+
Aa
-
like
comment

Tổng Liên đoàn Lao động đề nghị Chính phủ cho phép thí điểm xây nhà ở cho công nhân

16/10/2021 17:47

Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Chính phủ thí điểm cơ chế đặc thù cho Tổng Liên đoàn được trực tiếp giao đất và làm chủ đầu tư dự án nhà ở cho công nhân thuê tại các khu đất dịch vụ trong quy hoạch KCN hoặc quỹ đất khác do UBND tỉnh giới thiệu. Ngoài ra cơ quan này cũng có hàng loạt kiến nghị, đề xuất về phụ cấp chống dịch cho nhân viên y tế và người tham gia phòng chống dịch Covid-19.

Chiều 16-10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam. Tham dự có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và nhiều lãnh đạo bộ, ngành.

Tổng Liên đoàn kiến nghị với Thủ tướng nhiều chính sách về nhà ở cho công nhân - Ảnh 1.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết hội nghị là dịp để nhìn lại những gì đã làm tốt, những gì làm chưa tốt để khắc phục, cũng như đề ra các giải pháp thực hiện trong thời gian tới để sự phối hợp hai bên tốt hơn. “Tất cả đều vì lợi ích quốc gia, dân tộc và chăm lo, vì lợi ích của đoàn viên, công nhân lao động”- Thủ tướng nói.

Sửa các luật để chăm lo tốt hơn cho đoàn viên, người lao động

Sau phát biểu khai mạc của Thủ tướng, ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đã báo cáo kết quả phối hợp công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam 9 tháng đầu năm và trọng tâm phối hợp năm 2022. Một trong những kiến nghị quan trọng được Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nêu ra là vấn đề nhà ở cho công nhân lao động.

Theo ông Nguyễn Đình Khang, trong quá trình triển khai Dự án thí điểm thiết chế Công đoàn tại tỉnh Hà Nam và một số địa phương khác đã phát sinh một số các vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, pháp luật làm ảnh hưởng đến tiến độ, mục tiêu của Đề án phát triển nhà ở cho công nhân.

Tổng Liên đoàn kiến nghị với Thủ tướng nhiều chính sách về nhà ở cho công nhân - Ảnh 2.
Ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, phát biểu

Do đó, để khuyến khích và thúc đẩy được việc phát triển nhà ở cho công nhân thuê tại các khu công nghiệp (KCN), Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị về lâu dài, kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công theo hướng: Chính phủ xem xét đề xuất sửa Luật Nhà ở theo hướng tách đối tượng người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài KCN ra khỏi đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; bổ sung chương mới chính sách về nhà ở cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp.

Về tiêu chuẩn nhà ở cho công nhân, hiện nay các khu nhà trọ của công nhân có diện tích nhỏ, không đảm bảo tiêu chuẩn. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng ban hành tiêu chuẩn diện tích ở đối với nhà ở công nhân KCN cho thuê được thiết kế tối thiểu là 10 m2/người.

Tổng Liên đoàn kiến nghị với Thủ tướng nhiều chính sách về nhà ở cho công nhân - Ảnh 3.
Phần lớn công nhân lao động đang phải sống trong những căn nhà trọ ẩm thấp, chật chội. Trong ảnh: Công nhân sinh sống ở khu nhà trọ tại xã Kim Chung, Đông Anh (Hà Nội) – Ảnh: Văn Duẩn

Dành quỹ đất cho phát triển nhà ở công nhân KCN

Về quy hoạch quỹ đất, kiến nghị sửa đổi đồng bộ quy định về việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở công nhân KCN trong các pháp luật: Luật Đất đai 2013 (tại Điều 149), Luật Đầu tư 2020 (tại Khoản 9 Điều 77) và Nghị định số 82/2018/NĐ-CP (tại Khoản 4 Điều 32), theo hướng trong quy hoạch KCN phải quy hoạch bố trí đất làm nhà lưu trú cho công nhân thuê, có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ khu nhà ở công nhân, tuy nhiên phải bố trí riêng biệt với khu sản xuất, văn phòng; đáp ứng các tiêu chuẩn pháp luật về xây dựng và pháp luật khác liên quan đối với nhà ở.

Giao Chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN hoặc các đối tượng doanh nghiệp khác hoặc Tổng Liên đoàn làm Chủ đầu tư dự án nhà lưu trú công nhân; đáp ứng tối thiểu 50% nhu cầu nhà ở cho công nhân làm việc trong KCN.

Về chủ đầu tư nhà ở cho người lao động, khi sửa Luật Nhà ở, tại chương riêng chính sách về nhà ở cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp cần có điều khoản về chủ thể đầu tư xây dựng nhà ở xã hội là Tổng Liên đoàn xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp.

Về lựa chọn chủ đầu tư, kiến nghị Chính phủ giao Tổng LĐLĐ Việt Nam là chủ thể lựa chọn nhà đầu tư trên tại dự án nhà ở thuộc quy hoạch khu thiết chế công đoàn để chủ động triển khai Đề án.

Tổng Liên đoàn kiến nghị với Thủ tướng nhiều chính sách về nhà ở cho công nhân - Ảnh 4.
Dự án thí điểm thiết chế Công đoàn tại tỉnh Hà Nam (trong ảnh) và một số địa phương khác đã phát sinh một số vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, pháp luật làm ảnh hưởng đến tiến độ, mục tiêu của Đề án phát triển nhà ở cho công nhân- Ảnh: Đặng Lợi

Kiến nghị cho người lao động tại các KCN hoặc cho doanh nghiệp trong KCN thuê để bố trí cho người lao động của mình ở hoặc thuê lại; ưu tiên cho người lao động tại các KCN hoặc cho doanh nghiệp trong KCN thuê để bố trí cho người lao động của mình ở hoặc thuê lại; ưu tiên đối với các trường hợp người lao động ngoại tỉnh có hợp đồng lao động tại KCN.

Đối với các giải pháp ngắn hạn, trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến hệ thống pháp luật liên quan, Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng, Bộ KH-ĐT, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát quy hoạch, hiện trạng sử dụng đất KCN trên địa bàn toàn quốc. Trường hợp KCN có khó khăn về nhà ở cho người lao động, quỹ đất dịch vụ – thương mại trong KCN chưa được sử dụng hết giao chủ đầu tư đầu tư xây dựng nhà lưu trú để cho thuê trong đó có Tổng Liên đoàn.

Trường hợp KCN có khó khăn về nhà ở công nhân, quỹ đất dịch vụ – thương mại đã sử dụng hết nhưng đất sản xuất công nghiệp chưa sử dụng hết thì UBND tỉnh báo cáo cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch KCN dành quỹ đất để đầu tư nhà lưu trú công nhân.

Gỡ khó cho các thiết chế công đoàn

Theo ông Nguyễn Đình Khang, hiện Tổng LĐLĐ Việt Nam đang thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các KCN-KCX” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12-5-2017; sửa đổi bổ sung tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 4-11-2020, trong đó xác định mục tiêu 2017 – 2020 hoàn thành thí điểm 1 dự án thiết chế công đoàn.

Dự án thiết chế Công đoàn tại KCN Đồng Văn II, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam được Tổng Liên đoàn triển khai xây dựng từ năm 2018, hoàn thành năm 2020 từ nguồn vốn tài chính của Tổng Liên đoàn theo cơ chế chính sách của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Đến nay dự án đã hoàn thành công tác thi công, tổ chức nghiệm thu đưa vào sử dụng 5 Block nhà ở với 244 căn hộ, 1 nhà đa năng, sân thể thao ngoài trời và hạ tầng kỹ thuật dự án.

Tổng Liên đoàn kiến nghị với Thủ tướng nhiều chính sách về nhà ở cho công nhân - Ảnh 5.
Quang cảnh cuộc họp

Tuy nhiên hiện nay Tổng Liên đoàn không thể bán, cho thuê căn hộ theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP cho đoàn viên, công nhân, lao động do vướng mắc một số quy định của pháp luật như: Tổng Liên đoàn không thuộc đối tượng bán, cho thuê căn hộ quy định tại điều 10, Luật Kinh doanh bất động sản 2014; không thuộc đối tượng được giao đất để thực hiện các dự án xây dựng nhà ở nhằm mục đích bán hoặc cho thuê theo Điều 55, Luật Đất đai năm 2013; không thuộc các hình thức phát triển nhà ở xã hội theo Điều 55, Luật Nhà ở năm 2014 dẫn đến chưa ký hợp đồng với đoàn viên, công nhân, lao động thuê nhà ở đáp ứng mục tiêu của Đề án.

Vì dự án này nằm trong giai đoạn 2017 – 2020 làm thí điểm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhằm tránh lãng phí tài sản đã đầu tư, sớm ký hợp đồng với đoàn viên, công nhân, lao động được thuê nhà ở tại dự án.

Do đó trong thời gian chờ điều chỉnh Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Tổng Liên đoàn được quản lý, sử dụng 5 block nhà ở thuộc Dự án thiết chế công đoàn tại Khu công nghiệp Đồng Văn II theo dạng nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước quy định tại mục 3 chương V của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.

Đề nghị Chính phủ cho phép thí điểm xây nhà ở cho công nhân

Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Chính phủ thí điểm cơ chế đặc thù cho Tổng Liên đoàn được trực tiếp giao đất và làm chủ đầu tư dự án nhà ở cho công nhân thuê tại các khu đất dịch vụ trong quy hoạch KCN hoặc quỹ đất khác do UBND tỉnh giới thiệu. Trước mắt cho phép được đầu tư thí điểm xây dựng nhà ở cho công nhân tại các địa phương có lượng công nhân đông như: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội.

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí gói cấp bù lãi suất khoảng 3.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân thuê và công nhân vay vốn để mua, thuê nhà ở.

Minh Ngọc

Bài mới
Đọc nhiều