Tổng thầu Trung Quốc đáp trả: Không có 50 triệu USD không điều được người sang làm việc
Ngoài nợ các nhà thầu phụ dự án đường sắt Cát Linh Hà Đông, Tổng thầu Trung Quốc còn nợ các nhà cung cấp thiết bị rất lớn. Nếu không có 50 triệu USD rất khó để điều động nhân sự sang VN.
Trao đổi với PV, ông Đường Hồng, Giám đốc Tổng thầu Trung Quốc dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông cho biết, hiện có 9 người của tổng thầu đã có mặt tại VN. Dự kiến đến 12/6 tới sẽ có thêm 26 chuyên gia sang để tập trung hoàn thành công việc nghiệm thu bàn giao dự án.
Tuy nhiên, số nhân sự còn lại sang VN vào đợt kế tiếp phải xem tình hình thanh toán giữa chủ đầu tư – Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) với tổng thầu.
“Chúng tôi điều động toàn bộ nhân sự sang VN rất khó khăn vì liên quan đến nhận sự các nhà cung cấp thiết bị.
Mặc dù 100% thiết bị đã về hiện trường được lắp đặt và căn chỉnh 2 năm nay, nhưng một số chi phí chưa được chi trả. Nguyên nhân là chưa nghiệm thu được nên không thể quyết toán.
Nếu không có 50 triệu USD để chúng tôi thanh toán cho các nhà cung cấp thiết bị thì họ không cử người sang.
Toàn bộ dự án có 11 nhà cung cấp thiết bị chuyên ngành, chỉ 1 trong số 11 nhà cung cấp không cử người sang thì không thể hoàn thành được công việc nghiệm thu”, ông Đường Hồng cho biết.
Giám đốc Tổng thầu Trung Quốc cho biết thêm, khoản 50 triệu USD đề nghị thanh toán là khoản yêu cầu thấp nhất, cơ bản nhất để đáp ứng được nhân sự sang tiếp tục công việc.
Hiện chủ đầu tư đã thanh toán cho Tổng thầu 78,97% gíá trị hợp đồng. Nếu được thanh toán thêm 50 triệu USD giá trị hợp đồng sẽ tăng lên 86,7%. Số còn lại khoảng 85,7 triệu USD nữa là đạt 100% giá trị hợp đồng.
Cũng theo đại diện Tổng thầu, việc xây dựng lắp đặt xong công trình dự án đã đạt 100%, nhưng sau khi công trình hoàn thành thì việc hoàn thiện hồ sơ có rất nhiều thủ tục.
Việc thanh toán theo từng giai đoạn nhất định. Ví dụ lắp đặt xong thiết bị thanh toán bao nhiêu, nghiệm thu động, nghiệm thu tĩnh thanh thoán bao nhiêu theo hợp đồng cụ thể.
Liên quan đến việc Bộ GTVT cho biết chỉ thanh toán cho Tổng thầu khi khối lượng công việc hoàn thành, ông Đường Hồng cho rằng, không chỉ công tác thanh toán, các việc khác cũng phải qua trao đổi, thương thảo để đi đến thống nhất.
“Đầu tiên khoảng cách rất xa, hợp đồng quy định các điều khoản nhưng để thực hiện được các bên phải thương thảo cụ thể với nhau. Việc Tổng thầu đề nghị được thanh toán 50 triệu USD cũng vậy”, ông Đường Hồng nói.
Tiền sẵn, thanh toán sớm hay muộn phụ thuộc tổng thầu
Ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, chủ đầu tư rất chia sẻ khó khăn của Tổng thầu, nhưng việc giải ngân phải theo quy định hợp đồng, khối lượng làm xong tổng thầu trình hồ sơ lên đủ điều kiện sẽ thanh toán ngay.
Theo ông Phương, trong hợp đồng quy định rõ, việc lắp đặt còn có những chi tiết chưa đủ điều kiện, tư vấn chưa đánh giá nghiệm thu được thì chưa thể nghiệm thu thanh toán.
“Những hồ sơ hoàn thiện đủ điều kiện chủ đầu tư đã giải ngân cho Tổng thầu. Còn những hạng mục chưa hoàn thiện thì Tổng thầu phải hoàn thiện sớm để trình chủ đầu tư nghiệm thu để thanh toán.
Chúng tôi đang tiếp tục yêu cầu Tổng thầu và tư vấn trình hồ sơ để giải ngân. Tiền có sẵn và chủ đầu tư mong Tổng thầu hoàn thiện thủ tục, đủ điều kiện để giải ngân”, ông Phương khẳng định.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết thêm, theo quy định dự án hoàn thành đúng yêu cầu thiết kế, đủ điều điều kiện có thể được thanh toán 95% tổng mức đầu tư. 5% còn lại Tổng thầu phải thực hiện nghĩa vụ bảo hành hết 24 tháng. Sau khoảng thời gian này nếu không còn vấn đề gì phát sinh sẽ thanh toàn hết.
Ông cũng nói rõ, việc thanh toán và thực hiện tiến hành vận hành thử là 2 vấn đề khác nhau, Tổng thầu phải hoàn thiện nhanh nhất. Chủ đầu tư sẽ giải ngân khi đủ điều kiện.
Giám đốc Tổng thầu Đường Hồng cho biết, đường sắt Cát Linh – Hà Đông được tiến hành vận hành thử 20 ngày theo biểu đồ chạy tàu cuối năm 2018.
Đến tháng 10/2019 tổng thầu đã phối hợp với các bên vận hành thử cho nhân viện, học viên của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nôi (Metro Hà Nội) trong 5 ngày…
Ông Đường Hồng cho biết, kế hoạch vận hành toàn tuyến chậm hơn so với kế hoạch do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trường hợp các chuyên gia sang VN sớm thì cũng phải mất 1 tháng để Tổng thầu chuẩn bị nhận sự. Vì thời gian sang VN thực hiện cách ly đã mất 14 ngày, làm Visa 5 ngày, kiểm tra y tế một hai ngày sau đó mới có thể đi làm bình thường.
Vũ Điệp/VNN