến đổi Khí hậu
– Đảo ngược các chính sách môi trường của Tổng thống Trump để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường.
– Phát động một sáng kiến trên quy mô toàn chính phủ để thúc đẩy bình đẳng chủng tộc
– Đảo ngược lệnh hành pháp của ông Trump về việc không tính người nhập cư không có giấy tờ khi phân bổ số ghế trong Hạ viện cho các bang.
– Duy trì và củng cố các biện pháp bảo vệ người nhập cư đến Mỹ từ khi còn nhỏ
– Bãi bỏ chính sách cấm nhập cư với người theo Đạo Hồi
– Bãi bỏ Lệnh thi hành nội địa trong lĩnh vực nhập cư mà ông Trump ban hành năm 2017
– Dừng xây dựng bức tường biên giới Mỹ – Mexico
– Ban hành bản ghi nhớ của tổng thống về việc hoãn trục xuất với người Liberia
– Phòng chống hành vi phân biệt dựa theo giới tính hay xu hướng tình dục
– Ban hành lệnh về đạo đức của nhân viên thuộc nhánh hành pháp
– Ban hành lệnh và bản ghi nhớ về quy trình quản lý
Phát biểu tại Lễ nhậm chức, ông Biden tuyên bố: “Ý chí và nguyện vọng của nhân dân đã được lắng nghe và tuân thủ. Chúng ta đã một lần nữa học được rằng nền dân chủ rất đáng quý và cũng rất mong manh. Tại giờ phút này, nền dân chủ đã thắng thế. Hôm nay là ngày của nước Mỹ, là ngày của dân chủ. Một ngày trong lịch sử tràn đầy hy vọng về sự hồi sinh và quyết tâm”.
Tổng thống Biden nói về những thách thức phía trước của đất nước như đại dịch COVID-19 đã khiến cho hơn 400.000 người Mỹ mất mạng và vẫn đang lan rộng hàng ngày.
Tân tổng thống nói về những hàng quán đóng cửa trên khắp thủ đô Washington như là minh chứng cho thiệt hại kinh tế ghê gớm của dịch bệnh. Các cuộc biểu tình hồi mùa hè năm ngoái còn làm bộc lộ những căng thẳng dồn nén từ lâu về bất bình đẳng chủng tộc.
Người tiền nhiệm của ông Biden – Tổng thống đời thứ 45 của nước Mỹ Donald Trump – không có mặt tại lễ nhậm chức. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1869 một tổng thống sắp mãn nhiệm không đến dự lễ đăng quang của người kế nhiệm.
Ba cựu tổng thống trước ông Trump là Bill Clinton (Đảng Dân chủ), George W. Bush (Đảng Cộng hòa) và Barack Obama (Đảng Dân chủ) cùng phu nhân đều có mặt để chúc mừng vợ chồng ông Biden.
Đảng Dân chủ hiện nay đang kiểm soát cả Nhà Trắng lẫn hai viện Quốc hội. Tại Hạ viện, đảng của Tổng thống Joe Biden đang có 221 ghế trong khi Đảng Cộng hòa có 211 ghế.
Ở Thượng viện, Phó Tổng thống Kamala Harris vừa làm lễ tuyên thệ nhậm chức cho ba nghị sĩ Đảng Dân chủ là Alex Padilla đến từ bang California và Raphael Warnock và Jon Ossoff – hai người vừa giành chiến thắng trong cuộc đua gay cấn ở Georgia.
Cả hai đảng cùng có 50 ghế và Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ nắm lá phiếu quyết định, phá vỡ thế giằng co.
Thượng viện có cả một núi công việc trước mắt, bao gồm tổ chức các phiên điều trần để xác nhận nhân sự do ông Biden đề cử, luận tội cựu Tổng thống Trump và thảo luận hàng loạt dự luật để ứng phó với đại dịch và suy thoái kinh tế.
Lãnh đạo phe đa số (Đảng Dân chủ) Thượng viện là ông Chuck Schumer, Lãnh đạo phe thiểu số (Đảng Cộng hòa) là ông Mitch McConnell.
Nguyễn Anh