+
Aa
-
like
comment

Tổng liên đoàn Lao động: ‘Làm nhiều, nghỉ ít là bất công’

23/09/2019 17:40

Đại diện Tổng liên đoàn Lao động cho rằng, cán bộ, công chức làm việc 40 giờ mỗi tuần, trong khi công nhân phải làm 48 giờ là bất công.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động trao đổi với VnExpress xung quanh đề xuất thêm 3 ngày nghỉ trong năm và giảm giờ làm từ 48 giờ xuống còn 44 giờ/tuần.

– Căn cứ nào để Tổng liên đoàn Lao động đề xuất như trên?

– Lịch sử phát triển xã hội và xu thế chung của thế giới là giảm giờ làm, tăng thời gian nghỉ ngơi. Trước cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, đa số quốc gia làm việc 14-18 giờ mỗi ngày, nhưng từ năm 1886, công nhân Chicago (Mỹ) đấu tranh ngày làm việc 8 giờ, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi. Sau đó các nước đã áp dụng chế độ 8 giờ làm việc.

Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) đã có Công ước 47 về làm việc 40 giờ một tuần, xác định các quốc gia cần tiếp tục các nỗ lực giảm giờ làm cho mọi loại hình công việc mà tiêu chuẩn sống không bị giảm bớt. Hiện chỉ còn khoảng trên 40 quốc gia làm việc 48 giờ mỗi tuần, còn hầu hết đã áp dụng chế độ 40 giờ, thậm chí dưới 40 giờ.

Tổng thời gian làm việc trong năm ở Việt Nam (đã trừ thời gian nghỉ lễ) là 2.320 giờ, khá cao so với các quốc gia khác, ví dụ cao hơn Indonesia 440 giờ, hơn Campuchia 184 giờ, Singapore 176 giờ… Số ngày nghỉ lễ, tết ở Việt Nam 10 ngày là thấp nhất trong khu vực; số ngày nghỉ phép khởi điểm 12 ngày trong khi Công ước 132 về nghỉ phép của ILO quy định, người lao động nên được nghỉ phép có hưởng lương không dưới 3 tuần mỗi năm.

Trong dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi), Chính phủ đã đề xuất tăng một  ngày nghỉ vào 27/7, song trong quá trình thảo luận thì Chính phủ lại rút đề xuất này. Tổng liên đoàn Lao động đề xuất thêm 3 ngày nghỉ để công nhân có điều kiện chăm lo sức khỏe, học tập năng cao kỹ năng, trình độ tay nghề.

Ông Lê Đình Quảng, Phó ban quan hệ Lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: Đoàn Loan. 
Ông Lê Đình Quảng, Phó ban quan hệ Lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: Đoàn Loan. 

– Thường xuyên tiếp xúc với người lao động, ông nhận thấy nhu cầu thực tế giữa nghỉ ngơi và cải thiện thu nhập của người lao động như thế nào?

– Trong bối cảnh làm việc nhiều giờ hiện nay, công nhân không có thời gian chăm sóc bản thân và con cái, thậm chí không có thời gian tiếp xúc xã hội, tìm bạn đời.

Ở các khu công nghiệp, chế xuất, họ đi làm từ khi chưa thấy mặt trời, tối lại làm thêm giờ nên cuộc sống hết sức nghèo nàn về vật chất, tinh thần. Nhiều gia đình bố mẹ đi làm thứ bảy, chủ nhật nên phải gửi con, cuối cùng tiền lương lại bù vào chi phí gửi con. Đây là cái vòng luẩn quẩn của làm thêm giờ.

Lâu nay chúng ta xem xét thời giờ làm việc trong vấn đề sức khỏe, song ít nghiên cứu tác động đến xã hội. Công nhân không có thời gian và sức khỏe để hưởng thụ văn hóa, nâng cao tay nghề, khi đối diện với thay đổi công nghệ liên tục như hiện nay thì họ không thích ứng được.

Điều 35 của Hiến pháp quy định, người làm công ăn lương được đảm bảo điều kiện làm việc công bằng, an toàn. Hiện cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính làm việc 40 giờ mỗi tuần, song công nhân vẫn phải làm việc 48 giờ, trong khi ngày nghỉ lễ trong năm ít là bất công đối với họ. Ở một số quốc gia khác, ví dụ như Nhật Bản, công chức làm việc nhiều giờ hơn người lao động, còn nước ta thì ngược lại.

