+
Aa
-
like
comment

Tổng đài viên đặc biệt

04/08/2021 12:21

Đang ăn cơm tối thì điện thoại reo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Bay vội buông bát vì đoán đó là cuộc gọi của F0 đến Tổng đài 1022, được nối máy đến.

Giọng nam trung niên gấp gáp bên kia điện thoại: “Bác sĩ ơi, tôi khó thở quá, chắc tôi trở nặng rồi”.

“Anh bình tĩnh, làm đúng theo hướng dẫn để tôi chẩn đoán chuẩn xác nhé. Hãy đặt tay lên bụng, đếm số lần bàn tay nhô lên. Đặt tay vào lồng ngực trái, đếm nhịp tim. Nhớ thở bình thường, không thở gấp”, bác sĩ Bay đề nghị.

Sau khi thực hiện theo, giọng nam bệnh nhân còn nguyên vẻ lo lắng: “Bác ơi nhịp thở 16 lần lận, còn nhịp tim tới 80. Tôi phải làm sao đây?”. Nghe bác sĩ phân tích các chỉ số là bình thường, trấn an, đồng thời phổ biến kiến thức về các dấu hiệu F0 trở nặng, khi nào cần can thiệp y tế, còn hiện giờ tiếp tục theo dõi tại nhà… ông vẫn chưa bớt hoang mang.

Hiện là tuần thứ 2, bác sĩ Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM – Cơ sở 3) tham gia tư vấn cho F0, F1 qua Tổng đài 1022. Nam bệnh nhân trên là một trong khoảng 30 người bà tư vấn trong mỗi ca trực buổi tối, 19h-21h. “Nhiều F0 cách ly tại nhà gặp vấn đề về tâm lý, lo lắng về bệnh nên cần bác sĩ hỗ trợ. Như trường hợp bệnh nhân trên, nhịp thở dưới 24 lần/phút và nhịp tim dưới 100 lần/phút là bình thường nhưng ông ấy vì quá lo sợ nên tưởng mình trở nặng”, bác sĩ Bay chia sẻ.

Nhưng cũng có khá nhiều trường hợp gọi đến tổng đài khi bệnh nhân chuyển nặng, bà Bay sẽ xác định có hay không cần can thiệp hỗ trợ cấp cứu, ghi nhận địa chỉ và tình trạng bệnh rồi báo thông tin vào nhóm chat có các bên liên quan để mọi người cùng hỗ trợ. Sau mỗi ngày, các bác sĩ thường họp nhóm để trao đổi, theo dõi sát các trường hợp để hỗ trợ, xem đã hỗ trợ hiệu quả chưa, người dân có gọi lại không…

32 chuyên gia đang tham gia tư vấn hỗ trợ các vấn đề liên quan sức khỏe và phòng chống Covid-19 thông qua Tổng đài 1022. Họ là các giáo sư, phó giáo sư, bác sĩ đến từ Hội Y học TP HCM, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM; chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, dịch tễ học tại các bệnh viện. Sau khi hoàn tất công việc chuyên môn và nhiệm vụ tại đơn vị, mọi người sẽ trực tổng đài trong 2 giờ. Trung bình mỗi ca có khoảng 10 người trực từ xa. Nhân viên tổng đài sẽ tự động kết nối cuộc gọi của người dân với số điện thoại bác sĩ đã đăng ký.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Bay là một trong 32 bác sĩ tham gia trực tổng đài 1022. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Bay là một trong 32 bác sĩ tham gia trực tổng đài 1022. Ảnh: Bệnh viện Đại học Y dược cơ sở 3.

Tổng đài miễn phí 1022 được Sở Thông tin – Truyền thông và Sở Y tế phối hợp thành lập hôm 23/7, trước bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh, số ca nhiễm liên tục tăng, các F1, F0 đang được cách ly theo dõi tại nhà cần hỗ trợ kiến thức chăm sóc bệnh.

Khi bệnh nhân gọi đến tổng đài, bấm phím 3 sẽ được hướng dẫn cách xử trí các tình huống phát sinh trong quá trình theo dõi bệnh, hỗ trợ các trường hợp chuyển nặng, tư vấn tự chăm sóc về chế độ dinh dưỡng, tập luyện, các loại thuốc cơ bản cần chuẩn bị và cách sử dụng…

Nếu người dân gặp hoàn cảnh đời sống khó khăn vì dịch bệnh, bấm phím 2 sẽ được hướng dẫn, ghi nhận thông tin để cơ quan chức năng xử lý.

Bác sĩ Bay kể, bà và nhiều đồng nghiệp đã đăng ký ngay sau khi đọc được lời kêu gọi y bác sĩ tham gia trực Tổng đài 1022. Ngoài việc hỏi về những triệu chứng gặp phải, rất nhiều F0 hỏi “vì sao chưa được đưa đến bệnh viện”, một số khác cho biết hoàn cảnh khó khăn khi phải cách ly một mình cần hỗ trợ y tế, thực phẩm… Ngoài ra, có nhiều việc người dân khó khăn vì Covid-19 gọi đến hỏi, song không thuộc chuyên môn nên đôi khi làm các chuyên gia bối rối.

“Có chuyện vui, buồn lẫn lộn. Nhưng tựu chung là chúng tôi thấy thương bà con trong đại dịch, thương đội ngũ y tế đang nỗ lực chống dịch. Nên được góp chút sức, chúng tôi thấy rất vui”, bác sĩ Bay chia sẻ.

Tương tự, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung (Chủ tịch Hội Y học TP HCM) cũng tham gia trực Tổng đài 1022 từ những ngày đầu. Ca trực của bà 8-10h, trung bình mỗi ngày tư vấn cho khoảng 40 cuộc gọi. Bà cho rằng, việc đồng hành cùng các F1, F0 đang cách ly theo dõi tại nhà rất quan trọng trong bối cảnh người nhiễm mới đang tăng rất nhiều. Bên cạnh các hỗ trợ y tế, kiến thức chăm sóc bản thân, bác sĩ khi nói chuyện, chia sẻ sẽ khiến bệnh nhân vững vàng, thoải mái tâm lý, mau hồi phục hơn. “Mỗi lần giúp được ai, chúng tôi lại thấy có động lực, sẽ cố gắng nhiều hơn”, bác sĩ Dung nói.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung hiện là Chủ tịch Hội Y học TP HCM . Ảnh. ThanhuyTPHCM
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung hiện là Chủ tịch Hội Y học TP HCM. Ảnh: Thành uỷ TP HCM.

Cổng thông tin 1022 có 86 đơn vị tham gia và 625 đầu mối xử lý, gồm: chính quyền các cấp, cơ quan chức năng để hỗ trợ xử lý những phản ánh về các vi phạm trong phòng chống Covid-19. Việc bổ sung thêm nhánh số 3 là kênh tư vấn sức khỏe liên quan Covid-19 được đánh giá là san sẻ gánh nặng với ngành y tế, đồng hành cùng người dân, các F1, F0 cách ly tại nhà sớm vượt qua dịch bệnh.

Theo Sở Thông tin – Truyền thông TP HCM, dù tăng cường số lượng nhân viên 20-30 người chia 3 ca, trực 24/24h, song lượng cuộc gọi đến tổng đài rất cao, chủ yếu trợ giúp liên quan Covid-19. Trong ba ngày từ 22/7 đến 25/7, tổng đài nhận hơn 190.000 cuộc gọi và tiếp nhận, chuyển đơn vị xử lý hơn 9.700 cuộc; hơn 180.000 chưa thể tiếp nhận. Để giải quyết khó khăn, cơ quan này đề nghị bổ sung tổng đài viên từ Công viên phần mềm Quang Trung, các tình nguyện viên.

“So với tuần đầu hoạt động, hiện mọi thứ đã ổn định hơn cả về phía tổng đài cũng như bác sĩ trực tư vấn. Công việc đang dần vào guồng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Bay cho biết.

Lê Cầm

Bài mới
Đọc nhiều