+
Aa
-
like
comment

Tổng cục Thuế yêu cầu Grab thận trọng trong phát ngôn

12/12/2020 15:30

Tổng cục Thuế yêu cầu Grab Việt Nam thận trọng trong phát ngôn, tránh để dư luận xã hội hiểu không đúng về chính sách thuế.

Tổng cục Thuế vừa gửi công văn đề nghị Công ty TNHH Grab phát ngôn đúng về việc điều chỉnh cơ cấu giá thời gian qua.

Theo công văn này, Tổng cục Thuế nhắc lại, ngày 9-12 đơn vị đã có buổi làm việc với đại diện Công ty TNHH Grab về nội dung Nghị định 126 và có sự tham gia của đại diện Bộ GTVT.

Công văn gửi Grab nêu rõ Tổng cục Thuế đã lắng nghe ý kiến phát biểu, giải trình của Grab về việc tăng giá và tăng chiết khấu đối với khách hàng, tài xế. Tuy nhiên, phía Grab chưa cung cấp đầy đủ thông tin về việc tăng giá và tăng mức khấu trừ thuế đối với lái xe là do ảnh hưởng của Nghị định 126.

GRab-tang-thue-phi
Tổng Cục Thuế phát đi công văn yêu cầu Grab Việt Nam phát ngôn thận trọng. Ảnh: ĐT.

Tổng cục Thuế khẳng định quan điểm của Chính phủ khi ban hành Nghị định 126 nhằm mục đích tăng cường trách nhiệm của tổ chức trong mô hình tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân.

Theo đó, tại điểm c, khoản 5, Điều 7 Nghị định 126 quy định: Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế. Tổ chức có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế của tổ chức mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh. Đồng thời khai thay và nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân hợp tác kinh doanh.

Trường hợp tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo quy định tại khoản 5 Điều 51 Luật Quản lý thuế, mà cá nhân có ngành nghề đang hoạt động cùng với ngành nghề hợp tác kinh doanh với tổ chức thì tổ chức và cá nhân tự thực hiện khai thuế tương ứng với kết quả thực tế hợp tác kinh doanh theo quy định.

Như vậy, Nghị định 126 quy định cụ thể về trách nhiệm khai thuế của tổ chức trong mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân, không phải quy định mới về chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Chính sách thuế GTGT đối với hoạt động vận tải không thay đổi, vẫn áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% như từ trước đến nay.

Quy định mới tại Nghị định 126 không làm tăng nghĩa vụ thuế của cá nhân tài xế. Tài xế chỉ chịu thuế thu nhập cá nhân 1,5% nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng, không làm tăng giá cước vận tải (do chính sách thuế GTGT 10% đối với vận tải không thay đổi mà vẫn áp dụng từ trước đến nay).

Về phía Đại diện Bộ GTVT cũng đã có ý kiến khẳng định: “Hoạt động kinh doanh của Grab là hoạt động vận tải”. Công ty TNHH Grab phải có trách nhiệm chính với hoạt động vận tải vì Công ty quyết định về giá cước (thay đổi giá khi có thay đổi về điều kiện giao thông, thời tiết…), lựa chọn khách hàng, lựa chọn tài xê, …

Từ đó, Tổng cục Thuế yêu cầu Công ty TNHH Grab thận trọng trong phát ngôn khi đưa ra lời giải thích với công luận và lái xe về việc điều chỉnh tăng cơ cấu giá là do tác động của Nghị định 126; tránh tạo dư luận và xã hội hiểu không đúng về Pháp luật của Nhà nước về chính sách thuế.

Đồng thời, Công ty TNHH Grab cần đề cao trách nhiệm xã hội đối với người lao động, tài xế tại Việt Nam. Từ đó, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng và cùng phát triển.

Grab vẫn nhận là đơn vị cung cấp phần mềm

Tuy nhiên, trong buổi đối thoại với đối tác tài xế (ngày 10-12), Grab Việt Nam vẫn nhận mình là đơn vị cung cấp phần mềm. Tại đây, bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc Điều hành của Grab tại Việt Nam, cho biết Nghị định 126 có hiệu lực từ 5-12.

Bà Vân đánh giá Nghị định 126 không phù hợp với mô hình kinh doanh hợp tác, chỉ phù hợp với mô hình kinh doanh vận tải truyền thống. Trong khi đó, xuất phát điểm thì Grab đang áp dụng mô hình hợp tác kinh doanh chia sẻ doanh thu.

Ngay từ tháng 5-2020, Grab đã rất khẩn thiết kiến nghị với Tổng cục Thuế về các bất cập, không phù hợp này song không được chấp thuận.

Có lẽ, điều cần nhất lúc này là Nhà nước và Grab cần xác định rõ Grab là đơn vị kinh doanh vận tải hay đơn vị cung cấp phần mềm.

ĐÀO TRANG/PL

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều