+
Aa
-
like
comment

Tổng thống Afghanistan lần đầu lên tiếng sau khi tháo chạy khỏi Kabul

Tùng Anh - 16/08/2021 07:27

Tổng thống Afghanistan Ghani cho biết việc ông rời đi khi Taliban tiến vào Kabul là “lựa chọn khó khăn”, khẳng định sẽ “luôn tiếp tục phục vụ” đất nước.

“Hôm nay, tôi đã phải đưa ra một lựa chọn khó khăn, liệu tôi nên đối mặt với quân Taliban có vũ trang đang muốn tiến vào phủ tổng thống hay rời bỏ đất nước thân yêu mà tôi đã dành cả cuộc đời để bảo vệ và chăm sóc trong 20 năm qua”, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani ngày 16/8 viết trên Facebook. “Taliban đã nêu rõ ý muốn loại bỏ tôi, họ đến để tấn công Kabul và người dân Kabul. Nhằm tránh đổ máu, tôi nghĩ tốt nhất là nên ra đi”.

Dù vậy, Tổng thống Ghani thêm rằng ông sẽ “luôn phục vụ đất nước của mình bằng cách đưa ra những ý tưởng và chương trình hành động”.

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani phát biểu trong lễ nhậm chức hồi tháng ba năm ngoái ở Kabul. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani phát biểu trong lễ nhậm chức hồi tháng ba năm ngoái ở Kabul.

Trước đó cùng ngày, các nguồn tin cho CNN biết Ghani và các quan chức cấp cao khác của Afghanistan đã rời khỏi đất nước. Theo hai nguồn tin, ông đã bay tới Tajikistan. Một nguồn tin khác ở Afghanistan nói rằng Tajikistan không phải điểm đến cuối cùng của Tổng thống Ghani nhưng từ chối tiết lộ ông sẽ tới đâu. Không rõ ông đăng bài viết lên Facebook từ đâu.

Theo Ghani, Taliban đã chiếm quyền kiểm soát “bằng gươm và súng” và “phải chịu trách nhiệm bảo vệ cho danh dự, phồn thịnh cũng như tự trọng” của Afghanistan.

“Họ không giành được lòng người”, Tổng thống Ghani viết. “Họ giờ đây phải đối mặt một bài kiểm tra mang tính lịch sử mới, liệu họ sẽ bảo vệ tên tuổi và danh dự của Afghanistan hay sẽ ưu tiên những địa điểm và mạng lưới khác”.

Theo Hãng tin AFP, ông Ghani đã hai lần đắc cử tổng thống, cả hai lần đó đều xảy ra các cuộc tranh chấp gay gắt.

Ông Ghani rời bỏ đất nước mà không nói rằng sẽ đi đâu. Đài Al Jazeera sau đó đưa tin ông đã bay đến Uzbekistan.

“Để tránh đổ máu, tôi nghĩ tốt hơn là nên rời đi”, ông Ghani nói lý do mình bỏ trốn trên Facebook.

Ông Ghani đắc cử tổng thống lần đầu năm 2014, tiếp quản từ người tiền nhiệm Hamid Karzai – người đã lãnh đạo Afghanistan khi Mỹ can thiệp quân sự vào năm 2001.

Tổng thống Ghani xem nỗ lực chấm dứt xung đột kéo dài hàng thập kỷ là ưu tiên hàng đầu, bất chấp việc Taliban tiếp tục tấn công chính phủ và lực lượng an ninh.

Ông Ghani bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban ở thủ đô Doha của Qatar vào năm 2020.

Tuy nhiên, các chính phủ nước ngoài thất vọng vì tiến độ đàm phán chậm chạp và phản ứng ngày càng gay gắt của ông, đồng thời kêu gọi một chính phủ lâm thời thay thế chính quyền của ông Ghani.

Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Ghani đã cố gắng bổ nhiệm thế hệ lãnh đạo mới gồm những người Afghanistan trẻ tuổi, có học thức.

Ông hứa sẽ chống tình trạng tham nhũng tràn lan, khắc phục nền kinh tế trì trệ và biến đất nước thành một trung tâm thương mại giữa Trung và Nam Á. Tuy vậy, ông Ghani không thể thực hiện hầu hết những lời hứa này.

Về bằng cấp, ông Ghani là nhà nhân chủng học được đào tạo ở Mỹ, có bằng tiến sĩ tại Đại học Columbia ở New York. Ông được tạp chí Foreign Policy vinh danh là một trong “100 nhà tư tưởng thế giới có tầm ảnh hưởng toàn cầu” vào năm 2010.

Taliban đã kiểm soát hoàn toàn thủ đô Kabul và tuyên bố giành chiến thắng (Ảnh: Reuters).
Taliban đã kiểm soát hoàn toàn thủ đô Kabul và tuyên bố giành chiến thắng (Ảnh: Reuters).

Con đường tới với chính trị của ông Ghani rất gian nan. Ông dành một phần tư thế kỷ bên ngoài Afghanistan, thời quốc gia này trải qua sự thống trị của Liên Xô, nội chiến và Taliban.

Trong thời gian đó, ông làm việc với tư cách học giả tại Mỹ và sau đó là Ngân hàng Thế giới và Liên Hiệp Quốc trên khắp Đông và Nam Á.

Chỉ vài tháng sau khi Mỹ can thiệp vào Afghanistan, ông Ghani trở về Kabul để trở thành cố vấn cấp cao cho tổng thống Karzai.

Ông từng là bộ trưởng tài chính vào năm 2002. Năm 2004 ông Ghani làm hiệu trưởng Đại học Kabul. Năm 2009, ông tranh cử tổng thống nhưng chỉ đứng thứ tư với 4% phiếu bầu trên toàn quốc.

Với việc cựu tổng thống Karzai bị hiến pháp ngăn cản cầm quyền lần thứ ba, ông Ghani ra tranh cử lần hai và thành công vào năm 2014, rồi tái đắc cử vào năm 2019.

Mối quan hệ của ông Ghani với Washington và các nước phương Tây không mấy suôn sẻ.

Ông phê bình cái mà ông gọi là lãng phí viện trợ quốc tế ở Afghanistan và thường không để tâm đến chiến lược Afghanistan của phương Tây.

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài BBC, ông Ghani nói: “Tương lai sẽ do người dân Afghanistan quyết định, không phải bởi ai đó ngồi sau bàn giấy và mơ mộng”.

Taliban phát động đợt tiến công đầu tiên hồi tháng 5 sau khi Mỹ và đồng minh rút phần lớn lực lượng khỏi Afghanistan, trong bối cảnh Tổng thống Joe Biden quyết tâm chấm dứt chiến dịch quân sự kéo dài 20 năm tại quốc gia Trung Á.

Phiến quân hôm qua tiến vào Kabul mà không gặp sự kháng cự nào từ lực lượng chính phủ. Như vậy, Taliban chắc chắn sẽ khôi phục quyền lực bị lật đổ 20 năm trước, nhanh hơn rất nhiều so với thời hạn 90 ngày mà tình báo Mỹ đánh giá về đà tiến của nhóm này.

Tùng Anh

Bài mới
Đọc nhiều