Tôi tiếp xúc với người lao động, nhiều công nhân chia sẻ là khi nghe các phương tiện truyền thanh ngày thứ Sáu nói “Xin kính chúc khán giả ngày nghỉ cuối tuần ấm áp bên gia đình”, thì họ rất mủi lòng vì vẫn phải làm việc thứ bảy. Họ không được bình đẳng với cán bộ, công chức.

Ngoài ra, thời gian làm việc kéo dài tác động lớn đến sức khỏe của người lao động, nguy cơ tai nạn cao. Ở Việt Nam, một nghiên cứu của Bộ Y tế về sức khỏe của 15 triệu lượt người lao động từ 2006 – 1010 cho thấy tỷ lệ lao động sức khỏe loại 1 là 36%, đến giai đoạn 2011- 2016 xuống còn 19%. Tỷ lệ lao động loại 4, loại 5 từ 8,5% tăng lên 11%. Điều này cho thấy môi trường, điều kiện làm việc kéo theo suy giảm sức khỏe của người lao động.

Một nghiên cứu của trường Đại học tổng hợp Cornell (Mỹ) với dữ liệu 18 ngành sản xuất cho thấy, trung bình gia tăng 10% giờ làm việc thì giảm 2,4% năng suất lao động.

– Một số ý kiến cho rằng năng suất lao động thấp thì không nên nghỉ nhiều, ông nghĩ sao?

– Thời gian làm việc, nghỉ ngơi phải gắn liền với năng suất. Thường các quốc gia có GDP cao thì có thời gian làm việc thấp, đó là quy luật. Năng suất lao động xã hội được tính bằng tổng sản phẩm xã hội chia cho số người trong độ tuổi lao động, việc này phụ thuộc lớn vào cơ cấu ngành nghề, khác với năng suất từng doanh nghiệp. Chúng ta có lao động nông nghiệp nhiều nên năng suất thấp. Còn nếu tính riêng các ngành cơ khí, dệt may công nghiệp… là thì năng suất lao động của các doanh nghiệp này không thấp.

Năng suất lao động ở các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào máy móc, trình độ quản trị doanh nghiệp. Nếu máy móc hiện đại tiên tiến, bố trí lao động hợp lý thì năng suất tăng cao, xu hướng của thế giới là tăng cường thay đổi giải pháp công nghệ, cải tiến tổ chức lao động để tăng năng suất chứ không phải tăng thời gian làm việc. Kéo dài thời gian làm việc sẽ ảnh hưởng sức khỏe và kéo theo năng suất lao động thấp.

Chúng tôi đánh giá năng suất làm việc của công nhân Việt Nam so với công nhân của Nhật Bản là không chênh lệch, mà chênh là do máy móc thiết bị của họ tốt hơn. Mọi người đang hiểu sai về chất lượng tay nghề của công nhân nước ta, xã hội không thể áp đặt năng suất lên người lao động mà đó là trách nhiệm của nhà nước và doanh nghiệp. Nhà nước và doanh nghiệp phải tìm hướng sản xuất giảm thiểu lao động nông nghiệp, thu hút các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến hiện đại, có giá trị gia tăng cao, quản trị hiện đại.

Nhiều người cứ đổ năng suất thấp cho người lao động là không đúng, nếu mọi người coi năng suất lao động thấp do người lao động thì các cơ quan nhà nước phải làm 48 giờ chứ không phải chỉ là công nhân lao động vì đây là năng suất lao động của toàn xã hội.

– Có ý kiến cho rằng đời sống công nhân còn nghèo thì không nên nghỉ nhiều vì họ không có tiền đi du lịch?

– Đa số công nhân không có tiền đi du lịch, nhưng họ cần ngày nghỉ để nghỉ ngơi, chăm sóc con cái. Vấn đề ở đây là thời gian nghỉ ngơi. Doanh nghiệp cần huy động làm thêm giờ thì có thể thỏa thuận với công nhân, và chỉ nên huy động làm thêm giờ đúng bản chất là giải quyết đơn hàng đột xuất, phát sinh chứ không phải ngày nào cũng làm thêm giờ như hiện nay.Nhiều doanh nghiệp không muốn tăng tăng chi phí tuyển thêm người, nên yêu cầu công nhân làm thêm tràn lan. Ví dụ, nhận đơn hàng cần 100 người song chủ doanh nghiệp chỉ tuyển 90 người và huy động làm thêm giờ. Hiện nhiều doanh nghiệp vi phạm quy định của pháp luật về làm thêm giờ, tuy nhiên cơ quan chức năng không xử lý nên doanh nghiệp không tuyển thêm lao động mà cứ để thiếu hụt, rồi xử lý bằng làm thêm giờ.

Đúng là giảm giờ làm, thêm ngày nghỉ sẽ gây áp lực cho doanh nghiệp. Nhưng cên cạnh vấn đề tăng chi phí, doanh nghiệp phải thấy được giảm giờ làm cho lao động sẽ thúc đẩy họ học tập nâng cao kỹ năng tay nghề. Khi giảm giờ làm thì người lao động sẽ gắn bó hơn với doanh nghiệp.

Chúng tôi quan sát những doanh nghiệp đã thực hiện giảm xuống 44-40 giờ thì quan hệ lao động tại đó rất tốt, không tranh chấp, không có tình trạng nhảy việc, doanh nghiệp đỡ chi phí đào tạo khi tuyển lao động mới.

– Phía doanh nghiệp lo ngại nếu tăng ngày nghỉ, giảm giờ làm thì không chỉ áp lực lên doanh nghiệp mà còn giảm ưu thế cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam so với các nước khác?

– Không phải bây giờ mới có tâm lý lo ngại việc khách hàng chuyển sang các quốc gia khác có chi phí lao động rẻ hơn. Quốc gia nào đề xuất nâng lương tối thiểu, doanh nghiệp ở đó đều kêu. Ví dụ như doanh nghiệp Sri Lanca thì nói bị chuyển hợp đồng đến Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam bảo sang Campuchia… thực ra các đơn hàng không chuyển đi đâu.

Tôi cho rằng xu thế hiện nay không nên chỉ lấy lợi thế cạnh tranh là nhân công giá rẻ. Để giảm chi phí thì doanh nghiệp phải cải tiến tổ chức, quản trị, tăng công nghệ hiện đại, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, bố trí lao động hợp lý, tiết giảm chi phí quản lý. Tăng thời gian nghỉ là cách thu hút, giữ chân lao động để giảm chi phí, coi người lao động là tài sản quý giá nhất, làm cho người lao động gắn bó với doanh nghiệp, đó mới là phát triển bền vững.

Tất nhiên việc giảm giờ làm sẽ tác động lớn đến doanh nghiệp song đây là cơ hội gây áp lực cho doanh nghiệp đổi mới hơn nữa. Việc sửa đổi Bộ luật lao động lần này không chỉ cho hiện tại mà cả tương lai, nên phải tính đến lâu dài.

– Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu Tổng liên đoàn lao động đánh giá tác động của đề xuất thêm 3 ngày nghỉ. Việc này sẽ được thực hiện như thế nào?

– Tổng liên đoàn lao động sẽ có báo cáo đánh giá tác động trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn, lấy ý kiến công nhân qua hệ thống công đoàn cơ sở để đánh giá đầy đủ tác động kinh tế, xã hội, bình đẳng giới, chi phí với doanh nghiệp.

Chúng tôi cũng sẽ khảo sát thực tế các doanh nghiệp đã giảm giờ làm xuống 40 giờ tác động như thế nào về quan hệ lao động, thu nhập của lao động.

Dự kiến báo cáo của Tổng liên đoàn sẽ hoàn thành trước khi Quốc hội họp vào tháng 10 để các đại biểu xem xét, quyết định.

Quan điểm của chúng tôi là nếu không thêm ngày nghỉ, giảm giờ làm thì sẽ ảnh hưởng lớn đến xây dựng đội ngũ công nhân. Chúng ta phải đối mặt với những vấn đề xã hội khi ngày càng nhiều người đến 40 – 45 tuổi không đủ sức khỏe làm việc, phải nhận trợ cấp một lần và không đảm bảo chăm sóc con cái.

Hồi tháng 4, Ban soạn thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề xuất bổ sung ngày 27/7 vào ngày nghỉ lễ hàng năm. Tại phiên thảo luận chiều 12/6, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14, đa số đại biểu không đồng tình nên Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã xin rút nội dung này khỏi dự thảo luật.

Ngày 17/9, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kiến nghị Quốc hội phương án tăng ngày nghỉ lễ thêm 2 ngày vào dịp Tết Dương lịch và một ngày vào ngày gia đình Việt Nam (28/6), giảm thời gian làm việc của công nhân lao động từ 48 giờ xuống 44 giờ mỗi tuần.

Ngày 20/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã yêu cầu Tổng liên đoàn phải có đánh giá tác động của việc nghỉ thêm ba ngày trong năm trước khi Quốc hội xem xét có thông qua hay không.

(Theo Đoàn Loan/VnExpress)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều